Nhà văn Nguyễn Đình Tú: 3 năm ra 3 tiểu thuyết

26/10/2010 14:01 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Đúng như đã từng tuyên bố trên báo chí, tháng 10 năm nay tiểu thuyết Kín (NXB Văn học và Công ty sách Phương Đông ấn hành) đã đến tay độc giả, hoàn thành sứ mệnh “3 năm liền ra 3 tiểu thuyết” của nhà văn Nguyễn Đình Tú.

Nếu như tiểu thuyết Nháp (2008) đưa đến một cảm giác ngổn ngang, nhiều hiểm họa trong cuộc sống của người trẻ nhưng lại là môi trường để thiện - ác phân tranh, khẳng định sức mạnh muôn đời của tính thiện. Phiên bản (2009) là sự soi chiếu tội phạm học dưới góc độ văn học thông qua sự tha hóa của những nhân vật mang dáng dấp nguyên mẫu là những giang hồ khét tiếng (Dung Hà, Năm Cam...). Còn Kín một lần nữa lại đi sâu, bóc tách, lí giải nhằm nổi bật lên chân dung lớp trẻ đương đại thông qua hành trình tới những miền đất của nhân vật Quỳnh, những sinh hoạt quần hôn tập thể, sự nguy hiểm của giang hồ, bắt cóc, đĩ điếm và cả thế giới tinh thần phong phú nhưng cũng đầy linh thiêng, đó là Đạo Mẫu. TT&VH có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Đình Tú xung quanh cuốn tiểu thuyết thứ 5 này của anh.


Nhà văn Nguyễn Đình Tú
* Thường thì sau khi viết xong một tác phẩm, các nhà văn đều cảm thấy như con tằm vừa rút ruột nhả hết tơ, liệu cảm giác đó có đúng với anh bây giờ?

- Đó là một cách nói hình ảnh chứ thực chất thì tằm nhả xong tơ là hết một đời tằm. Còn nhà văn sau khi viết xong một tác phẩm vẫn phải sống để tiếp tục nhận về mình những hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời.

* Thời gian để hoàn thành Kín là bao lâu? Trong khoảng thời gian đó có lúc nào anh thấy mỏi mệt, khó khăn và muốn buông bút?

- Ý tưởng cho Kín thì có từ vài năm trước. Khi tiểu thuyết Phiên bản đang nhận được những lời khen, chê của bạn đọc (tức tháng 10/2009) thì tôi mới bắt tay vào viết Kín. Mỏi mệt và khó khăn thì có, nhưng buông bút thì không. Làm sao buông bút được khi trong quá trình viết có rất nhiều bạn đọc gọi điện đến hỏi: “Xong chưa? Bao giờ thì ra?” Chính bạn đọc đã giúp tôi vượt qua những khó khăn để hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ 5 này.


Bìa tiểu thuyết Kín

* Ở Kín, một lần nữa chân dung những người trẻ đô thị với cuộc sống đầy sự phức tạp lại được anh soi chiếu, xoáy sâu vào những bi kịch. Một thế hệ lạc loài (chữ của Ngô Tự Lập) trong Nháp chưa đủ làm anh mệt nhoài với những nhân vật trẻ tuổi sao?

- Tôi cũng đang là một người trẻ và tôi muốn khám phá thế giới trẻ quanh tôi. Nhà văn được mệt nhoài với những nhân vật của mình là một điều hạnh phúc.

* Anh có mạo hiểm quá không khi dám “xông vào” lĩnh vực văn hóa dân gian, cụ thể là Đạo Mẫu, điều mà các cây bút trẻ thường ngại khám phá?

- Đời hay đạo ở đây chỉ là chất liệu. Từ chất liệu ấy tôi làm nên một thế giới của riêng tôi và bạn đọc sẽ tìm thấy sự thú vị trong thế giới ấy. Còn mạo hiểm ư? Nghệ thuật luôn là cái đích đến đầy mạo hiểm cho bất kỳ ai muốn thử sức.

* Nháp với quá nhiều sex và Phiên bản với quá nhiều bạo lực, đến Kín lại xuất hiện yếu tố quần hôn và bắt cóc tống tiền, đồng cốt, bụi đời và đĩ điếm... anh có vẻ như thách thức dư luận với những đề tài được coi là “đụng chạm đến nhiều phương diện đạo đức” trong tác phẩm của mình?

- Tôi viết văn là trình ra cái nhìn của mình đối với xã hội. Cái nhìn ấy không thách thức ai cả mà chỉ góp phần lay động cái phần sâu kín nhất của con người. Dư luận là thứ đáng để quan tâm nhưng khi viết văn tôi không lệ thuộc vào dư luận.

* Chơi cấu trúc cũng như là sử dụng âm binh, anh có sợ một lúc nào đó mình không được “cao tay ấn” và bị “tác dụng ngược”?

- Mỗi cuốn tiểu thuyết của tôi đều được xây dựng bởi một cấu trúc khác nhau. Nếu Nháp là hai dòng chảy đan cài vào nhau thì Phiên bản là ba điểm nhìn khác nhau về một con người, còn với Kín, độc giả sẽ đọc ba câu chuyện song song cho đến khi kết thúc sẽ òa vỡ ra trong một câu chuyện lớn bao trùm. Với tôi, cấu trúc lạ là một yêu cầu của tiểu thuyết và tôi nghĩ là mình đã làm tốt yêu cầu đó trong Kín.

* Vừa là nhà văn, nhà báo, đồng thời là một quân nhân, anh có thể chia sẻ với độc giả về quá trình trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm và vốn sống của mình để viết nên những tác phẩm này?

- Trước khi viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi cũng rất ngại cái gọi là “vốn sống”. Nhưng hiểu vốn sống là những trải nghiệm thực tế thì quả thực những người trẻ sẽ không dám cầm bút. Vốn sống ngoài đời khác với “vốn sống” trên trang viết. Muốn có “vốn sống” trên trang viết cần có khả năng tái tạo đời sống theo cách riêng của mình. Khả năng đó là gì? Đó là điều mà “ông trời” chỉ ban phát riêng cho nhà văn mà thôi.

* Cảm ơn anh!

Hương Giang (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm