Nhà thơ Vũ Quần Phương: Trí tưởng tượng sẽ giúp trẻ đi rất xa

14/06/2009 11:13 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Dạy văn cho trẻ em nói chung, dạy văn ở bậc tiểu học nói riêng là dạy chúng nhìn nhận việc đời cụ thể. Đằng sau cái cụ thể thì hướng dẫn chúng cách nghĩ để chúng rút ra được những chân lý. Có thể ngay khi còn bé, chúng chẳng biết rút ra để làm gì nhưng cùng với tuổi thì những điều đó cứ sâu sắc dần lên.
 
 
Có cái không chân… mà đi khắp chốn
 
Dễ nhận thấy trong nhiều tác phẩm của mình, nhà thơ Vũ Quần Phương luôn có cách khiến người đọc cùng nhập cuộc. Đi từ những chất liệu ngôn từ, hình ảnh tưởng như chẳng có gì mới mẻ, nhưng bao giờ cũng tạo được ấn tượng bởi sự bất ngờ. Nhất là khi làm thơ cho trẻ con, ông luôn biết cách kéo chúng vào cuộc, cho chúng tham gia vào chính câu chuyện mà ông đang kể bằng những hình ảnh rất cụ thể, để đi đến triết lý từ chính những điều cụ thể ấy. Một trong những bài thơ khá tiêu biểu cho cách viết này là:
 
Cái gậy có một chân
Biết giúp bà khỏi ngã
Chiếc com pa bố vẽ
Có chân đứng chân quay
Cái kiềng đun hàng ngày
Ba chân xòe trong lửa
Chẳng bao giờ đi cả
Là chiếc bàn bốn chân
Riêng cái võng Trường Sơn
Không chân đi khắp nước.
(Những cái chân - SGK Tiếng Việt 2 - tập 2).
 
Nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết: Tôi làm bài thơ Những cái chân để nói về một chân lý mà người lớn cũng nên lưu ý - ấy là có những cái không có chân mà lại đi rất xa - để nói đến chính cuộc đời. Trí tưởng tượng “ngược” có thể thấy rõ ở bài thơ này. Bài thơ tác động vào nhận thức của chúng bắt đầu từ chính những hình ảnh rất cụ thể như cái gậy của bà, chiếc com-pa của bố, hay cái bàn, cái kiềng. Và cuối cùng, cái võng có thể di động tại chỗ rồi nó theo anh bộ đội vào Nam ra Bắc trong suốt hành trình của cuộc kháng chiến.

Khi học chúng, có thể rút ra nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng ý khái quát nhất là: Đi chưa chắc đã cần chân! Người ta có thể “đi” bằng nhiều cách khác nhau. Các nhà khoa học, nhà văn, các nghệ sĩ... họ có thể “đi” bằng đầu, bằng tài năng của họ. Như con ốc đi bằng miệng mà tôi cũng học con ốc, tôi hay đi nói chuyện thơ và được người ta chở đi các nơi...
 
Đến những điều nhận ra “nếu nhắm mắt…”
 
Viết bằng trí tưởng tượng của trẻ em, dựa trên những hình ảnh tuổi thơ trong miền cổ tích, bài thơ Nói với em (SGK Tiếng Việt 2 - Tập 1) của nhà thơ Vũ Quần Phương đã vượt ra ngoài khuôn khổ “nói với em” để nói với cuộc đời, về “cái lõi” của việc đời...
 
Nhẹ nhàng như một khúc ru, bài thơ Nói với em đã đi vào lòng độc giả với những hình ảnh giản dị, những tư duy con trẻ giản đơn mà tràn ngập yêu thương.
 
Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió
Sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay
Tiếng lích rích chim sâu trong lá
Con chìa vôi vừa hót vừa bay.
 
Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện
Sẽ được nhìn thấy các nàng tiên
Thấy chú bé đi hài bảy dặm
Quả thị thơm cô Tấm rất hiền
 
Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ
Đã nuôi em khôn lớn từng ngày
Tay bồng bế sớm khuya vất vả
Mắt nhắm rồi lại mở ra ngay.
 
Đi từ tư duy của người lớn, đến với trí tưởng tượng của trẻ con và viết những câu thơ về chính những điều tưởng tượng ấy, nhà thơ Vũ Quần Phương đã tạo được một thế giới tưởng tượng nhưng vô cùng gần gũi trong bài thơ Nói với em. Tuy nhiên, ở đó không hoàn toàn chỉ là những điều tưởng tượng, nó còn có một sự phát triển rất logic của yếu tố tình thương. Chính tình thương khiến hình dung về những người thân của mình bao giờ cũng thấy họ trong bối cảnh vất vả.
 
Thơ Tố Hữu trong bài thơ Bầm ơi viết về anh bộ đội nhớ bầm là nhớ: “Bầm ra ruộng cấy bầm run/Chân lội xuống bùn tay cấy mạ non”. Còn đứa bé nhắm mắt lại là thấy bố mẹ vất vả, mà thực tế thì đúng là bố mẹ luôn là người vất vả nhất để lo cho con cái. Khi nhắm mắt lại, tất cả những hình ảnh về cô tiên, chú bé đi hài bảy dặm... làm chúng thích thú bao nhiêu, thì ngay tức khắc hình ảnh vất vả của bố mẹ đã choán lấy và vì thương bố mẹ, ngay tức khắc phải mở mắt ra. Chúng nghĩ đơn giản mở mắt ra bố mẹ sẽ không vất vả nữa. Tư duy ấy là tư duy trẻ con nhưng đằng sau tư duy con trẻ ấy người ta bỗng nghĩ đến những câu chuyện cuộc đời. Cái tư duy trẻ con làm chúng thích thú khi còn đi học, còn việc đời thì khi người ta lớn lên người ta mới hiểu.
Nuôi dưỡng trí tưởng tượng

Nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết, khi hình thành ý tưởng viết bài thơ này, chính ông cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi lẽ Nói với em được viết bằng chính tưởng tượng của trẻ em. Trẻ em rất hay tưởng tượng, mà cái thế giới trong tưởng tượng của trẻ thì khôn cùng lắm. Việc nuôi dưỡng trí tưởng tượng cho trẻ là vô cùng quan trọng.
 
Theo ông, dường như những đứa trẻ sinh ra từ nông thôn hay có cuộc sống khó khăn lại có trí tưởng tượng phong phú hơn trẻ con ở thành phố. Bởi lẽ trẻ ở thành phố có nhiều điều kiện để tiếp xúc với thế giới xung quanh qua ti vi, Internet... Hệ thống nghe nhìn hiện đại giúp trẻ dễ dàng hình dung một cách trực tiếp về những sự vật, hiện tượng bao quanh nó, nhưng cái nhìn đó lại bị bó hẹp, cố định bằng những hình ảnh ấy rồi. Khi đọc Kiều, ta có thể tưởng tưởng ra khuôn mặt cô Kiều nhưng nếu đã xem một diễn viên đóng Kiều thì khi tưởng tượng sẽ ra ngay khuôn mặt cô diễn viên ấy. Như vậy, nó vừa giúp ta hình dung một cách cụ thể nhưng lại làm nghèo đi cái mông lung trong hình ảnh gương mặt cô Kiều.
Cho nên trẻ con nông thôn thường tưởng tượng được nhiều bởi nó ít có hình ảnh quy ước và không bị khuôn vào những hình ảnh quy ước ấy.
 
Nhà thơ Vũ Quần Phương kể về một cậu bé sinh ra và lớn lên ở thành phố, gia đình giàu có và rất được chiều chuộng. Một lần cậu theo bố về quê và đi chơi cùng lũ bạn chăn trâu ngoài bãi tha ma. Thằng trẻ chăn trâu bảo cậu: “Hãy nhắm mắt lại, mày sẽ thấy những đám kiệu rước qua đây”. Cậu ta nhắm mắt lại nhưng không thấy gì thì đánh bạn vì cho rằng bạn đã nói dối mình. Chỉ một chi tiết nhỏ ấy thôi, cho thấy cần nuôi dưỡng trí tưởng tượng cho trẻ khi trong đầu chúng chưa được lấp đầy kiến thức, song giàu mơ mộng. Để tạo trí tưởng tượng cho trẻ tốt nhất để nó gần thiên nhiên, và trong mỗi môn học dành cho trẻ phải làm sao để chúng có khả năng phát huy tối đa trí tưởng tượng của mình. Điều đó vô cùng quan trọng, bởi lẽ chính bằng trí tưởng tượng sẽ giúp trẻ đi rất xa, cho chúng những nhận thức hơn những gì chúng đã được học, được biết.
Yên Khương
 
*Kỳ sau (Chủ Nhật, 21/6): Nên… “không chấm điểm” đối với bậc tiểu học!

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm