10 năm ngày mất nhà thơ Thu Bồn: ‘Tráng sĩ hề… dâu bể’ là thế!

16/06/2013 14:02 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngay sau khi từ Hội nghị lý luận phê bình toàn quốc tổ chức trên Tam Đảo trở về, với nụ cười nhẹ lòng, nhà phê bình Ngô Thảo gặp tôi, tặng cuốn Thu Bồn - Tráng sĩ hề… dâu bể (NXB Hội Nhà Văn, 2013), như lời hứa trước đó hơn một tháng, khi tập sách còn trong dạng bản thảo.

Nhà phê bình Ngô Thảo và nhà văn - doanh nhân Nguyễn Tiến Toàn đã sưu tầm, biên soạn và quyên góp tiền cũng như tự đóng góp tiền để có được cuốn sách này.



Bìa tập sách Thu Bồn - Tráng sĩ hề dâu bể

Tình nợ văn chương

Trong một bài viết tưởng nhớ nhà thơ Thu Bồn, nhà văn Nguyễn Quang Lập từng kể: “Thu Bồn và Ngô Thảo là cặp bạn bè cực kì chí thiết, hiếm thấy cặp bạn bè nào hết lòng vì nhau được như cặp này. Mình hỏi Thu Bồn, nói Ngô Thảo là người nghiêm ngắn, vào trong đứng đắn ra ngoài chỉnh chu, chẳng hiểu sao lại gắn bó suốt đời với cái ông lấy chữ chơi làm căn bản như anh? Thu Bồn cười, nói bà Lộc (vợ Ngô Thảo) cũng hỏi tao vậy đó”.

Cái sự chí tình này, thể hiện sau khi nhà thơ Thu Bồn mất, trong gian thờ tự gia đình của nhà phê bình Ngô Thảo có riêng một góc đặt bát hương, di ảnh nhà thơ Thu Bồn, và sau 10 năm, mặc sức già yếu lẫn tật bệnh, nhà phê bình Ngô Thảo vẫn ngược đường viếng mộ nhà thơ Thu Bồn, đi tìm gặp, thăm nom lại vợ con của bạn, làm việc nghĩa tình là sưu tập lại di cảo thơ Thu Bồn cũng như các bài viết về bạn thân của mình.

Trong bài Đất, nhà thơ Thu Bồn viết tại Đà Nẵng năm 1980:

“Chúng ta đều là đất cả thôi!/ Những hạt lúa củ khoai đều nhờ vào đất/ cái gì gởi vào ta/ sẽ lãi gấp mười/ sẽ lãi gấp trăm/ sẽ lãi gấp ngàn…/ và tất cả hạnh phúc khổ đau này đều từ đất mà ra”

Thì rốt cuộc chúng ta từ đất thành người rồi từ người lại trở về với đất. Còn lại cái tình, và món nợ lớn nhất của đời người, không gì hơn là tình cảm. Sự sâu nặng đôi khi thay vì những hờn oán, giận dữ, đòn roi, chọc phá, đè đạp cãi lộn nhau… lúc nào đó bắt gặp trên văn đàn, thì là sự chia sẻ yêu thương đùm bọc che chắn cho nhau hơn cả máu mủ ruột rà. Cái tình văn chương thực sự thường không lạt lẽo bao giờ, hoặc là ghét, hoặc là yêu thật rõ tâm. Như người văn khi viết hay ưa làm sáng tỏ điều gì sai, điều nào đúng.

Cuối tháng Tư, chúng tôi nhận được một tấm hình tê tái lòng từ nhà phê bình Ngô Thảo, khi ông tới thăm gia đình của nhà thơ Thu Bồn. Bức hình chụp người con trai duy nhất của nhà thơ Thu Bồn, anh Hà Băng Ngàn đang ở trong bệnh viện tâm thần TP. Hồ Chí Minh, và mẹ anh, cũng là vợ đầu của nhà thơ Thu Bồn, bà Thanh Thu đang phải múc từng muỗng cơm bón cho anh.

Như nhà phê bình Ngô Thảo cho hay, hiện nay anh Hà Băng Ngàn đang ở cùng với mẹ, bà Thu đã đón anh về nhà để chăm sóc. Căn nhà tự tay nhà thơ Thu Bồn xây dựng lên trong khuôn viên mấy ngàn mét vuông cũng đã bị người vợ sau của ông bán đi.

Đồng thời, phía dưới bức ảnh, nhà phê bình Ngô Thảo ngỏ ý muốn anh em bạn bè cùng quyên góp để cho ra đời tập sách Thu Bồn - Tráng sĩ hề… dâu bể, ngoài tiền trả chi phí in, tiền dư, sẽ gửi về anh Hà Băng Ngàn.



Nhà phê bình Ngô Thảo cùng bà Thanh Thu (vợ đầu tiên của nhà thơ Thu Bồn) và anh Hà Băng Ngàn, con trai duy nhất của nhà thơ Thu Bồn trong bệnh viện. Ảnh do nhà phê bình Ngô Thảo cung cấp.

Một nén hương tưởng nhớ…

Gần hai tháng sau, tập sách đã được xuất bản, vừa kịp cho kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ. Cuốn sách còn thơm mùi mực, từ nhà in chuyển về đã được trân trọng đặt lên ban thờ nhà thơ Thu Bồn tại gia đình Ngô Thảo: “Một nén hương tưởng nhớ… hẳn anh Thu Bồn hài lòng”…

Đây là tập sách chia chẻ ba phần. Một phần bao gồm những bài thơ của Thu Bồn từng được độc giả yêu thích, phần khác là các bài viết thay cho Tự truyện mà nhà thơ chưa kịp hoàn thành, mảng lớn còn lại là các tâm sự, chia sẻ, câu chuyện về nhà thơ từ các bạn bè văn nghệ.

Trong số 35 tác phẩm thơ/ văn vần được tuyển chọn để in trong tập sách, ngoài những bài nói về quê hương đất nước biển trời và mẹ… không thể thiếu thơ tình. Mà thơ tình, viết ra, có nơi đến rõ ràng dù chưa cụ thể một cái tên, nhưng chữ viết tắt vừa đủ mơ hồ đoán định, vừa lơ mơ ẩn chưa một sự đa tình đa mang. Mong em về trước cơn mưa, tặng N. Mưa tháng sáu, tặng C.L, Thu vàng, tặng T.A. Như bạn bè nhà thơ kể lại, Thu Bồn nặng chuyện yêu đương. Đa tình gửi tình vào thơ, mà bài thơ tình hay lại xuất hiện sau mỗi lần thất tình. Trước bài viết này, nhà phê bình Ngô Thảo có gửi email cho tôi, dặn nói về ông ít thôi, “Tập trung nói về Thu Bồn, một nhà thơ hiếm hoi có phong thái tráng sĩ. Và đó là lý do ông được nhiều người yêu, nhất là phụ nữ”.

Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Thu Bồn và ra mắt tập sách Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể sẽ được tổ chức vào lúc 9h30, thứ Hai, ngày 17/6 tại BHD Star Cineplex ICON 68, tầng 3 tòa nhà Bitexco Financial Tower, số 2 Hải Triều, phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Đồng thời buổi sáng cùng ngày, tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, Hội nhà văn Việt Nam cũng tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Thu Bồn.

Trong mắt bạn bè của Thu Bồn, cái sự nhiệt huyết sống, ồn ào sống và yêu để sống chiếm hết phần tâm trí ông. “… Thu Bồn sống ào ạt, lao động ào ạt, viết ào ạt, yêu ào ạt…ngay cả trong tình yêu nữa, anh như lúc nào cũng sợ không kịp, không đủ. Anh chung thủy vô cùng, và cũng thay đổi vô cùng” (Không thể mất được, Thu Bồn!, Nguyên Ngọc, T194)

Thu Bồn là nhà thơ và sự yêu thơ của ông được nhà phê bình Ngô Thảo nói tới, qua bài viết của nhà văn Trung Trung Đỉnh: “… Thu Bồn làm thơ khi làm sách, bán sách, bán thơ. Thu Bồn làm thơ khi lên rừng, xuống biển, về nhà; ở đâu Thu Bồn cũng vui bạn vui bè, hết mình vui chơi, hết mình làm việc với một nguồn cơn..” (Thu Bồn, tráng sĩ hề… dâu bể, T198).

Đọc từ chân tình bạn bè gửi đến Thu Bồn, sau ngày ông mất, và cũng chừng ấy năm để hiểu hơn chân dung tính cách một nhà thơ, sâu hơn nữa, là của một con người trót nặng nợ với đời, với người, với các mối tình, nên cứ thế long đong cho người phụ nữ nào trót yêu mà biết rõ không bao giờ giữ được trái tim ưa tự do, chỉ đồng nhịp được thời gian ngắn ngủi.

Rốt cuộc thì cuộc sống cần nhiều hăm hở để trọn vẹn được bao nhiêu, thì cuối cùng con người lại nằm lại với đất. Tưởng đã ra đi, nhưng còn bao nhiêu là ân là tình. Căn nhà suối Lồ ô, nơi cất giữ bao di chứng đời sống của một nhà thơ đã đổi chủ. Bức ảnh chụp vợ đầu và người con trai duy nhất của ông trong bệnh viện tâm thần thật nhiều điều để ngẫm.

Rốt cuộc, sau một đời của người làm văn chương không còn lại gì, ngoài tác phẩm, mà tác phẩm dĩ nhiên cần sống trong lòng bạn đọc, và tình vương với bạn bè, đủ để một lần hồi sinh giữa chốn đời vội vã. Sau 10 năm, Thu Bồn, tráng sĩ hề… dâu bể, là thế!

Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm