Phim mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội: Hồi hộp tới... giờ chót

21/09/2010 07:16 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Trong số các công trình nghệ thuật chào mừng, làm phim lịch sử mừng Đại lễ có lẽ là một trong những dự án được chuẩn bị sớm, công phu và nhận được sự quan tâm nhiều nhất của dư luận. Theo đúng kế hoạch thì những phim này đã và đang chuẩn bị ra mắt.

Đầu xuôi nhưng đuôi khó lọt

Trong số các công trình nghệ thuật chào mừng, dự án làm phim lịch sử mừng Đại lễ có lẽ là một trong những dự án được chuẩn bị sớm, công phu và nhận được sự quan tâm nhiều nhất của dư luận. Từ tháng 9/2002, cuộc vận động sáng tác kịch bản phim nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được UBND TP Hà Nội và Hội Điện ảnh Hà Nội phát động. Thậm chí, một trại sáng tác được mở ra quy tụ những tên tuổi hàng đầu trong giới biên kịch, nhà văn như Đặng Nhật Minh, biên kịch Lê Phương, Trịnh Thanh Nhã, Đinh Thiên Phúc, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Xuân Khánh, Chu Lai, Nguyễn Quang Lập..., đãi cát tìm vàng... “Vàng” tìm được sau đó khá dư dả với kịch bản Hội thề (của Nguyễn Quang Thân) được trao giải nhất; ba giải nhì: Thái tổ Lý Công Uẩn (Nguyễn Thiên Phúc), Lý Thường Kiệt (Nguyễn Quang Lập), Hồ Quý Ly (Lê Khôi); bốn giải ba: Càn khôn một gánh (Chu Lai), Trần Thủ Độ và người tình (Nguyễn Mạnh Tuấn), Bão táp cung đình (Hoàng Quốc Hải), Chuyện về đứa con của Rồng (Đoàn Triệu Long).

Tuy nhiên, giải nhất Hội thề “bị loại” khỏi cuộc chơi, kịch bản giải nhì Thái tổ Lý Công Uẩn được chọn làm phim nhựa, Trần Thủ Độ và người tình làm phim truyền hình, còn Chuyện về đứa con của Rồng chọn làm phim hoạt hình.

Nhưng việc khởi động dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn vào năm 2006 cũng đi cùng với những bất đồng liên miên trong ê-kíp làm phim. Giữa năm 2008, dự án này được Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội quyết định “giãn tiến độ”, có nghĩa sẽ không ra đời đúng kế hoạch kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chứ không phải ngừng hay hủy bỏ. Nghe nói, cho tới khi có quyết định này, dự án đã tiêu tốn khoảng 2,5 tỉ đồng cho thiết kế bối cảnh, tìm bối cảnh, thiết kế trang phục, tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các trường quay bên Trung Quốc…(theo báo Công an Nhân dân). Và cũng từ đó, không ai còn nghe tin tức gì về Thái tổ Lý Công Uẩn..., điều ấy cũng đồng nghĩa với việc bộ phim truyện nhựa duy nhất được lên kế hoạch sản xuất cho ngày Đại lễ đã không ra mắt vào Đại lễ.

Bộ phim truyền hình Trần Thủ Độ và người tình (sau đổi thành Thái sư Trần Thủ Độ) may mắn hơn khi nhanh chóng vượt qua vụ ồn ào á hậu Thiên Lý “trả vai” Trần Thị Dung. Đầu năm nay, theo thông tin từ nhà sản xuất (Hãng phim truyện I), những tập đầu tiên của phim sẽ được giao nộp trước ngày 30/4 và như thế Thái sư Trần Thủ Độ gần như chắc chắn sẽ kịp ra mắt những thước phim đầu tiên vào dịp đại lễ” (VNN). Nhưng rồi “đầu xuôi đuôi vẫn chưa lọt”, tới nay không có bất cứ thông tin nào về việc phim Thái sư Trần Thủ Độ sẽ lên sóng trong dịp Đại lễ sắp tới.


Những hình ảnh về bộ phim Thái tổ Lý Công Uẩn mới chỉ nằm trên phác thảo
May, không may...

“May mà có tư nhân” (tức các nhà sản xuất phim tư nhân) - đó là câu nói của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh về các dự án điện ảnh chào mừng Đại lễ. Cụ thể ở đây bà Ngát muốn nói tới hàng loạt các dự án làm phim “xã hội hóa” được bung ra khi các dự án làm phim Nhà nước gặp khó. Nổi bật trong nhóm phim xã hội hóa mừng Đại lễ là bộ phim truyện nhựa Khát vọng Thăng Long, được xác định là phim nhựa duy nhất hoàn thành kịp chiếu trong dịp tháng Mười năm nay. Ngược lại với những dự án “đầu xuôi đuôi không lọt” nói trên, Khát vọng Thăng Long được coi là có cách làm vô tiền khoáng hậu trong lịch sử làm phim ở Việt Nam: một dự án bất ngờ hiện ra, thông báo dưới một tên, thời gian sau đó đổi sang tên khác, với một ê-kíp sản xuất khác, và được làm gần như trong... bí mật. Mãi tới gần đây, Khát vọng Thăng Long mới chính thức ra mắt đoàn làm phim khi phim đã gần hoàn tất, với kỷ lục thời gian làm phim: từ khi bấm máy (tháng Sáu) đến khi công chiếu (tháng Mười) chỉ vẻn vẹn 4 tháng, đặc biệt hơn với một bộ phim lịch sử, trong một điều kiện làm phim lịch sử bằng 0 ở Việt Nam.

Như nhà sản xuất cho biết, toàn bộ quá trình: quay hiện trường, dựng phim, biên tập, hậu kỳ hình ảnh, âm thanh, ánh sáng đến in tráng được làm “cuốn chiếu”, trong khi nhiều bối cảnh vẫn đang quay trên hiện trường phim đã có 20 phút chiếu thử. Rất có thể, sau dịp này, Việt Nam sẽ tạo ra một cuộc cách mạng mới cho ngành công nghiệp điện ảnh đang trì trệ của mình.


Phim Thái sư Trần Thủ Độ từng gây xôn xao dư luận một thời
khi á hậu Thiên Lý bỏ vai Trần Thị Dung, vợ Thái sư
Hãy còn sớm để bàn về chất lượng của Khát vọng Thăng Long khi phim còn chưa chiếu, nhưng tâm trạng của bà Hồng Ngát “may mà có tư nhân” là có thật. Phim được làm hối hả vào giờ chót, không cần chuyên gia sử học cũng chẳng thi thố phương án gì khác (vì kinh phí xã hội hóa)..., trở thành bộ phim truyện nhựa duy nhất có thể kịp chiếu trong dịp Đại lễ. “May mà có người dũng cảm nhảy vào, chứ giờ phút này chẳng có gì mà lựa chọn, kén cá chọn canh, có phim là tốt rồi”, bà Hồng Ngát xác nhận.

Vậy nhưng, ngay từ khi chưa bấm máy và trước khi kịp đóng máy, Khát vọng Thăng Long liên tục gặp rắc rối về bản quyền kịch bản. Đầu tiên là việc đạo diễn Đỗ Minh Tuấn lên tiếng nghi ngờ phim được “rút lõi” từ kịch bản Lý Công Uẩn của ông. Mới đây nhất, trên TT&VH Cuối tuần, nhà văn - nhà báo Phạm Tường Vân công bố việc ký hợp đồng viết kịch bản Khát vọng Thăng Long nhưng không đứng tên... Lại còn một nguồn thông tin khác cho biết dự án này đã từng được Phan Đăng Di viết. Phan Đăng Di lúc đó (cuối 2008, đầu năm 2009) đang ấp ủ dự án Bi, đừng sợ! và hãng phim Chánh Phương hứa hẹn sẽ tài trợ toàn bộ phần máy móc sản xuất cho Bi. Để đổi lại, Phan Đăng Di phải viết kịch bản phim đại lễ (khi đó chưa biết tên gì) cho Chánh Phương. Sau đó, chẳng biết lý do gì dự án được chạy từ Chánh Phương sang Kỷ Nguyên Sáng sau khi đi vòng một chút qua Hãng phim Hội điện ảnh với cái tên Chiếu dời đô, rồi cuối cùng là Khát vọng Thăng Long với phần tác giả kịch bản được ghi là Charlie Nguyễn. Còn Chánh Phương bỏ rơi Bi, đừng sợ! chỉ trước khi phim được bấm máy 10 ngày. Có lẽ phải đợi tới khi phim chính thức ra mắt, người ta mới có thể biết nó thực sự là “con” ai!

Còn thay thế cho Thái sư Trần Thủ Độ với kế hoạch lên sóng truyền hình từ tháng Chín này, dự án phim “xã hội hóa” thứ hai Đường tới thành Thăng Long cũng “gặp hạn” khi Hội đồng duyệt phim quốc gia yêu cầu chỉ phát sóng khi phim phải sửa chữa, lược bỏ những bối cảnh đậm chất Trung Hoa... - đây là một công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian, thậm chí là rất khó để đạt được sự hoàn chỉnh. Một đạo diễn nói rất nghiêm túc: Nếu cắt bỏ hay sửa bối cảnh hay lời thoại, thì chẳng thà bán thẳng phim cho Trung Quốc, rồi Việt Nam mua về phát sóng, coi như phim nhập khẩu bình thường, còn khả thi hơn... Theo thông tin mới nhất từ phía đoàn làm phim, Đường tới thành Thăng Long đã được cấp tốc chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng duyệt phim quốc gia và bản chỉnh sửa này đang chờ được duyệt lại và công chúng chỉ còn biết hồi hộp chờ đợi...

Nếu một thập kỷ trước, khi dự án làm phim lịch sử mới được phác thảo đã vẽ lên những dự định thật lớn lao, với những tưởng tượng về một cuộc cách mạng, ít nhất trong ngành điện ảnh, cùng bao nhiêu dự định, sự kiện, con số, con người… thì giờ đây, nếu thời gian quay trở lại, có lẽ chúng ta sẽ phải từ tốn, chân thành, thực tế mà rằng: sức chúng ta đến đây, tài chúng ta dường này, lực chúng ta như thế, chúng ta sẽ làm một tác phẩm đúng tầm, đúng tâm và đúng mục đích hơn.

Đan Hoàng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm