Thanh Tùng: Nhà thơ hay hát và hay khóc

22/11/2013 13:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bài hát Thời hoa đỏ của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ từ thơ Thanh Tùng làm nức lòng nhiều thế hệ thanh niên bằng một câu chuyện tình: “Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi… /Trong câu thơ của em, anh không có mặt/ Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say”.

Chiều qua (21/11), tại TP.HCM, tập thơ Thời hoa đỏ và những bài thơ chọn lọc của Thanh Tùng đã ra mắt bạn đọc.

Người hát thơ “ứng khẩu”

Nhiều người vẫn hay nhầm lẫn Thời hoa đỏ được Thanh Tùng viết về phố cảng Hải Phòng, nơi ông sinh ra và lớn lên. Kỳ thực, bài thơ này được Thanh Tùng viết về người vợ quá cố của ông tên Thanh. Bút danh Thanh Tùng ghép từ tên vợ và tên ông mà thành, ông tên thật Doãn Tùng sinh năm 1935. Thơ ông được nhiều nhạc sĩ chọn để làm ca từ cho các bài hát và đã có nhiều ca khúc thành công vang dội từ thơ Thanh Tùng.


Nhà thơ Thanh Tùng

Nhưng nhà thơ Thanh Tùng không đợi các nhạc sĩ phổ thơ mình, từ rất lâu trong làng văn, ông nổi tiếng vì đã “phát minh” ra một cách phổ biến thơ giữa thời thơ ế hơn chợ chiều. Mỗi khi gặp Thanh Tùng, thế nào bạn văn, người yêu thơ sẽ được Thanh Tùng ứng khẩu hát tặng vài bài bằng chính thơ của mình. Thanh Tùng hát thơ, hiểu nôm na là tự phổ nhạc thơ mình, không theo một trường lớp nào cả. Mỗi khi nổi hứng là ông hát thơ, bất kể về nhạc lý đúng hay sai. Chỉ biết rằng mỗi khi nghe ông hát thật xúc động.

Thanh Tùng có cuộc đời “giai cấp công nhân” đúng với nghĩa đen. Thời còn chiến tranh, Thanh Tùng làm công nhân “quai búa” đích thực tại một nhà máy đóng tàu biển ở Hải Phòng. Thôi làm công nhân, ông chuyển sang làm áp tải hàng hóa từ cảng Hải Phòng lên Hà Nội. Ông kể, thời ấy, cướp ở quốc lộ 5 “nhiều như rươi”…

Một tâm hồn thơ trào lộng và… “bi lụy”

Nhà thơ Trần Nhuận Minh có bài Nhà thơ áp tải tặng Thanh Tùng: “Đất nước có một thời/ Kẻ gian nhiều như nấm/ Không ngờ một nhà thơ/ Lại sống bằng nắm đấm”. 


Bìa tập thơ Thời hoa đỏ và những bài thơ chọn lọc.

Còn Thanh Tùng kể vui, mỗi lần gặp cướp là tôi đọc thơ khiến bọn chúng chạy mất dép. Ông cười ngất ngưởng nói thêm: “Tên cướp nào lì lợm, tôi không đọc thơ nữa mà chuyển sang hát thơ của mình. Nếu chúng vẫn lì lợm không chạy thì tôi chuyển sang… khóc bằng thơ”. Ấy là Thanh Tùng kể chuyện vui, còn bản tính ông thuộc loại mau nước mắt. Mới hát thơ ào ào đó, Thanh Tùng chuyển qua khóc tồ tồ lúc nào không hay. Thanh Tùng khóc khi có người nhắc nhớ một chuyện đau buồn hay ông tận mắt chứng kiến một chuyện xúc động.

“Tôi đã phổ của Thanh Tùng ba bài thơ, riêng bài Hà Nội ngày trở về thì câu hát “Vội vã trở về, vội vã ra đi” đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người. Phải thừa nhận, Thanh Tùng có những câu thơ thật thi sĩ, đọc một lần thì ám ảnh khôn nguôi” (nhạc sĩ Phú Quang).

Thời bia hơi vỉa hè còn phổ biến tại Sài Gòn, một lần đang hát nửa bài bỗng dưng Thanh Tùng bưng mặt khóc. Thì ra, có một đứa bé bán vé số đứng cạnh chờ ông hát thơ xong mời mua. Thanh Tùng không có tiền mua vé số, mà ông thì chẳng bao giờ có tiền trong túi, nên khóc ngon lành. Chừng vài phút sau, ông ứng khẩu bằng thơ: “Tôi khóc vì không có tiền mua vé số/ Mua cho tôi một niềm may/ Mua cho em một niềm vui/ Và biết đâu mua cho em một tấm vé vào đời”.

Năm 60 tuổi, Thanh Tùng khăn gói vào Nam cưới vợ lần thứ hai vì người vợ đầu đã qua đời từ “thời hoa đỏ”. Mối lương duyên này do vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng mai mối. Ngày tiễn Thanh Tùng lên tàu vào Sài Gòn, bạn bè văn nghệ Hà Nội chỉ vào cái túi con cóc Thanh Tùng đeo bên người: “Đấy, tài sản của 60 năm cuộc đời là đấy”. Đến nay ở tuổi xấp xỉ 80, Thanh Tùng vẫn vô tư như ngày nào. Ông tự trào về mình: “Nhờ tôi thuộc giai cấp công nhân vô sản cả đời nên tôi thấy mình rất sung sướng khi muốn hát thì hát, muốn khóc thì cứ… hu hu”.

HOÀNG NHÂN
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm