Nhà thơ Tân Linh: 7 nhịp cầu Hiền Lương và 754 câu thơ

18/06/2014 08:01 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Ra liền 2 tập sách sau khi biết mình phải trường kỳ chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo, nhà thơ, nhà báo Tân Linh như được tiếp thêm sức mạnh. Chỉ sau đúng 1 năm, giờ đây, anh lại cho ra mắt tác phẩm mới, bề thế hơn - trường ca Hiền Lương bảy nhịp. Cây cầu với 21 năm mang nỗi đau chia cắt đất nước này đã trở thành một phần máu thịt của Tân Linh - chàng trai đa cảm, hào hoa (sinh năm 1954), từng chiến đấu trên chính miền đất lửa quê hương mình khi mới 17 tuổi. 754 câu thơ trong trường ca của anh như một món quà dâng lên Tổ quốc nhân dịp kỷ niệm 60 năm ký hiệp định Geneve (7/1954). TT&VH giới thiệu bài viết của nhà thơ Thanh Thảo về tập trường ca này.

1. Tân Linh là nhà thơ quê Vĩnh Linh, Quảng Trị. Quê của bảy nhịp Hiền Lương. Quê của nỗi đau chia cắt. Đó là những tiền đề cho thơ ca khởi phát. Có lẽ vì sinh ở miền quê quá đỗi đặc biệt ấy, mà Tân Linh, vốn là một nhà báo, đã mê mải với thơ, mê mải làm thơ. Và “Hiền Lương bảy nhịp” là bản trường ca, có thể là đầu tiên của anh, viết dài hơi về cầu Hiền Lương, về nỗi đau 21 năm cắt chia đất nước.  


Nhà thơ Tân Linh (đứng) thả hoa tưởng niệm ở sông Bến Hải

Mỗi người Việt khi nhắc tới tên Hiền Lương, đều cảm thấy cái tên này đã quen với mình từ lâu lắm. Nhất là người quê ở miền Bắc. Chính một thời âm nhạc và văn học “Đấu tranh thống nhất” từ một nửa đất nước đã nổi lên những ca khúc của Hoàng Hiệp: Câu hò trên bến Hiền Lương (lời Đằng Giao), của Vĩnh Cát: Tâm tình sông Bến Hải…

Có nhiều bài thơ về cầu Hiền Lương và sông Bến Hải của Tế Hanh, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông… rồi bút ký của Nguyễn Tuân cũng được viết ra trong thời kỳ ấy, tất cả đã là những tác phẩm nổi tiếng, những tác phẩm “đi cùng năm tháng” từ hơn nửa thế kỷ trước.

Bây giờ, có thêm trường ca Hiền Lương bảy nhịp của Tân Linh.  

2. Bản trường ca cứ dẫn dắt người đọc đi từ nỗi đau này tới niềm yêu khác, từ mất mát tới khát khao, từ chia lìa tới đoàn tụ…

“Sông chia hai nửa

Sông chỉ một bờ

Con cá con tôm nào có chia lìa

Dòng nước hiền hòa bỗng dưng thành lưỡi dao oan nghiệt

Cắt đôi khúc ruột”


Bìa cuốn trường ca Hiền Lương bảy nhịp

21 năm đâu phải là khoảng thời gian ngắn ngủi. Biết bao cuộc đời đã kết thúc ở hai bên cầu Hiền Lương, hai bên bờ Hiền Lương. Những mái đầu trắng khăn tang và những mái đầu bạc vì đợi chờ khắc khoải.

“Ngỡ đò ngang

Ai ngờ sông chảy dọc

Thuyền xuôi

Tôi oán dòng sông

Tôi ghét hàng cọc gỗ

Cắm xuống sông Hiền chia đôi dòng nước

Ngăn đôi con sông

Tôi thương những cánh buồm nâu đơn chiếc

Lặng lẽ nương theo dòng”

3. Người ta nói, sao ở Việt Nam nhiều thơ thế? Nhưng khi đã có những Hiền Lương, những chia cắt, bao số phận trở nên bi thảm, bao tuổi trẻ và cả tuổi thơ phải chịu những mất mát, thì bao nhiêu thơ cho đủ để nói lên tất cả những nỗi đau này? Tôi còn nhớ, cảm xúc của tôi, một đứa trẻ mới 12, 13 tuổi khi nghe những ca khúc, những bài thơ “đấu tranh thống nhất” được trình diễn trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó là cái gì cứ cuộn lên, dâng tràn lên trong lòng. Xúc động thật sự. Dù lúc ấy tôi chưa đủ tuổi để cảm nhận hết về nỗi đau chia cắt.

Trường ca Hiền Lương bảy nhịp của Tân Linh ra mắt lúc 9h ngày 18/6 tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam - số 2 Hoa Lư, Vân Hồ, Hà Nội.
Chắc Tân Linh cũng vậy. Quê Quảng Trị, nhưng mãi khi đã qua tuổi 50, anh mới có thể viết được những dòng thơ về Hiền Lương. Những dòng thơ chất chứa bao nỗi niềm của một người con muốn đi ngược lại thân phận của quê hương mình, của gia đình mình, của Tổ quốc mình. Cuộc “đi ngược” này không phải là “hành trình về nguồn” mà bây giờ nhiều bạn trẻ đang thực hiện, mà nó là sự chiêm nghiệm, trải lại, hồi cố. Nó không thể thênh thang hay dềnh dàng. Nó cứ cuộn lên từng khúc, xót xa lên từng nhịp, từ nhịp một tới nhịp bảy của cây cầu chứng nhân, cây cầu bi kịch.

Cái được lớn nhất của trường ca này, là tác giả được thanh thỏa với lòng mình. Chúng ta yêu đất nước, nhiều khi đến vò xé tâm can, nhưng đâu phải lúc nào cũng có thể nói ra. Nhất là nói ra một cách dễ dãi, nhẹ hều. Với Hiền Lương, thì sức nặng của ký ức có khi là quá lớn với một người đã từng sinh ra và lớn lên, dù chỉ ở khoảng đầu đời, ở đó.

“Có lẽ không đâu trên quả đất này

Nỗi chờ đợi dài hơn quãng đời hạnh phúc

Cuộc chờ đợi nhau 21 năm

Có người vợ ngóng chồng qua hai hàng nước mắt

Chờ lúc tóc xanh thành đầu bạc

Em chờ anh không nghĩ đến thời gian

Không sợ hoa tàn

Bao nhiêu mùa trái chín

Không người ươm cây

Bao mùa màng khát bỏng

Mong mưa gieo ruộng cày

Hai mươi mốt năm sông vẫn thế

Chỉ tội lòng người không thể…”

Nghẹn ngào là những đoạn thơ như vậy trong trường ca. Một trường ca đầy cảm xúc, nó không cho ta sự bình thản khi đọc, nếu ta là người Việt Nam. Tôi có thể viết nhiều hơn, nhưng tôi muốn dừng lại ở đây, để người đọc tự tiếp xúc với văn bản. 60 năm của số phận một cây cầu. Cũng là 60 năm trong số phận thăng trầm của đất nước chúng ta.

Thanh Thảo
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm