Nguyễn Nhật Ánh: Thành công nhờ có “khóe” văn riêng

08/06/2012 14:01 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Online) - Nguyễn Nhật Ánh được nhiều nhà văn thiếu nhi khác so sánh với J.K. Rowling của nước Anh. Kính vạn hoa và cả các tác phẩm sau này của ông được ví như Harry Potter, tất nhiên là với một quy mô nhỏ hơn.

Nhưng “thành công liên hoàn” của Nguyễn Nhật Ánh vẫn là trường hợp khó lặp lại ở Việt Nam. Và cũng giống như văn Rowling, tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh còn gây tranh luận về mặt văn học nhưng không thể phủ nhận là có cống hiến đáng kể trong việc phát triển văn hóa đọc.


Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Một “thương hiệu”…

Trong cuộc gặp mặt của các nhà văn thiếu nhi do NXB Kim Đồng tổ chức sáng 7/6 tại HN, Nguyễn Nhật Ánh vẫn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất, dù vắng mặt. Thậm chí, trên bàn trưng bày sách, Kính vạn hoa bộ mỏng và dày chiếm già nửa số tác phẩm trưng bày của NXB (ảnh).

Kính vạn hoa, 54 tập, phát hành từ năm 1995 cho đến nay đã ra rất nhiều bộ mới. Số lượng phát hành không thể dưới triệu bản, ngoài ra còn có lượng độc giả lớn trên mạng.

Một số tác phẩm mới hơn của nhà văn như Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi là Bê Tô, Đảo mộng mơTôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng bán chạy trong nhiều năm. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, in 15.000 cuốn, gây sửng sốt khi tái bản ngay trong ngày phát hành, đến nỗi làm nhiều người bán tín bán nghi. Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, in 10.000 cuốn, sách mới ra hôm 1/6 của anh cũng gây sốt trước ngày phát hành khi lượng đặt trước dẫn đầu trên các trang web bán sách.

Nhiều nhà văn lớn tuổi đọc Nguyễn Nhật Ánh và thắc mắc: “Tác phẩm này hay ở chỗ nào?”. Theo nhà văn Phong Điệp, câu này nên mang ra hỏi độc giả trẻ con, các em sẽ cho chúng ta biết câu trả lời chính xác nhất. “Tôi nghĩ là giờ Nguyễn Nhật Ánh có viết gì thì độc giả vẫn sẽ đọc, vì anh đã tạo dựng được một thương hiệu riêng, trở thành thần tượng của nhiều độc giả”, chị nói.

Nhiều đồng nghiệp không đánh giá cao chất văn học, tầm tư tưởng trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh, nhưng việc anh tạo ra được một lượng lớn độc giả trung thành cũng đáng để họ suy ngẫm.



Sách Nguyễn Nhật Ánh không thuần “ăn khách”

“Sách dài kỳ là sản phẩm của nền công nghiệp giải trí hiện đại”, nhà văn Lê Phương Liên nhận định. Kính vạn hoa chính là trường hợp thành công nhất trong số đó. Ngoài ra, còn có Năm Sài Gòn của Bùi Chí Vinh, Học trò phố huyện của Nguyên Hương, Ngôi trường không nổi tiếng của Lưu Thị Lương, Sống sót vỉa hè của Võ Phi Hùng…

Theo nhà văn Lê Phương Liên, truyện dài kỳ là sản phẩm tiêu biểu của sự phát triển của ngành xuất bản và hình thức phát hành sách định kỳ.

Có thể ví von truyện dài kỳ như phim bom tấn nhiều tập, dành cho nhiều đối tượng công chúng, có thể sản xuất thêm tập mới nếu phim “ăn khách”.

Nói văn Nguyễn Nhật Ánh thành công nhờ chất giải trí đại chúng không phải là hạ thấp. Nhà văn Phong Điệp cho đây là một điều đáng mừng, bởi bên cạnh tính giải trí, văn Nguyễn Nhật Ánh có giá trị nhân văn. Trong khi đó, nhiều đầu sách bán chạy hiện nay trên thị trường chỉ có mục tiêu giải trí thuần túy, còn chất nhân văn hay giá trị thẩm mỹ đều rất thấp.

Theo đánh giá của nhà văn Lê Phương Liên, Nguyễn Nhật Ánh thành công nhờ có một “khóe” văn riêng. “Anh chiếm được tình cảm của hàng triệu người đọc không ngoài quy luật tự sự và đối thoại nội tâm của tuổi thơ, không ngoài việc tự phát hiện ra chất hài hước của chính mình”.

Những sáng tác đạt tới chiều sâu như Tôi là Bê Tô hay Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ cũng được bạn bè trong giới mến mộ, chứ không đơn thuần là tác phẩm ăn khách.

Nổi bật như một đỉnh cao của văn học thiếu nhi Việt Nam, văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn chưa thu hút giới phê bình hay tạo nên những cuộc tranh luận chuyên môn thực thụ. Vì giới phê bình “lười” hay vì tác phẩm chưa đủ sức hút đối với họ?

Kim Thu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm