(TT&VH) - Nhà thơ Vũ Quần Phương- tác giả của những vần thơ chan chứa yêu thương được đưa vào SGK như: Ngưỡng cửa (Ngữ văn 1, tập 2), Nói với em (SGK Tiếng Việt 2 – Tập 1); Những cái chân (SGK Tiếng Việt 2 – tập 2)… cho rằng “Bố mẹ phải phát hiện được năng khiếu của trẻ chứ không nên “day tay mắm miệng” bắt trẻ phải đạt được điều này điều khác”. Đó cũng là những tâm niệm của ông về việc dạy học và định hướng cho trẻ…
Tạo cho trẻ phản xạ: “Cái gì thế?”
Với kinh nghiệm của một ông bố, ông cho biết, muốn đạt được hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục con cái và định hướng tương lai một cách chính xác cho trẻ cần phải phát hiện được năng khiếu của trẻ và tạo cho năng khiếu phát triển. Muốn thế cần quan sát trẻ và cùng với thầy cô giáo tìm ra được những khả năng nổi trội của trẻ để tạo thuận lợi cho chúng phát triển.
Nhà thơ Vũ Quần Phương
Và một điều quan trọng trong việc hình thành, phát triển tư duy cho trẻ, chính là tạo cho chúng phản xạ: “Cái gì thế?” với các trò chơi, hay những gợi ý về chính những sự vật hiện tượng xung quanh. Trẻ con vốn rất hiếu kỳ, khi ta “bắt mạch” được sự tò mò của chúng chỉ cho chúng biết, giải đáp thấu đáo những thắc mắc, và lại gợi ra những chủ đề mới sẽ có tác dụng kích thích tư duy của trẻ rất lớn.
Một hiện tượng từng xuất hiện trong giáo dục nước ta mà ông cảm thấy không hài lòng và thậm chí là phản đối chính là việc “học tủ” và dạy theo “bộ đề”. Theo ông, điều này có thể gây ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển tư duy và nhân cách của trẻ. Ông cũng cho biết quan điểm: “Dạy trẻ phải làm sao không chỉ cho trẻ kiến thức mà còn giúp chúng cách tạo ra kiến thức”.
Đưa trẻ vào thế giới của sách
Khởi nghiệp là một bác sĩ rồi chuyển hẳn sang làm… thi sĩ, vốn văn chương ban đầu của nhà thơ Vũ Quần Phương chính là những cuốn sách “rơi vãi” đâu đó trong nhà. Chính bởi thế, với ông sách vô cùng quan trọng. Và ông khuyên các bậc phụ huynh cũng nên tạo cho trẻ thói quen đọc sách.
Ông kể lại: “Hồi tôi còn nhỏ, nhà tôi gồm 3 thế hệ cùng sống trong 1 căn hộ 16m2. Con trai tôi lúc bấy giờ chỉ có một góc riêng là cái bàn học bằng cái thùng gỗ đựng hộp sữa xoay nghiêng ra, đặt tấm ván lên. Nhưng đó là thế giới của riêng nó với những cuốn sách, những cuốn truyện. Nhiều khi nó trốn vào đó như một bức tường vô hình. Nó thích chỗ ngồi đó và chỉ chơi với sách. Dường như nó nhận ra một điều chỗ được bảo vệ nhất (khỏi bị mắng) là chỗ đó với sách vở... và từ đó tạo thói quen yêu sách, đọc sách. Trẻ con, chúng nhớ rất nhanh, chúng ta nên tranh thủ khoảng thời gian đó đọc sách cho chúng nghe chúng sẽ nhớ rất lâu…
Bất cứ loại sách nào đánh thức trí tưởng của trẻ nên khuyến khích cho chúng đọc, tránh những loại sách “giáo huấn” suông! Những cuốn sách nói nhiều về thiên nhiên, sự khám phá luôn đem đến thích thú cho trẻ con. Cổ tích có hạt nhân chân lý bên trong cũng là một loại sách trẻ rất thích. Có những sách kinh điển cho trẻ bố mẹ nào cũng nên mua. Nên cho trẻ học những bài hay nhất dù nó khó. Khó thì không nhất thiết phải nói hết, giải thích hết những cái khó ngay từ nhỏ, cái đó theo thời gian chúng sẽ tự hiểu được những chân lý sâu xa. Giống như khi trẻ con học nói chúng thường nói ngọng, người lớn lại thường cứ giả ngọng để cổ vũ, “ăn cơm” thì nói thành “ăn mơm”… Chúng ta không cần và không nên nói thế mà cứ nói theo đúng giọng của mình. Trẻ chưa nói được thì chúng sẽ phải học cho tới khi nói chuẩn. Hay khi trả lời những câu hỏi của trẻ, có những câu khó, nhưng dẫu khó đến mấy cũng cần tìm cách tả lời đúng, tuyệt đối không làm lạc chân lý đi vì một khi trẻ phát hiện ra bị lừa dối, thì đó sẽ là tai họa.
Không chấm điểm đối với bậc tiểu học
Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, trẻ con có học giỏi hay không còn phụ thuộc vào cái gọi là “phút khác thường” trong chúng. Có thể với một bài toán, buổi sáng cho tới buổi chiều nó không tìm ra đáp số nhưng biết đâu tối đi ngủ chợt nó lại tìm ra thì sao. Một cái “bỗng” ấy là sự nghĩ của cả một ngày, chính vì thế, ngay những bậc làm cha làm mẹ đừng nên quá “day tay mắm miệng” để bắt trẻ đạt được cái này, có được cái kia. Hạnh phúc có nhiều cách, đâu nhất nhất phải hướng đến một mục tiêu duy nhất, cốt làm sao cố gắng nếm được cái vị cuộc đời.
Ông cho biết, ở Mỹ một số trường tiểu học không chấm điểm vì họ cho rằng sự giỏi hay dốt của trẻ còn thay đổi. Thay đổi đến tận khi thi tú tài. Có đứa giỏi cấp 1 nhưng lớn lên chưa chắc đã giỏi. Chính vì vậy việc cho điểm khiến chúng chạy theo thành tích, mà một khi đã có sự ganh đua có thể chúng sẽ nhờ bố mẹ làm cho hay đi copy của bạn bè. Thậm chí chúng sẽ dùng những cách không đúng để đạt mục đích. Trẻ con vốn đã khá hiếu thắng, nên chúng nhất nhất phải là số 1, là hơn bạn bè nên cũng bằng các cách khác nhau để hơn điểm bạn.
“Họ không chấm điểm mà cốt sao chúng có làm bài và tạo được thói quen làm bài. Vấn đề đúng sai không phải là tất cả - nhà thơ Vũ Quần Phương nhấn mạnh - Đúng chưa chắc đã là giỏi mà sai cũng chưa chắc là dốt. Có làm bài và có thói qen làm bài, khi đó môn học như chơi, giỏi dốt cũng không xấu hổ và chúng không có mặc cảm tự ti hay thói xấu tự kiêu”.
“Không cho điểm đối với bậc tiểu học ở một chừng mực nào đó chúng ta cũng nên áp dụng để tránh những cái gọi là tiêu cực trong giáo dục, gian lận trong thi cử ngay từ khi còn nhỏ - ông nhấn mạnh - Đối với trẻ, ta chỉ nên khuyến khích chứ không nên ép buộc. Hãy tạo điều kiện để chúng phát triển một cách tự nhiên nhất mà không phải chịu bất kỳ một sức ép nào”.
Kỳ sau (Chủ Nhật, 28/6): Họa sĩ Ngô Minh Cầu – 50 năm mới gặp lại bức tranh của mình nhờ… SGK!
Yên Khương