15/02/2011 11:04 GMT+7 | Đọc - Xem
Trước khi làm báo vào năm 1990, ít ai biết trước đó Lê Anh Hoài từng là nhạc công, chơi guitar trong một ban nhạc sinh viên (có cả Huy MC là thành viên) chuyên phục vụ đám cưới, hội diễn, lễ lạt... Đời nhạc công kéo dài đến 5 năm, với nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Như có lần, ban nhạc chơi hai đến ba ngày cho một đám cưới trên Phú Thọ. Vừa làm việc, vừa nhậu, vừa quậy... Sáng hôm sau, khi tiệc cưới tàn, các chàng tỉnh dậy, ngơ ngác thấy cả lũ đang trên giường... tân hôn của cô dâu chú rể trong khi hai nhân vật chính phải kiếm chỗ ngủ ở nơi khác.
Năm 1999, gã quyết định để các sáng tác “hạ sơn” bằng cách cho ra đời một tập thơ. Những giấc mơ bên đường (mà có tờ báo thay bằng cái tên hết sức... cách mạng: những giấc mơ lên đường) gồm một loạt các bài theo thể thơ tự do, mà tôi đồ rằng bảo đọc lại, ắt hẳn Lê Anh Hoài không nhớ được trọn vẹn bài nào. Có lẽ gã không đủ tự tin đến thế nếu như nhà thơ/ nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan thuyết phục:
- Sao làm ra nhiều thơ thế mà không in?- Thơ in ra thì ai đọc?
- Sao ông lại nghĩ thế?Cứ lằng nhằng như vậy mất đứt một năm, Lê Anh Hoài thấy cũng bùi tai và gửi “con cái” cho Nguyễn Chí Hoan chọn lựa, biên tập.
Chuyện tình mùa tạp kỹ, cuốn tiểu thuyết đầu tay sáng tác mất hơn một năm, viết trộm trong giờ làm việc của cơ quan, được in năm 2007 sau hai năm đi từ NXB này đến NXB khác để rồi dừng chân ở NXB Đà Nẵng (mới đây Chuyện tình mùa tạp kỹ được tái bản, cũng sau hai năm lận đận tưởng không xong nổi, “bị” chính tác giả đổi sang cái tên khá thị trường: @ tình). Tập truyện ngắn Tẩy sạch vết yêu đồng ra đời luôn vào năm 2010, đóng thêm một cái dấu cho chặng đường 10 năm viết văn của gã.
Lê Anh Hoài bên một tác phẩm sắp đặt với xe máy trong Ngày thơ Việt Nam |
Tạm chưa đánh giá gì ở chất lượng từng tác phẩm Lê Anh Hoài mang đến, nhưng số lượng tác phẩm gã làm chẳng kém cạnh những tay xuất thân từ hội họa được trang bị kiến thức nền về nghệ thuật thị giác, đồng thời khẳng định thêm việc, các anh họa sĩ có thể viết thơ, làm văn, sáng tác nhạc thì tôi - người thuần túy sống và kiếm tiền bằng viết lách - cũng có thể làm nghệ thuật thị giác như ai. Trong làng văn, ngoài cây bút Nhã Thuyên chỉ dám mon men đến “Thánh địa” (hay nghĩa địa?) đó, Lê Anh Hoài là tay chơi thứ thiệt, dám lao thẳng vào với tốc độ lốc xoáy, mọi sản phẩm đều làm tay bo, không buồn xin tài trợ từ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào và danh tiếng gã thu được từ “sự ngơi nghỉ - hoán đổi việc” này lấn át hẳn bản nghề văn chương.
Ôm đồm nhiều nghề nhiều thứ, thế nhưng với Lê Anh Hoài, việc nào ra việc đấy và không dồn cho chúng quá nhiều thời gian. Cũng như trách nhiệm với gia đình, mỗi sáng không quên nhiệm vụ chở con gái đi học, rồi trưa ăn nhoáng nhoàng ở cơ quan, chúi mũi vào công việc viết báo, tổ chức bài vở, liên lạc cộng tác viên, biến thành Mr. Búp Bê giải quyết các rắc rối tâm lý của độc giả trẻ tuổi. Tối mờ mịt, gã mò về nhà với bữa tối trễ tràng. Còn văn chương hay các việc sáng tác khác, là của ban đêm, của buổi sáng sớm.Sinh năm 1966, làm báo viết văn từ năm 1990, Lê Anh Hoài đi qua trọn vẹn 10 năm vừa làm vừa chơi, vừa để lại dấu ấn riêng cho mình, kể cả khi những thứ gã đã làm lắm khi đầy phù du, phù phiếm. Mà đã là đàn ông, nhất là đàn ông theo con đường nghệ thuật, ai mà chả như vậy...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất