13/12/2012 10:52 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 12/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Ban Liên lạc tù chính trị Côn Đảo Hà Nội đã phối hợp tổ chức "Hội thảo khoa học về sự kiện các chiến sĩ cách mạng tổ chức vượt Côn Đảo".
Đây là Hội thảo lần đầu tiên được tổ chức, sau 60 năm diễn ra cuộc vượt ngục Côn Đảo bi hùng (ngày 12/12/1952).
Tham dự Hội thảo có nguyên Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được; Anh hùng lao động Vũ Khiêu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành của Trung ương, Hà Nội và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đặc biệt, hàng trăm cựu tù chính trị Côn Đảo, từ rất nhiều địa phương trong cả nước đã về dự Hội thảo...
Tham dự Hội thảo, TS-Hoa hậu Đoàn Thị Kim Hồng đã tặng bức tranh đá quý "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân" và lẵng hoa cho Ban Liên lạc tù chính trị Côn Đảo Hà Nội. Nguyên Phó Thủ tướng Đoàn Duy Thành, nguyên Đảo uỷ viên Côn Đảo, Trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị Côn Đảo Hà Nội, đã thay mặt Ban Liên lạc nhận bức tranh và lẵng hoa.
Xúc động trước sự hy sinh, tinh thần chiến đấu anh dũng của các cựu tù chính trị Côn Đảo, tại Hội thảo, TS- Hoa hậu Đoàn Thị Kim Hồng đã hát tặng các cựu tù chính trị ca khúc "Một rừng cây, một đời người". Nguyên Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt đã tặng cho Hoa hậu bó hoa tươi thắm để đáp lại những tình cảm tốt đẹp mà Hoa hậu dành cho các cựu tù chính trị Côn Đảo.
Hầu hết đã ngoài 80 tuổi, nhưng dường như được sống lại với những giây phút bi hùng cách đây 60 năm đã giúp các cựu tù chính trị có thêm sức mạnh; những bài phát biểu, những câu chuyện được kể lại đầy minh mẫn, đầy hào hùng... đã giúp tái hiện lại khá sinh động về công tác chuẩn bị cho cuộc vượt ngục, làm dân vận, binh vận để kêu gọi lính trên đảo ủng hộ cuộc vượt ngục, rồi chuyện tình đồng chí, sự hy sinh thân mình vì sự nghiệp chung của những tù chính trị ngày ấy...
Tại Hội thảo, ông Đoàn Duy Thành khẳng định, mặc dù cuộc vượt ngục không thành công và để lại hiệm vụ rất nặng nề, phức tạp nhưng cuộc “Võ trang giải phóng” toàn đảo ngày 12/12/1952 diễn ra trong thời điểm quyết liệt, khi cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta đang gần đến ngày thắng lợi đã thể hiện chủ trương đúng đắn của Ban chấp hành Đảo ủy. Cuộc vượt ngục được tổ chức chỉ đạo như một trận đánh lớn, một cuộc tổng khởi nghĩa trên một địa bàn rất đặc biệt, từ việc chuẩn bị quân nhu, quân khí tự tạo đến chiến thuật cướp súng giặc.. đều diễn ra theo đúng kế hoạch; công tác dân vận, binh vận được đặt lên vị trí hàng đầu nên đã quy tụ được lòng dân, không những chỉ quần chúng trong tù mà đặc biệt là nhân dân trên đảo; công tác giữ gìn bí mật cũng có ý nghĩa sống còn của toàn bộ cuộc võ trang cũng như mạng sống từng người.
Minh Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất