15/11/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Gần nửa thế kỷ cầm bút với nhiều thể loại khác nhau, từ thơ, truyện dài, biên soạn, biên khảo, báo chí… nhưng Lê Minh Quốc không thấy mệt mỏi, anh nói "còn thở là còn viết". Anh có nhiều tác phẩm được chọn làm ngữ liệu giảng dạy, đưa vào sách tham khảo và ra đề thi.
Mới đây nhất, tác phẩm của anh được đưa vào sách giáo khoa Giáo dục kinh tế và pháp luật 11, bộ Chân trời sáng tạo và sách Bài tập thực hành tiếng Việt 4 (NXB Giáo dục), tập 2.
Chọn lọc từng từ khi viết cho thiếu nhi
* Tác phẩm được sử dụng nhiều trong sách giáo khoa, sách tham khảo, các đề thi... Hình như tác phẩm của anh có duyên với học sinh?
- Điều này có lẽ đúng. Bởi đã không ít lần tôi phải trả lời, giải thích cho các bạn học sinh về bài thơ Định nghĩa về đất nước. Bài thơ này đã được nhiều trường trung học phổ thông ở Đà Nẵng, TP.HCM, Phú Yên… chọn làm đề của kỳ thi trong năm học. Bên cạnh đó, còn những bài thơ khác.
Sở dĩ có duyên, bởi có lẽ do các thầy cô giáo nhận thấy những bài thơ đó phù hợp với chủ đề giảng dạy trong sách giáo khoa.
* Anh có cả tác phẩm được trích từ sách biên soạn và thơ đưa vào sách giáo khoa. Điều này có ý nghĩa như thế nào với anh?
- Một khi có tác phẩm được chọn in trong sách giáo khoa, có thể là lúc chúng ta nghĩ đến những gì mình viết sẽ được thế hệ trẻ biết đến nhiều hơn. Kể ra cũng vui, là một lần nữa lại thấy rằng, trang viết của mình phù hợp với tiêu chỉ tuyển chọn của ban biên soạn. Niềm vui này, các đồng nghiệp khác hẳn cũng thế. Ở đây, tôi còn nghĩ xa hơn một chút, đó chính là trách nhiệm công dân của người cầm bút.
Vì rằng, những gì mình viết ra, đối tượng tiếp cận đầu tiên là con mình, thế hệ cùng trang lứa với con mình. Chính vì thế, khi đặt bút viết, nhất là viết cho thiếu nhi, càng khiến mình phải tự ý thức về những gì sẽ viết, thậm chí phải chọn lọc từng từ, từng chữ. Nếu vì lý do gì đó, dù viết cho các em, nhưng mình mượn đó để trút vào những cay cú, hằn học, "đá cá lăn dưa", "ba que xỏ lá"… thì người "lãnh đủ" trước nhất là ai? Nếu không là con cháu mình!
* Thông thường, các nhà thơ viết về dòng sông, con kênh quê hương hoặc nơi họ gắn bó máu thịt. Sinh ra và lớn lên ở miền Trung, sống ở TP.HCM, nhưng anh lại viết về dòng kênh miền Tây. Anh có thể chia sẻ cảm hứng sáng tác bài thơ "Bên dòng kênh xanh" - tác phẩm được đưa vào sách "Bài tập thực hành tiếng Việt lớp 4"?
Khi viết Bên dòng kênh xanh, với tôi là một sự mới mẻ, dù rằng, vẫn có sự liên tưởng đến dòng sông Thu Bồn (Quảng Nam). Lúc đó, lần đầu tiên nhìn thấy dòng kênh trong mùa nước nổi, mở ra trước mắt tôi là sự mênh mông vời vợi, khiến tâm hồn như choáng ngợp. Thật lạ, thật thích thú, thật ngạc nhiên khi tận mắt nhìn thấy: "Điên điển ríu rít trôi nghiêng/ Vàng hoa phơn phớt hồn nhiên nở đầy".
Đó cũng là lần đầu tiên, tôi được các má, các chị Nam bộ chế biến cho ăn món hoa điên điển. Ngon lắm. Mãi về sau này, vài chục năm sau, lúc đọc di cảo tạp bút của học giả Vương Hồng Sển, tôi thấy cụ kể đúng cách mà người miền Nam làm bánh bột có tẩm thêm hoa điên điển. Khi viết câu thơ: "Còn hoa tim tím như là/ Như đi như đứng có mà ngộ ghê".
Là bấy giờ tôi nhìn thấy loại bèo mà ngoài miền Trung gọi bèo Nhật Bản, trong Nam gọi lục bình. Sở dĩ có từ "ngộ" là do tôi học cách nói của con gái anh Tư Hên ở khu vực Cốc Đá Nổi, trên dòng kênh 20, thuộc ấp Bình An, xã Bình Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Tôi trú chân ở đó lúc đi sưu tầm văn học dân gian do Đại học Tổng hợp TP.HCM tổ chức năm 1985.
"Giống như thông tin từ Google, sách cũng "thượng vàng hạ cám", người tham khảo phải có bản lĩnh từ tri thức, kinh nghiệm… để chọn lọc lấy, chứ không nhất nhất tin theo…" - nhà thơ Lê Minh Quốc.
Việc tự trang bị kiến văn là bắt buộc
* Với tác phẩm viết về doanh nhân Bạch Thái Bưởi, anh muốn học sinh nhận được những giá trị gì từ nhà yêu nước này?
- "Đạo đức kinh doanh". Chỉ 4 từ đó, theo tôi hết sức quan trọng, mà Bạch Thái Bưởi đã là tấm gương sáng.
Chia sẻ điều này, không riêng gì với các bạn học sinh, mà tôi còn mong muốn các doanh nhân hiện nay cũng tâm niệm như thế khi làm giàu. Làm giàu cho mình, cho đất nước là nghĩa cử rất đáng trân trọng, nhưng không thể làm giàu bằng mọi giá, làm giàu trên nỗi thống khổ của người khác, bất chấp quy định của luật pháp, đứng trên đạo lý giữa người và người. Mà đâu chỉ kinh doanh, ngành nghề nào cũng cần giữ đạo đức.
Nói một cách khái quát, đúng như sách giáo khoa đã dạy cho học sinh: "Đạo đức kinh doanh là nhân tố quan trọng giúp nền kinh tế thị trường phát triển vững bền và đạt sự tín nhiệm của người tiêu dùng. Nắm vững đạo đức kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi ích con người, cộng đồng, bảo vệ môi trường. Công dân hiểu biết đạo đức kinh doanh sẽ có hành vi đúng đắn khi tham gia nền kinh tế".
Với trường hợp Bạch Thái Bưởi, tôi còn nhấn mạnh thêm cho chọc sinh về một bài học, mà thiết nghĩ, thời nào cũng hợp thời, cũng đúng, đó là: "Ý thức vận dụng tinh thần yêu nước, khai thác tinh thần tự tôn dân tộc như một vũ khí sắc bén để chiến thắng vẻ vang đối thủ của mình".
Vẫn còn nhiều giá trị, yếu tố tích cực khác nữa. Ở đây tôi chỉ trả lời nhấn mạnh trong phạm vi của chi tiết trích dẫn trong sách giáo khoa.
* Tác phẩm này có thể xem là tiêu biểu cho dòng sách biên soạn của Lê Minh Quốc hay không?
- Sách Bạch Thái Bưởi - khẳng định doanh tài đất Việt thuộc Tủ sách danh nhân Việt Nam của NXB Văn học từ hơn 20 năm trước. Tôi còn viết các sáchNguyễn Thái Học, Chiến tướng Hoàng Hoa Thám, Dấu ấn Nguyễn An Ninh, Tướng quân Hoàng Hoa Thám. Nếu nói tiêu biểu của dòng sách biên soạn dành cho thanh niên, có lẽ là Kể chuyện danh nhân Việt Nam (10 tập) do NXB Trẻ đầu tư và ấn hành.
Lúc ấy tôi có "tham vọng" muốn biên soạn nhiều thể loại khác nhau, với cách viết dễ hiểu, dễ đọc nhất.Do đó, tôi cặm cụi viết những tập sách liên quan đến các chủ đề về giáo dục, báo chí, doanh nghiệp… Viết như là một cách tự học, viết là mạnh dạn trình bày lại những điều đã học cho bạn đọc, chứ không có "ham hố" gì khác.
* Là người theo đuổi và thành công với thể loại biên soạn này, theo anh thì có những khó khăn gì cần vượt qua?
- Đến nay, nếu được trình bày một chút ít kinh nghiệm nào đó về việc biên soạn, tôi vẫn xin thưa, công cụ cần thiết nhất phải là sách. Tuy nhiên, sách là sách, muốn hiểu sách, đánh giá được chất lượng của sách ở hạng nào thì người đọc cần phải được trang bị kiến văn nhất định. Nếu không, cũng như thông tin từ Google, sách cũng "thượng vàng hạ cám", người tham khảo phải có bản lĩnh từ tri thức, kinh nghiệm… để chọn lọc lấy, chứ không nhất nhất tin theo.
Cách làm của tôi là dù chỉ một sự kiện/câu chuyện nhưng tôi tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau, kiểm chứng thông tin đan chéo nhau, kể cả từ ca dao, tục ngữ, chuyện kể dân gian… Sau động tác này, mới là sự lựa chọn của mình.
Tại sao tôi lại làm như thế? Nghiệm lại chính là do tuân theo quy định rạch ròi của cái nghề mà tôi đeo đuổi trọn vẹn một đời: Nghề báo. Chính nghề này đòi hỏi hàng đầu là tính chính xác, chân thực của một thông tin - dù chỉ viết cái tin 100 từ đến bài phóng sự 10 ngàn từ. Quy định này hết sức quan trọng cho việc biên soạn sách. Vì thế, tôi dám quả quyết rằng, không bao giờ tôi tin công trình biên soạn của một ai đó khi cả đời không đọc một quyển sách, trong nhà không có thư viện sách, mà chỉ tham khảo… từ trên mạng.
* Từng có nhiều sáng tác viết cho tuổi mới lớn, tuổi chớm yêu, vì sao gần đây anh không viết mảng đề tài này nữa?
- Viết lúc nào, viết cái gì, đề tài gì, tôi hoàn toàn phụ thuộc vào cảm hứng của chính mình. Nay, nhìn lại từ 10 tập thơ đã xuất bản, nếu ai tinh ý sẽ nhận ra tâm trạng của tôi trong mỗi thời điểm rất rõ nét. Không giấu diếm. Nay, tôi không viết những bài thơ nói chung dành cho tình yêu đôi lứa nữa, đơn giản là tôi không còn yêu bất kỳ một nhan sắc nào. Khi viết lách, cái nghề viết để sống, người ta có thể che giấu cái tôi, nhưng với thơ thì không thể. Do không thật sự có cảm hứng nên tôi ngưng viết về tình yêu.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ!
"Bí kíp" để giữ được nghề chữ nghĩa lâu dài?
- "Đây là một câu hỏi lớn. Chỉ xin được chia sẻ ngắn gọn: Tình yêu dành cho chữ nghĩa, tự mình bao giờ cũng cảm thấy mới mẻ như cái thuở ban đầu mới vào nghề. Đừng ỷ đã theo nghề lâu năm mà cẩu thả, rẻ rúng chữ nghĩa. Sống với nghề viết, theo tôi là công việc nhọc nhằn, may thay, từ trong nhọc nhằn ấy chúng ta lại tìm thấy niềm vui. Vui là bởi thỏa mãn chính mình, chứ không vì gì khác, không vì ai khác.
"Đã có lần tôi cũng muốn "rửa tay gác bút", không còn phải từng ngày nhọc nhằn nữa, nhưng tôi lại nghe trong mình vọng lên lời thì thầm: "Có phải lúc mới vào nghề, bạn đã tâm nguyện còn thở là còn viết, đúng không?". Đúng quá. "Sao bây giờ lại bỏ viết? Có phải, bạn đã hết thở?". Ồ, không đâu. Tôi vẫn còn thở. "Tốt quá. Vậy, hãy tiếp tục viết đi". Với người viết chuyên nghiệp, tiếng nói ấy luôn thường trực trong máu thịt như một "bí kíp" đó thôi" - Lê Minh Quốc.
(Còn tiếp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất