Nhà thơ Trúc Thông: 'Bờ sông vẫn gió người không thấy về'

27/03/2021 07:18 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đã 8 tháng nay, nhà thơ Trúc Thông 82 tuổi, bị cơn tai biến nặng không rời khỏi giường, ông ăn trên giường, uống trên giường, ngủ li bì suốt ngày trên giường. Đây là giai đoạn khó khăn nhất sau 13 năm ông bị tai biến, nhưng người vợ hiền vẫn lặng lẽ, bền bỉ chăm sóc những ngày còn lại của ông trên thế gian.

Nhà thơ Trúc Thông: Ở nơi chân trời những cuốn sách

Nhà thơ Trúc Thông: Ở nơi chân trời những cuốn sách

Trúc Thông “lặng thầm trong suốt” như thơ mình. Tôi nghĩ thế khi đọc chầm chậm từ bài Cao Bằng (ở tập thứ 5 Mắt trong veo của anh) ngược lên tới tập thứ nhất, có trang anh “xin làm con bò” chở trẻ thơ, để mắt mình được “hiền hết nói”...

Trao đổi với tôi, bà Nguyệt, vợ nhà thơ Trúc Thông cho biết, dịp Đại hội Nhà văn Việt Nam cuối năm 2020 vừa rồi, nhiều bạn bè văn chương thân thiết trong Nam, ngoài Bắc đến nhà chơi, thăm hỏi Trúc Thông nhưng ông cứ mê mụ trên giường bệnh, không nói chuyện được và không nhận ra ai. Ông chưa bị liệt hẳn, vẫn trở mình sang phải, sang trái trên giường để vợ con chăm sóc hàng ngày.

Trúc Thông bị tai biến mạch máu não mấy lần, phải cấp cứu bệnh viện từ năm 2008, cho đến nay, sau 13 năm, không đếm được số lần ông phải vào viện điều trị khẩn cấp. Vợ ông, cực chẳng đã, trở thành “người hộ lý” lăn mình phục vụ ông suốt ngần ấy năm.

Đến giai đoạn này, bác sĩ điều trị bảo có đưa ông vào viện cũng chẳng giải quyết được gì nữa! Người thân trong gia đình bảo đưa Trúc Thông vào trại dưỡng lão, nhưng bà Nguyệt không nghe, cố giữ ông ở nhà.

“Khi nào ông ấy mê man nặng quá thì tôi cho uống mấy viên thuốc để hồi cứu, hồi phục” - bà Nguyệt cho biết thêm.

Vậy, Trúc Thông đã phải sống “đời sống thực vật” 8 tháng qua, và có lẽ đây là những tháng ngày cuối trên thế gian của ông.

***

Tôi nhớ lần đến thăm Trúc Thông khi vợ nhà thơ còn dìu ông từ trên gác xuống được. Tuy nhà thơ không nói được gì, nhưng vẫn cười lặng lẽ, thân thiết. Nhìn ánh mắt rưng rưng của ông, tôi biết ông nhớ bạn bè lắm, nhớ cái không khí văn chương cởi mở cách đây gần 30 năm khi tôi cùng Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Đỗ Minh Tuấn, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Hùng, Hữu Việt…và một số nhà thơ trẻ khác thường tụ tập tại ngôi nhà của ông ở phố Hồng Phúc (Ba Đình) để đàm đạo, tranh luận với nhau về mấy bài thơ mới,về một tập thơ, một khuynh hướng mới trong thi ca cách tân.

Thật ra, mỗi người thơ (cứ tạm gọi là có chút tài năng) đều có một tạng thơ riêng, một diễn ngôn thi ca của riêng mình và có lẽ, chẳng ông nào chịu ảnh hưởng ông nào. Ngay cả khi ngồi với “đàn anh” Trúc Thông (người được coi là một ngọn cờ phụng sự thi ca như một tôn giáo) thì cuộc khẩu chiến của mấy đàn em về các trường phái thi ca mới vẫn bừng bừng khí thế.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Trúc Thông. Ảnh: Nguyễn Việt Chiến

Vậy mà sau gần 30 năm, chúng tôi dường như chẳng bao giờ còn gặp lại cái không khí đàm đạo, tranh luận thi ca trẻ trung, hồn nhiên của thời trước nữa khi 2 nhà thơ cách tân khá xuất sắc của thế hệ thập niên 1980- 1990 đã lần lượt qua đời là Nguyễn Lương Ngọc và Dương Kiều Minh.

Hôm đó, ngồi trong ngôi nhà thanh vắng của vợ chồng nhà thơ Trúc Thông, tôi cảm nhận được nỗi buồn ấy phảng phất trên gương mặt ông. Bây giờ trông ông hiền lành, dịu dàng, nhẹ nhàng lắm. Không còn như hồi cách đây mấy thập niên, có lần ông cười rất sảng khoái, vui vẻ bảo tôi: “Với mình thi ca là một thứ tôn giáo đặc biệt, “con mắt thơ” của mình phải giống như một “con sói”, thấy một tứ thơ mới, một câu thơ mới là phải vồ ngay, phải ngấu nghiến ngay, cậu thấy mình có giống một con sói không?”.

Quả thực lúc ấy, tôi cảm thấy Trúc Thông đúng là một “con sói thơ” với vẻ ngạo mạn đáng yêu, đầy dũng mãnh khi ông luôn luôn đứng về phía những nhà thơ trẻ để phát hiện những tố chất thơ mới của những “con sói trẻ” vừa thức giấc trong cánh rừng thi ca đương đại.

Còn giờ đây, sau gần 30 năm, trên gương mặt mệt mỏi, đau yếu của Trúc Thông chỉ còn đọng lại một nụ cười bao dung và ấm áp. Dường như nụ cười hiền hậu ấy không bao giờ ngưng lặng trên khóe môi ông. Ông lặng lẽ nghe bạn nói, lặng lẽ cảm nhận và lặng lẽ ngắm nhìn mọi người xung quanh với ánh mắt chan chứa thịnh tình.

Người vợ của ông kể cho tôi nghe những năm tháng thăng trầm, cực nhọc tưởng không vượt qua nổi khi Trúc Thông bị tai biến mạch máu não vào năm 2008, phải nằm cấp cứu mấy tháng liền ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Thời điểm ấy, gia đình ông chuyển nhà từ phố Hồng Phúc xuống một con hẻm nằm sâu trong xóm bãi An Dương ngoài đê sông Hồng.

Tuy xây dựng gia đình khá muộn, đến năm Trúc Thông về hưu, con gái đầu lòng mới học lớp 4, nhưng thật may mắn, ông có một người vợ tận tụy và đảm đang, suốt đời lo lắng, chăm sóc cho chồng, con, nhất là giai đoạn ông đang bệnh tật hiểm nghèo.

Thời điểm ấy, sau lần Trúc Thông bị tai biến mạch máu não lần thứ nhất, tôi xuống thăm ông ở xóm bãi An Dương. Ông cười lặng lẽ nhìn tôi, không nói được gì vì di chứng của tai biến làm méo giọng. Nhưng tôi thấy trên gương mặt đau yếu của ông, vẫn ánh lên tia nhìn của một hồn thơ khỏe khoắn, không chịu đầu hàng tuổi già và bệnh tật. Tôi bất giác nhớ tới bài thơ lục bát Bờ sông vẫn gió viết tặng mẹ nổi tiếng của ông:

“Lá ngô lay ở bờ sông

Bờ sông vẫn gió người không thấy về

Xin người hãy trở về quê

Một lần cuối… một lần về cuối thôi

Về thương lại bến sông trôi

Về buồn lại đã một thời tóc xanh

Lệ xin giọt cuối để dành

Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha

Cây cau cũ, giại hiên nhà

Còn nghe gió thoảng sông xa một lần

Con xin ngắn lại đường gần

Một lần…rồi mẹ hãy dần dần đi”.

Bài thơ trên của Trúc Thông được giới phê bình văn học coi là 1 trong những bài thơ hay nhất viết về mẹ trong thi ca Việt Nam hiện đại. Vậy bài thơ được đánh giá là thành công nhất của Trúc Thông lại là một bài thơ viết theo thể lục bát truyền thống chứ không phải hàng trăm bài thơ viết theo lối tự do, cách tân của ông. Lúc ấy, ngôi nhà của Trúc Thông nằm cách sông Hồng có dăm chục mét, gió sông lồng lộng suốt đêm ngày. Tiếng sông chảy thao thức và gió thổi suốt đêm hình như làm ông mất ngủ nên ông thường phải ngủ bù vào ban ngày.

Sau một thời gian bệnh trọng, Trúc Thông đã nhúc nhắc đi lại được. Có hôm, ông lang thang ngao du bát ngát cả nửa ngày trời trong những ngõ ngách của vùng bãi sông mới tìm thấy lối về nhà. Vợ con ông hốt hoảng, táo tác đi tìm.

Ông như đứa trẻ con cần sự quan tâm chăm sóc đặc biệt của người thân. Thời gian ấy, người vợ cho biết, ông vẫn lặng lẽ cố gắng trở lại với thơ. Và tôi như thấy, đêm đêm thơ ông vẫn thao thức trên bờ sông vẫn gió, trên miền liên tưởng vằng vặc trăng sao của một hồn thơ đầy cô đơn và mẫn cảm.

Rồi sau đó, vợ chồng nhà thơ Trúc Thông chuyển nhà từ xóm bãi An Dương về Cầu Giấy. Bạn bè mừng vì thấy nhà cửa gia đình ông đã khang trang, rộng rãi hơn trước, để ông được an tâm dưỡng bệnh. Vợ ông kể lại, đến lần cấp cứu sau đó, vào viện, bác sĩ điều trị chỉ vào tấm phim chụp não ông với vẻ thất vọng vì có quá nhiều điểm mạch máu bị tắc nghẽn dẫn đến tai biến liệt nửa người. Nhưng rồi với sự chăm sóc đêm ngày của người vợ, dường như số phận chưa bắtTrúc Thông phải “liệt giường, liệt chiếu” khoảng chục năm đầu khi vợ ông lo chạy đôn đáo khắp nơi, hết Tây y đến Đông y để tìm cách cứu chữa cho ông.

Lúc đó, tôi thầm nghĩ, “con sói thơ” này thật sự không chịu đầu hàng số phận. Và tôi thầm hỏi, có phải vì luôn “động não” tìm đường cách tân thơ, nên dù có bị tắc nghẽn máu não thì các “mạch thi ca” vận động trong não bộ của ông vẫn tìm cách vượt được qua những cơn tai biến này chăng?

***

Trong số các nhà thơ thuộc thế hệ những năm 1970- 1980, có lẽ đến hôm nay, Trúc Thông là 1 trong số ít các nhà thơ của thời “cận đại” còn đối thoại được với những tìm tòi- cách tân của các cây bút trẻ ngày hôm nay. Vốn là một nhà thơ từ xưa đến giờ luôn nổi tiếng vì sự khắt khe, đòi hỏi ở chính mình cũng như những người làm thơ khác (nhất là những cây bút trẻ) một nỗ lực mới cho nền thơ đương đại của chúng ta, Trúc Thông và thơ của ông dường như không bao giờ chịu cũ, không khi nào chịu già, không bao giờ chịu dừng lại và thôi tìm tòi, thể nghiệm. Những người viết trẻ thường tìm đến với ông như một tấm gương của sự tận tụy phụng sự thi ca như một tôn giáo.

Gần gũi với nhau, tôi mới biết, tuy là một người rất khe khắt, đòi hỏi thơ phải luôn mang lại cái mới và không được nhàm cũ, nhưng Trúc Thông không phải là một người giáo điều trong thi ca. Bởi, như ông từng viết:

“Trên sự tàn rữa tôi

một câu thơ khôn ngoan đã nở

tôi đi cùng hoang mang gió

mùa Thu

mở cánh cửa cũ

bàn ghế cũ

mở tiếp một trang mới mênh mông

trên trang vở cũ

từ những cũ quen

se sẽ ai ru

ru mê hồn ru đắm đuối

chìm,chìm dần

con tàu thơ bé tẹ

cờ chỉ còn phơ phất đuôi nheo

đỉnh cột buồm sắp ngập

những nàng Si-ren biển xưa Hy Lạp

vẫn thâm thù giết những nhà thơ”.

Tôi cho rằng trong mỗi bài thơ của mình, Trúc Thông đều cố gắng đưa vào một nét kiến trúc mới, hoặc một phát hiện mới, hoặc một ý tưởng mới…khiến chúng ta đôi khi phải kiểm tra lại các giác độ “thưởng ngoạn” thơ hiện đại của chính mình. Viết cho con gái Phùng Linh, ông thầm mong:

“Đánh rơi

một triệu điều lành trên mặt đất

hai triệu điều lành vào không trung

trẻ thơ

trong ấy có con tôi

sắp ra đời

mong con sớm thắp lên mẫn cảm hiền minh từ trong bụng mẹ

chỉ cho cha con đường khôn ngoan nhất

giữ gia tài kiêu hãnh cho con”.

Là một nhà thơ kiệm lời, đôi lúc hơi cực đoan, ta thấy ông muốn từng con chữ phải chở được một ý tưởng, một thông tin thơ nào đó đã được mã hóa bằng cảm xúc, bằng ấn tượng như kiểu những câu thơ sau:

“Nhà thơ ơi

dịu dàng ngọn gió

anh đi qua những bức tường

người ta nhìn rõ bóng anh qua

ôi áo ngực gày

máu rỏ vài ba chữ

và người ta điên cuồng đuổi theo”.

Là một nhà thơ trưởng thành từ những năm kháng chiến chống Mỹ, Trúc Thông là một gương mặt thơ khá đặc biệt và có nhiều đóng góp đáng ghi nhận cho nền thơ đương đại Việt Nam mà Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2016 đã nói lên điều đó. Trong 13 năm bị tai biến, với sự trợ giúp của người vợ hiền, ông vẫn kịp hoàn thành bản thảo để in 1 tuyển tập thơ và 1 tập tiểu luận phê bình.

Vài nét về nhà thơ Trúc Thông

Nhà thơ Trúc Thông tên thật là Đào Mạnh Thông, sinh năm 1940, quê Hà Nam. Sau khi tốt nghiệp Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông về công tác tại Ban Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu.

Tác phẩm đã xuất bản: Chầm chậm tới mình (thơ,1985); Ma-ra-tông (thơ, 1993); Một ngọn đèn xanh (thơ, 2000); Vừa đi vừa ở (thơ, 2005); Trúc Thông thơ (2014); Văn chương ngẫu luận (lý luận phê bình, 2003); Mẹ và em (bình thơ, 2006); Trúc Thông tiểu luận bình thơ (2013).

Giải thưởng văn học: Giải thưởng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội 1990 - 1995, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2000, Giải B Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2016.

Bài thơ Cao Bằng trong sách giáo khoa Tiếng Việt 5 (tập 2) là 1 trong những bài thơ nổi tiếng của ông.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm