02/04/2021 18:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Ở độ tuổi 70, sau hơn nửa thế kỷ viết cho thiếu nhi, nhà văn Lê Phương Liên vừa cho ra mắt tiểu thuyết dã sử Nữ sĩ thời gió bụi (NXB Phụ nữ), viết về Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. "Đối với tôi, việc viết tiểu thuyết này là một duyên phận mà tôi muốn thực hiện trọn vẹn với anh linh nữ sĩ Đoàn Thị Điểm" – bà chia sẻ.
1. Bởi thế, sau khi tiểu thuyết được ấn hành, nhà văn Lê Phương Liên đã cùng với NXB Phụ nữ đã thành kính dâng sách viếng thăm khu lăng mộ Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm tại làng Phú Xá (nay thuộc phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội).
Dẫu là một nhân vật lịch sử đã sống cách đây gần 300 năm song với nhà văn Lê Phương Liên, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm luôn có mối liên hệ hết sức gần gũi. Tác giả Nữ sĩ thời gió bụi cho hay: “Đoàn Thị Điểm gần gũi với tôi vì bà không chỉ là nhà thơ mà còn viết văn xuôi đặc sắc. Tôi là một người viết cho thiếu nhi nên rất thích chất bay bổng, diễm lệ trong những truyện truyền kỳ Bích Câu kỳ ngộ, Vân Cát thần nữ, Hải khẩu linh từ lục … của Hồng Hà nữ sĩ”.
Chưa kể, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm còn là một bà giáo nổi tiếng đất từ 300 năm trước. Theo Gia phả Hồng Hà phu nhân, bà là người phụ nữ đã mở trường dạy học ở làng quê từ thế kỷ 18. Trong khi đó, nhà văn Lê Phương Liên cũng từng là một nhà giáo, một nhà văn viết cho thiếu nhi hơn 50 năm. Có thể nói, nét đặc trưng của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm rất gần với tính cách luôn gắn bó với nhà trường của Lê Phương Liên.
Nhưng, sự gần gũi về con người thôi chưa đủ. Cơ duyên để Nữ sĩ thời gió bụi ra đời còn gắn với mùa Xuân năm 2018, khi nữ nhà văn được người làng Phú Xá mời đến dự Hội làng và đi viếng mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cùng chồng bà là tiến sĩ Nguyễn Kiều. Sau đó nữ nhà văn lại được giám đốc NXB Phụ nữ tặng bộ sách Một điểm tinh hoa (Bản dịch và phiên âm đầy đủ nhất các tác phẩm của Đoàn Thị Điểm, do PGS.TS Trần Thị Băng Thanh sưu tầm và giới thiệu). Nhờ nối tiếp những sự kiện đó, nhà văn Lê Phương Liên “có cảm giác hình như mình có “thiên mệnh” viết tiểu thuyết dã sử về Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.
Sau đúng 3 năm hoàn thành “thiên mệnh” , nhà văn cùng NXB Phụ nữ trở lại làng Phú Xá sau hội làng đúng 1 ngày để dâng sách tri ân, viếng thăm nhân vật chính trong tiểu thuyết.
Phường Phú Thượng nằm dọc triền đê sông Hồng gió lộng, từ chân cầu Nhật Tân đi theo đường An Dương Vương sẽ đến khu lăng mộ Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, nằm ngay đầu làng. Khuôn viên lăng mộ rộng chừng 40m2, nằm nép mình bên góc phố. Theo người dân trong làng, mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm xưa kia nằm ở cánh đồng làng Xù (tên nôm của làng Phú Xá nay) cạnh bên một bãi dâu xanh ngút ngàn dọc bờ sông Hồng. Từ năm 2011, sau lễ hợp táng đưa tiến sĩ Nguyễn Kiều quy tập cùng mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Hồng Hà nữ sĩ đã an nghỉ cùng chồng tại khu lăng mộ từng được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố.
Trước mộ phần nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, nữ nhà văn mái tóc pha sương nghiêng mình thành kính. Bên thềm từng bông đại rơi lác đác. Bà cẩn thận viết dòng kính văn trên tác phẩm dâng lên anh linh Hồng Hà nữ sĩ. Tay chấp niệm kính cẩn, đôi mắt tác giả Nữ sĩ thời gió bụi rưng rưng. Đâu đây trong làn khói hương mờ nhân ảnh, hương hồn nữ sĩ như hiển linh chứng tâm cho hậu thế 300 năm sau vẫn ghi tạc về một bậc nữ nhân kỳ tài bằng những trang viết toàn tâm, toàn ý.
“Được trở lại viếng mộ Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, nhất là khi hoàn thành tiểu thuyết về bà, tôi thực sự xúc động. Bởi lần đầu đến thăm mộ bà, trong tôi vẫn còn những rối bời, những xúc cảm chưa thực rõ ràng” - nhà văn Lê bộc bạch - “Thời điểm đó, thú thật tôi có cảm giác chưa thật hiểu hết về cuộc đời của bà. Nhưng không hiểu sao dường như anh linh của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã thúc đẩy tôi phải tìm hiểu về cuộc đời, quê hương của bà và tất cả những bối cảnh lịch sử liên quan để dựng lên tác phẩm Nữ sĩ thời gió bụi”.
Tác giả Nữ sĩ thời gió bụi tâm niệm, việc đến viếng thăm nhân vật trong tác phẩm của mình, đặc biệt là một nhân vật tiếng tăm trong lịch sử là lẽ thường tình, hợp với văn hóa ứng xử uống nước nhớ nguồn của người Việt. Coi việc hoàn thành Nữ sĩ thời gió bụi như được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm phù hộ, giây phút đứng trước phần mộ của Hồng Hà nữ sĩ với nhà văn Lê Phương Liên là sự hạnh phúc ngập tràn, khi được dâng lên anh linh nữ sĩ tiểu thuyết đầu tay của mình trước khi được bán đại trà.
Trong tác phẩm Nữ sĩ thời gió bụi, khi nữ sĩ Đoàn Thị Điểm trở thành phu nhân của tiến sĩ Nguyễn Kiều, nhà văn Lê Phương Liên viết nhiều về bối cảnh lịch sử liên quan đến làng Phú Xá - nơi có đặt mộ chí của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm ngày nay. Quan trọng hơn, kết thúc truyện, “tôi đã nhắc rất nhiều đến hình ảnh đôi mộ Nguyễn Kiều - Đoàn Thị Điểm. Đó là đôi mộ thi nhân, họ sống mãi bên nhau, sống mãi ngàn năm trong sự gìn giữ của dân làng Phú Xá trải qua bao nhiêu thăng trầm cho đến ngày nay vẫn còn hiện hữu như một chứng tích lịch sử danh nhân có giá trị”.
2. Đối với nhà văn Lê Phương Liên, ngày dâng sách tri ân nhân vật của mình trước hết là niềm vui, sau là tâm niệm anh linh của người nữ sĩ kỳ tài sẽ tỏa sáng trong đời sống hiện đại. Đặc biệt, bà hi vọng thế hệ trẻ được hiểu thêm về cha ông của mình, về những người phụ nữ đã sống cách đây 300 năm có những tư tưởng tiến bộ như thế nào.
Cùng quan điểm, Giám đốc NXB Phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng nhấn mạnh: “Nhờ những người viết như nhà văn Lê Phương Liên, bản thân tôi cũng như nhiều người khác khi đọc xong tác phẩm đều có một sức mạnh thôi thúc và ám ảnh. Đọc Nữ sĩ thời gió bụi, thế hệ hậu sinh cách mấy trăm năm được hiểu, được sống với cuộc đời của những danh nhân đất Việt. Đó là niềm tự hào”.
Đọc Nữ sĩ thời gió bụi, độc giả còn cảm nhận được những rung động tình cảm trong cuộc đời của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, cảm nhận được sự trân trọng của người chồng đối với bà và xúc động với những bài văn khóc vợ của tiến sĩ Nguyễn Kiều. Từ đó, họ sẽ hiểu thêm về nhiều giá trị từ người xưa: Tình cảm giữa người với người; nghĩa vợ chồng tương kính như tân - cử án tề mi; đạo sống, cư xử trong cuộc đời và một lối sống vì người như nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.
Chuyến viếng thăm dâng sách tri ân nữ sĩ Đoàn Thị Điểm của nhà văn Lê Phương Liên cùng NXB Phụ nữ giống như một cuộc hồi cố. Cho đến hôm nay, người Phú Xá đã quen thân nhà văn Lê Phương Liên như người nhà. Những câu chuyện lịch sử về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, về tiến sĩ Nguyễn Kiều,… cứ thế kéo dài kéo dài mãi từ trong tâm thức của người làng Phú Xá đến trang văn Nữ sĩ thời gió bụi như một sợi chỉ đỏ bền chặt, khăng khít.
Người Phú Xá đón nhận Nữ sĩ thời gió bụi như một phần lịch sử của làng. Chả vậy mà người làng Phú Xá ví xưa, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm dịch Chinh phụ ngâm diễn Nôm thấp thỏm trong 3 năm chờ chồng đi sứ thì nay nhà văn Lê Phương Liên cũng viết Nữ sĩ thời gió bụi ròng rã suốt 3 năm:
“Ba Đông trăn trở đau đáu khúc ngâm
Đâu bến Thiên Phù ông Kiều bà Điểm
Bên nhau sóng đôi thuyền lướt Nhị Hà
Ba hè gõ phím như đàn như phách
Phượng xòe bông lửa ra rả ve ngân
Thời gió bụi Liên hương sen ngát
Ba năm viếng bà nén trầm xao quyến
Tiếng trẻ bên trường giọng cổ giọng kim
Trang sách lòng con liệu cùng hòa nhịp”
Đó là những câu thơ mừng tiểu thuyết dã sử Nữ sĩ thời gió bụi của ông Hồ Văn Hậu - người kết nối nhà văn Lê Phương Liên với làng Phú Xá, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.
(Còn nữa)
Công Bắc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất