14/12/2022 08:05 GMT+7 | Văn hoá
Thục Linh được yêu mến nhờ những bài thơ, ngay từ lúc học phổ thông, đã có người trích dẫn, phổ nhạc, lấy đặt tên sách ngôn tình. Năm 18 tuổi, Thục Linh được đi dự Hội nghị Những người viết văn Trẻ toàn quốc tại Hà Nội. Nhưng mới đây, anh bất ngờ ra mắt cuốn sách mới, không phải sở trường, đó là tập tản văn Những con mắt ký ức (NXB Văn học).
Trong tản văn Bãi sông, có đoạn: "Ta và ngươi cũng được gieo vào bãi sông, cũng nảy mầm, trổ cờ và đơm hoa vàng xao xuyến. Ta vừa thấy ngươi bơi trong mắt một chú rô ron luồn qua lạch phải không, Mắt Nhỏ? Hôm nay gió nhiều quá, những cây nhảy múa rập rờn, từ chiếc thềm gió này, ta thả mình bay lên mãi mãi".
Chất chơi và thủ pháp nhân hóa được Thục Linh sử dụng rất nhiều trong Những con mắt ký ức.
Một buổi ra mắt sách lạ
Bạn đã bao giờ đi trên con đường Ngô Thời Nhiệm ở TP.HCM chưa? Tôi thấy nó kỳ lạ thế nào ấy. Mỗi lần có chuyện phải ghé một địa điểm bất kỳ trên đường này, lúc nào tôi cũng phải đi qua đi lại mấy lần mới tìm ra đúng chỗ, dù có đánh số rành rành. Có bận tôi phải tấp vào lề đường, mở định vị để xem cái chỗ mình cần đến ở đâu, hóa ra tôi đang đứng ngay trước cổng!
Chỗ anh Thục Linh tổ chức ra mắt sách là một quán cà phê thoạt trông là hẻm, nhưng được đánh số nhà như ngoài mặt tiền. Bước vào lối đi chung sẽ giáp mặt ngay một cánh cửa sắt sơn xanh, băng qua cánh cửa ấy, bước vào một lối đi tối, hẹp như Harry Potter cầm đũa phép lướt qua Hẻm Xéo, bấy giờ mới đến cái quán cần tìm.
Trước đại dịch, tôi từng ghé quán ấy đôi lần, tôi thích cái chỗ ngồi trên gác, có khung cửa sổ nhìn ra một bãi đất lọt thỏm giữa những tòa cao ốc. Căn gác ấy trong buổi ra mắt đã bị tụi con nít "chiếm đóng", cha mẹ các bé là bạn bè của nhân vật chính. Con nít cứ chơi với con nít, người lớn thì ngồi nghe bạn mình tâm sự về cuốn sách anh đã mất nhiều năm mới xuất bản được. Có hát ca, có tâm sự, có chọc ghẹo, đọc thơ, lẫn giữa tiếng đùa vui của đám nhóc tì không quan tâm những người lớn đang làm gì.
Những bạn trẻ, bạn già, bạn mới, bạn thân, tụ họp lại để nghe bạn mình nói. Về tuổi thơ, về ký ức, cùng tận hưởng sự may mắn vì vẫn còn nhìn thấy nhau sau một cơn tai biến lớn đến vậy.
Cuốn sách cũng chỉ viết về những điều giản dị thôi, à, cả nhiều mơ mộng nữa. Thứ dần xa xỉ giữa lòng đô thị hôm nay, mà tôi ngỡ rằng mình đã tìm lại được trong một buổi chiều, ở một quán cà phê nhỏ dường như cũng đang cố gắng ẩn mình khỏi những hối hả ngoài kia.
Trong Những con mắt ký ức, tác giả đã tự phân mình ra thành ta và Mắt Nhỏ, đôi mắt nhỏ đã nhìn cuộc đời bằng bản năng thiện lương, bằng sự ngây thơ trong trẻo, để nhìn những hiện hữu trần gian này thật tinh khôi.
"Tại sao các câu chuyện khiến chúng ta rùng mình sẽ là những áo trắng nào đó lướt trên rặng tre làng kẽo kẹt gió khuya hay những tóc dài lạc loài cứ đi mãi trên một đoạn đường vắng, hay một bà mẹ oán hờn gọi mãi tên con mình trên mỏm đá hoang, hay một khát khao sống đã chìm oan khuất đòi tìm lại thời gian đã mất…? Chúng ta nuôi dưỡng nỗi sợ hãi để còn biết yêu thương, để che giấu đồng cảm".
Đoạn trên lẩy ra từ phiến đoạn có tên gọn lỏn: Ma. Viết về ma, nhưng Thục Linh không khơi nỗi sợ hoặc kể một kỷ niệm gặp ma giật gân, mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng đã từng nghe đồn thổi. Dưới cái nhìn của tác giả, anh lại muốn trở thành một bóng ma xin quá giang như thế để "quá giang về sự thấu hiểu thế giới này", rồi "chỉ để biến mất".
Hò hẹn với mình
Thục Linh làm thơ, Thục Linh đem thơ đó vào những trang văn xuôi mơ màng, thoáng vui, thoáng buồn và nhẹ bẫng. Cái nhẹ bẫng của người tin vào sự trường cửu của đời sống, tin vào cái tâm hồn nặng nề của con người có thể nhẹ bớt đi nếu biết đi bằng những bước thảnh thơi của kẻ giữ trong mình đứa trẻ con.
Đứa trẻ con đó vẫn đi trên quê hương kỷ niệm của nó, qua hơn bốn mươi phiến đoạn, bốn mươi khoảnh trời đất, đi miệt mài mà không sợ lạc, bởi trong Mắt Nhỏ, chắc chẳng có nỗi sợ nào ngoài nỗi sợ đánh mất sự non trong của mình.
Buổi ra mắt sách cũng kết thúc vào chiều muộn, dần đi vào tối. Người ngồi trong quán còn đông, chờ ký sách. Tôi băng qua con Hẻm Xéo đó, rời thế giới ma thuật để về lại thực tại, với đường sá ồn ào. Đằng xa, tiến về hướng tôi là thầy giáo cũ, giờ này mới đến dự buổi ra mắt sách. Lại một dịp may mắn được gặp lại thầy sau một thời gian dài. Thầy trò đứng giữa lối đi chung, tôi chỉ cho thầy lối nhỏ để vào buổi ra mắt sách.
Có nhiều buổi cuối tuần như thế. Tôi đến những buổi hẹn hò với những người quen lâu ngày không gặp, những tranh, những sách, hoặc chỉ đơn giản hẹn hò với một khoảnh khắc mà trái tim cho phép mình lỗi đôi nhịp. Những hò hẹn cứ âm thầm diễn ra, không ồn ào, không báo chí, không rùm beng trên mạng. Chỉ là một nhóm người đã lẩy ra một khoảnh thời gian để gặp nhau, mà cũng như hò hẹn với chính mình.
Sực nhớ, tôi quên nói với thầy vẫn còn chưa muộn buổi ra mắt đâu, vì những hò hẹn cuối tuần như thế này, thời gian dường như trôi chậm, như để không hẹn hò nào bị dang dở.
Treo tình
Uống lầm một ánh mắt
Cơn say theo nửa đời
Đôi khi quờ tay lạnh
Tình treo trên ghế ngồi
Người về qua phố cũ
Hoa một mùa cạn hương
Người không về phố cũ
Tình treo trong giáo đường
Qua rất nhiều tất bật
Tôi cũ hơn câu thơ
Người ngược xuôi quên nhớ
Tình treo ngay giấc mơ
Rồi đi, đi, đi hút
Chân mỏi cuộc lữ hành
Đám đông reo trên phố
Tình treo trong vinh danh
Hôm nay mười năm chẵn
Tình thắt dây xà nhà.
Thục Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất