26/05/2024 08:00 GMT+7 | Văn hoá
Bản thảo truyện dài "Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò" của nhà văn Đặng Chương Ngạn đã lọt vào Top 10 chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 - 2024. Ngoài câu chuyện cảm động về chú khỉ, về lòng trắc ẩn và cả sự vô tâm ở con người, bản thảo này còn có cái nhìn không nhân nhượng, dễ dãi về việc bảo vệ động vật hoang dã. Bút pháp của tác giả rất nhuần nhuyễn, kể "phăm phăm" mà chạm được vào cảm xúc của độc giả bởi tính chân thực hiếm thấy.
Trước thềm Lễ trao giải Dế Mèn (14h ngày 29/5 tại số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trò chuyện với tác giả Đặng Chương Ngạn:
* "Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò" đến với Giải Dế Mèn khi còn ở dạng bản thảo, cơ duyên nào kết nối anh với giải thưởng của tuổi đời 5 năm này?
- Ở tuổi thiếu nhi, tôi rất yêu sách và mê đọc sách. Hầu như tôi mua và đọc hết các tác phẩm viết cho thiếu nhi xuất hiện trên giá sách: Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng, Quê nội của Võ Quảng, Đội thiếu niên du kích Đình Bảng của Xuân Sách… Cả đến những cuốn truyện thiếu nhi nước ngoài như Сon nuôi trung đoàn của Valentin Petrovich Kataev, Không gia đình của Hector Malot… Rồi các tập thơ: Bông hồng đỏ (in chung của Cẩm Thơ, Hoàng Hiếu Nhân, Trần Đăng Khoa), Góc sân và khoảng trời của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chuyện hoa chuyện quả của nhà thơ Phạm Hổ…
Lớn lên, tôi luôn quan tâm đến tất cả các sự kiện liên quan đến sách thiếu nhi, giải thưởng văn học thiếu nhi, các cuộc thi viết cho thiếu nhi…
Năm 1985, khi đang là một kỹ sư dầu khí, thấy Hội Nhà văn Việt Nam, NXB Kim Đồng tổ chức cuộc thi viết cho nhi đồng, tôi đã tham gia ngay.
Bản thảo dự thi viết trên cuốn sổ tay công trường. Và, tôi gửi bài dự thi cuối ngày khi từ công trường về đi ngang qua bưu điện về phòng ở tập thể.
Giải thưởng văn chương đầu tiên của tôi chính là giải thưởng viết cho nhi đồng.
Viết cho thiếu nhi thường không được các nhà văn quan tâm. Tôi nhớ vào thời tôi ngồi cặm cụi viết các mẫu truyện cho thiếu nhi gửi báo Thiếu niên tiền phong, Nhi đồng, Khăn quàng đỏ… thì ở Vũng Tàu nơi tôi đang sống không có nhà văn nào viết cho các em. Chỉ có hai nhà thơ viết cho thiếu nhi.
Rất vui, những năm gần đây, tác phẩm viết cho các em được quan tâm hơn. Có nhiều cuộc thi viết cho các em và các em viết như: cuộc vận động của Hội Nhà văn Việt Nam, cuộc thi của NXB Kim Đồng tổ chức, và đặc biệt là Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn.
Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn có ấn tượng mạnh với tôi vì từ trước đến nay các giải thưởng cho văn học thiếu nhi thường do hội nhà văn, các nhà xuất bản trao, nay được tổ chức bởi một tờ báo, báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam). Hình như, lần đầu tiên có một tờ báo trao giải thưởng (thường niên) cho văn học thiếu nhi. Tôi tham gia cuộc thi vì ấn tượng mới mẻ này. Mong sẽ có nhiều tờ báo ở Việt Nam tổ chức các giải thưởng cho văn học thiếu nhi như vậy!
* Kể từ "Trái đất này có rất nhiều chuyện lạ" cách đây 35 năm, đến "Kẻ chăn dắt" xuất bản hơn 10 năm trước, rồi "Chiếc vòng cổ màu xanh" (2019), dường như viết về/cho thiếu nhi vẫn luôn là mối quan tâm của anh?
- Vâng, đúng vậy! Tôi là tác giả viết cho thiếu nhi nhiều hơn viết cho người lớn và bền bỉ viết cho thiếu nhi. Thiếu nhi và nông thôn là hai đối tượng tôi quan tâm nhiều khi viết.
Tập truyện in chung Trái đất này có rất nhiều chuyện lạ là cuốn sách viết cho thiếu nhi đầu tiên của tôi. Sách được NXB Kim Đồng in sau khi tôi được giải thưởng Cuộc thi viết cho Nhi đồng 1985 - 1987 do Hội Nhà văn và NXB Kim Đồng tổ chức vào năm 1989.
Do lo chuyện mưu sinh (cha mẹ già sống với tôi 30 năm qua), nhiều năm, tôi không có thời gian để ngồi vào bàn viết. Khi quay lại sáng tác vào năm 2012 thì cuốn sách in đầu tiên cho giai đoạn sáng tác mới của tôi là viết cho thiếu nhi, đó chính là Kẻ chăn dắt. Cuốn truyện dài này viết về số phận những em bé ăn xin. Những số phận chúng ta vẫn gặp hàng ngày ngoài đường phố.
Cuốn truyện tiếp đấy, Chiếc vòng cổ màu xanh, vẫn là cuốn sách viết cho các em. Truyện kể về hai em bé Thin và Khin rất yêu và mê chó. Nhưng con chó Kẹo các em nuôi bị cẩu tặc bắt mất. Câu chuyện kể về hành trình đau thương của chó Kẹo sau khi trốn thoát khỏi bọn cẩu tặc tìm về với chủ nó, hai em bé Khin và Thin.
"Khi con tôi bắt đầu biết đọc, tôi có thêm một động lực khác để viết: viết cho con trai tôi đọc. Truyện dài "Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò" đã được con trai út Gia Khương của tôi đọc từng chương và con đã góp ý rất nhiều chỗ…" - nhà văn Đặng Chương Ngạn.
* Nguồn cảm hứng để anh viết cho bạn nhỏ thường đến từ đâu?
- Tôi nhận được nhiều sự động viên từ các độc giả khi đọc những cuốn truyện mình viết. Đó chính là động lực để tôi viết.
Có thời gian, tôi mệt mỏi, nhưng khi đấy, một hoạ sỹ gốc Việt ở Mỹ gửi cho tôi những video cô ấy đọc truyện Chiếc vòng cổ màu xanh của tôi trên kênh YouTube, vì như cô ấy tâm sự "cô ấy rất yêu chó và căm thù bọn cẩu tặc, cô luôn thương nhớ chú chó đã mất của mình". Và tôi cũng đã xúc động biết bao khi xem đoạn phim một em bé lớp 7 đã viết cảm nhận cuốn truyện bằng tiếng Anh cho bạn bè của em ở nhiều nơi được biết.
Cũng thật vui mừng khi cách đây vài năm một em học sinh trường dân tộc nội trú ở Phú Yên đã đạt giải nhất cuộc thi viết cảm nhận sách từ chính cuốn truyện Chiếc vòng cổ màu xanh của tôi. Em bảo rằng em đã thích thú và yêu mến cuốn sách vô cùng.
Tôi nghĩ: Chỉ cần một độc giả bỏ hết ngày này qua ngày khác để đọc truyện của tôi lên mạng cho các độc giả khác nghe vì yêu thích thì không thể không viết tiếp.
Khi con tôi bắt đầu biết đọc, tôi có thêm một động lực khác để viết: viết cho con trai tôi đọc.
Truyện dài Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò đã được con trai út Gia Khương của tôi đọc từng chương và con đã góp ý rất nhiều chỗ để phù hợp với các em bé. Tôi đã phải viết lại một số đoạn mà con nhận xét là hơi có chút bạo lực đối với độc giả nhỏ tuổi.
* Với anh, cái khó khi viết cho độc giả thiếu nhi ngày hôm nay là gì?
- Rất khó. Đối tượng thiếu nhi của các nhà văn hiện nay khác rất nhiều với 10 năm trước, khác xa với 20 - 30 năm trước.
Hiểu biết, kiến thức của một em bé 10 - 12 tuổi bây giờ bằng một người đàn ông 30 - 40 tuổi thế hệ chúng tôi. Mạng internet, trí tuệ nhân tạo (AI), đã cung cấp cho các em lượng kiến thức rất lớn, và các em có thể tìm kiếm kiến thức không giới hạn.
Viết cho những độc giả như vậy, đòi hỏi tác giả phải tìm đọc, bổ sung kiến thức, học hỏi rất nhiều. Việc viết sao cho hấp dẫn để các em đọc càng khó hơn. Nhà văn bây giờ, phải so găng để đấu với các kỹ sư phần mềm, kỹ sư lập trình trò chơi, đấu với các thiết bị nghe nhìn…
* Theo anh, trong cuộc sống hôm nay, có cách gì để thu hút các bạn thiếu nhi vào thế giới của văn chương, sách vở?
- Không có lúc nào việc hướng dẫn các con đọc sách, tập cho trẻ có thói quen đọc sách, yêu sách và ham mê đọc sách khó như hiện nay. Có rất nhiều đam mê hấp dẫn khác lôi cuốn các em. Giữa sách và một thiết bị điện tử (điện thoại thông minh, ipad, laptop…) trẻ em thường vẫn chọn món đồ điện tử.
Các nhà văn hiện nay đang đứng trước một cuộc chiến để giành lại độc giả thiếu nhi trước sự dẫn dụ ma thuật của các trò chơi điện tử, công nghệ nghe nhìn…
Để trẻ ham mê sách, ham đọc, cần có sách hay, hấp dẫn, và phù hợp với thế giới mới mẻ năng động của các con.
Muốn có sách hay, phải có tác phẩm hay sáng tác về thiếu nhi, cho thiếu nhi… Những cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi rất cần thiết. Những giải thưởng như Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn rất cần có để thúc đẩy người viết, để có cơ hội lựa chọn những món ăn tinh thần ngon, bổ cho thiếu nhi…
* Cảm ơn anh!
Viết cho thiếu nhi đến khi không còn cầm bút nữa
* Sau "Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò", tác phẩm sắp tới của anh sẽ tiếp tục lấy đề tài thiếu nhi hay bước sang thế giới của người lớn?
- Từ trước đến nay, tôi vẫn viết cho cả thiếu nhi và người lớn. Nếu tính về số trang đã in, tôi viết cho thiếu nhi nhiều hơn. Và, tôi sẽ viết cho thiếu nhi đến khi không còn cầm bút nữa. Trong kế hoạch cá nhân: tôi sẽ tập trung viết nhiều cho thiếu nhi trong những năm tới.
Ngay khi đang viết Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò, tôi đang viết dở mấy tác phẩm khác cho các em: tập truyện Người muôn năm cũ kể về một cậu bé xa quê nhớ về những gương mặt thân yêu trong ký ức tươi đẹp của cậu. Truyện dài Hồn cây kể về một cái cây cổ thụ ở một vùng đất khí hậu khắc nghiệt. Cái cây đó đã cứu người làng qua rất nhiều trận lũ. Mỗi trận lũ qua đi đều được người làng đánh dấu mức nước trên thân cây cổ thụ ấy… Cây cổ thụ như một chứng nhân của vùng đất, gắn bó với bao nhiêu cuộc đời, với bao nhiêu kỷ niệm, ký ức đẹp của những đứa bé được sinh ra và lớn lên trong làng…
Truyện dài Sếu cổ trắng một chân kể về một con sếu bị sập bẫy gãy một chân và đã được một em bé cứu giúp, tiếp tục cuộc phiêu lưu khắp thế giới những năm sau nhưng không bao giờ quên cậu bé đã cứu mình, vẫn ghé thăm trên đường bay…
Có rất nhiều ý tưởng, nhiều cốt truyện cho thiếu nhi đang thôi thúc tôi viết…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất