Nhà thơ Lê Minh Quốc và bộ truyện tranh 'Hào khí Đông A': Viết sử cho trẻ em phải cố gắng chính xác nhất

20/12/2014 09:31 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, một bộ sách về các danh tướng Việt gây xôn xao dư luận vì ảnh minh họa giống như ở trò chơi điện tử. Nhà thơ Lê Minh Quốc – người tham gia viết lời/kịch bản bộ truyện Hào khí Đông A (vừa được NXB Tri Thức và công ty sách Đông A ấn hành) trò chuyện về cái khó của người làm sách sử.

Ngoại trừ nhân vật Trần Thủ Độ, nhà thơ Lê Minh Quốc đã viết kịch bản, lời thoại 9 tập truyện về 9 nhân vật: Phật hoàng Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, Thượng tướng Trần Khát Chân, Huyền Trân công chúa... Lê Minh Quốc có cuộc trao đổi với Thể thao&Văn hóa về bộ truyện tranh này.

* Là tác giả phần lời/kịch bản 9/10 tập truyện tranh Hào khí Đông A, trong các nhân vật lịch sử này, anh yêu mến cuộc đời và số phận nhân vật nào nhất?

- Thật tình, nhân vật nào tôi cũng đều ngưỡng mộ, kính phục và yêu mến. Nhưng nếu chọn, tôi chọn nhân vật Công chúa Huyền Trân.

Khi làm dâu xứ người, nàng đã chú tâm học âm luật người bản địa, xin quân vương cho lập đội ca vũ. Qua cầu nối âm nhạc, mối quan hệ giữa hai dân tộc ngày càng thấu hiểu và thêm tôn trọng nhau. Tiếc là tơ duyên sớm đứt đoạn. Sau khi chồng mất, bước về cố quốc của nàng lại có “lời ong tiếng ve” với Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung.


Nhà thơ Lê Minh Quốc

Trước đó, các nho sĩ đương thời không có tầm nhìn như Thượng hoàng Trần Nhân Tông nên cũng từng dè bỉu cuộc hôn nhân của nàng. Những thị phi này quá bất công với Công chúa Huyền Trân. Trong lúc đắng cay muôn phần, nàng đã có công khai dân lập ấp, dạy dân trồng dâu dệt vải, làm thuốc cứu người và khuyến dân tu tâm tích đức, dốc lòng làm việc thiện lúc đi tu ở chùa Nộn Sơn (Nam Định), cuối năm 1308.

Thiết nghĩ, cuộc hôn nhân của Công cháu Huyền Trân đã mở ra sự yên vui, yên bình cho trăm họ há chẳng phải là số phận lạ lùng và bi tráng đó sao?

* Các nhân vật lịch sử đều cách xa thời chúng ta hàng trăm năm, do vậy diện mạo của họ đa phần do người đời sau tưởng tượng. Theo anh, họa sĩ Kim Duẩn đã phác họa các nhân vật này đạt được đến đâu so với nghiên cứu của anh?

- Không riêng gì họa sĩ Kim Duẩn, khi tái hiện lại diện mạo của lịch sử từ vật dụng, vũ khí, trang phục, cung điện… vẫn đang là một thử thách từ tranh ảnh, sân khấu đến điện ảnh… Chắc chắn, tập sách quý Ngàn năm áo mũ của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức không thể lọt khỏi “tầm ngắm” tham khảo của nhiều người. Rõ ràng, đây là một công việc nghiên cứu lâu dài, còn là trọng trách của thế hệ sau nữa.


Tái hiện diện mạo lịch sử từ cung điện, trang phục, vật dụng... đang là thách thức

* Lâu nay có khá nhiều truyện tranh về các nhân vật lịch sử, anh cũng là nhà báo theo dõi mảng văn hóa, anh thấy các nhân vật lịch sử khi được thể hiện trên truyện tranh đã khái quát đúng tầm vóc của họ?

- Do đặc thù của thể loại truyện tranh và nhất là phục vụ đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi nên khó có thể tái hiện đầy đủ cuộc đời của một nhân vật lịch sử. Chỉ xin đưa một thí dụ, trong trận Tây Kết (1285), chính sử chép, khi các tướng thắng trận, đưa đầu Toa Đô về nộp, vua Trần Nhân Tông cởi áo ngự đắp vào đầu Toa Đô, sai quan dùng lễ mai táng cho tử tế. Làm truyện tranh cho trẻ em, khó có thể minh họa đoạn văn ấy bằng hình ảnh cụ thế. Hơn nữa do quy định về số trang, số chữ nên người viết, vẽ phải biết chọn lấy những chi tiết đắt giá, tiêu biểu nhất về cuộc đời danh nhân đó.

* Lịch sử thường “khô khan” so với huyền sử, dã sử…, anh có khai thác các yếu tố huyền thoại khi xây dựng kịch bản truyện tranh Hào khí Đông A cho thêm phần hấp dẫn với người đọc, nhất là người đọc trẻ?

- Đây cũng chính là suy nghĩ của tôi khi bắt tay vào viết Hào khí Đông A. Sau  khi đã đọc lại nhiều bộ chính sử, nhất là Đại Việt sử ký toàn thư, tôi đã suy ngẫm nhiều về vấn đề này. Có thể đó là những truyền thuyết, giai thoại, thơ văn, câu đối, lễ hội… có liên quan đến nhân vật. Nhưng dù có “hư cấu” gì đi nữa, tôi vẫn tuân thủ nghiêm ngặt theo quy tắc đã viết sử cho trẻ em phải chính xác nhất đến mức có thể.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh khi xem bộ truyện tranh Hào khí Đông A: “Bạn đọc, nhất là các bạn đọc nhỏ tuổi khi đọc bộ sách này, mong các bạn luôn đặt câu hỏi của người điều tra rằng: “Có thực khuôn mặt người xưa như thế này chăng?”, “Trang phục, hoạ tiết trên trang phục có thực như thế này chăng?”, “Chiến thuyền, chiến cụ có đúng như thế này chăng?”... Mỗi câu hỏi các bạn đặt ra là một bước đi tới sự khám phá, tìm tòi, điều tra cho lịch sử nước nhà ngày càng sáng tỏ...”.

Thanh Kiều (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm