Bài 2: Sự phản kháng của người được phê bình

30/08/2013 13:32 GMT+7 | Âm nhạc

>>> Chuyên đề: Mổ xẻ & Khai thông phê bình âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Một người đáng kính về tuổi đời, tuổi nghề, danh tiếng sự nghiệp như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mà còn bị lăng mạ khi lên tiếng phê bình. Thử hỏi một phóng viên văn hóa nghệ thuật hoặc nhà phê bình trẻ có dám dấn thân vào địa hạt này?

Đó cũng là điều cho thấy tại sao sinh hoạt âm nhạc đại chúng của Việt Nam hiện nay quá thiếu vắng những tiếng nói phê bình.

“Giết chết” phê bình từ “trứng nước”

Lẽ thường, khi tiếp nhận một bài phê bình hoặc chỉ là một nhận định ngắn ngủi có chi tiết chê mình, người được phê bình thường ít suy ngẫm tiếp thu mà lại có hành động “tự vệ”. Sự tự vệ đó thường biến sự việc thành một cuộc đấu khẩu kiểu ăn thua, kéo người phê bình vào “cuộc chiến” nhiều rắc rối và mất thời gian, có khi danh dự bị lăng nhục.

Sự tự vệ thông thường nhất đối với làng báo là gọi điện thoại tỏ thái độ phản ứng, có khi là những lời mắng nhiếc và sau đó là cắt đứt quan hệ. Một số ca sĩ có thanh thế trong thị trường âm nhạc thì áp dụng chiến dịch “cấm vận”, “cấm cửa” các phóng viên đến với các cuộc họp báo của mình, của “đệ tử”, ca sĩ thân thiết với mình… khi họ “dám” có những nhận định “chê” cách hát, CD hoặc live show của mình.


Một "đại hợp xướng" 150 người “hát nhép” từng bị TT&VH lên tiếng phê bình.

“Bài bản” hơn là viết thư phản ứng đến tòa soạn, một mặt phát ngôn trên các báo khác để cố bảo vệ mình bằng cách hạ bệ người phê bình. Người phê bình sẽ gặp nhiều phiền toái trong các cuộc đôi co, nếu là phóng viên thì phải giải trình, đối chất…

“Lịch sử” phê bình của TT&VH có đủ những sắc màu phản ứng nói trên. Có trường hợp như ông bầu của nhóm Credo gửi đơn tố cáo đến TT&VH và tòa soạn của rất nhiều báo khác để bôi nhọ “đạo đức làm báo, năng lực” của người phê bình.

Người làm công việc phê bình cũng là con người, cũng có khi họ nhận định sai, nhưng thường họ không nhận được những sự chia sẻ, lắng nghe, mà nếu sai thì đòn “hồi mã thương” mà họ nhận được có thể sẽ làm họ mất tất cả. Đây cũng là điều mà những nghệ sĩ tên tuổi, có uy tín với công chúng và có khả năng phê bình chẳng ai dám mạo hiểm xuất hiện trên mặt báo để làm thiên chức của người phê bình.

Trường hợp của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là trường hợp dũng cảm và hy hữu. Nhưng khi Đàm Vĩnh Hưng “phản pháo”, ông đã phát biểu là từ nay ông sẽ không nhận xét về người khác nữa. Điều đó cho thấy với văn hóa tiếp nhận phê bình như hiện nay (dẫu không nhiều trường hợp) nhưng nó đã “giết chết” lực lượng phê bình từ “trứng nước”.

Sự “cô đơn” của người phê bình

Chuyên đề "Mổ xẻ và Khai thông phê bình âm nhạc"

Bài 1: Mổ xẻ bài "mổ xẻ" của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

Thật đáng mừng cho nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, ông được đông đảo nghệ sĩ, cộng đồng xã hội từ mạng internet đến các báo in lên tiếng ủng hộ, động viên và phê phán hành vi của Đàm Vĩnh Hưng. Nhưng không phải ai cũng được như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Có nhiều bài phê bình, dù rất chính xác, nhưng nó cũng bị công luận “quên đi”, chỉ để lại những rắc rối của sự khiếu nại trong “cuộc đấu” tay đôi mà chủ yếu một mình người phê bình phải tự giải quyết.

Trong hai vụ hát nhép “chấn động” làng văn nghệ năm 2009 được TT&VH lên tiếng phê bình có vụ hát nhép của nhóm nhạc hát nhạc “cổ điển” có xuất thân là những sinh viên thanh nhạc ở một nhạc viện - nhóm Credo. Ông bầu nhóm nhạc này gửi đơn tố cáo, hạ bệ người phê bình đến khắp nơi. Người phê bình vô vọng trước một sự thật phũ phàng là một GS âm nhạc danh tiếng, một trưởng khoa thanh nhạc và một giảng viên thanh nhạc của nhạc viện đã chính thức xác nhận không phải hát nhép trên một tờ báo lớn. Rất may, còn một số anh em, bạn bè tâm huyết giúp đỡ về mặt kỹ thuật, cung cấp băng đĩa để người phê bình có một kết luận dựa trên khoa học âm thanh, đó là việc so sánh dao động đồ thị sóng âm để kết luận, chứ không còn cảm tính “theo tôi” như các vị nói trên đã phát biểu trên báo.

Sự việc rồi cũng đến hồi kết, một cái kết trọn vẹn cho người phê bình, những tiếng “đại bác” phản pháo im bặt, nhưng sự việc cũng rơi vào im lặng của công luận. Đó cũng là lúc mà người phê bình cảm thấy cô đơn nhất bên cạnh những đồng nghiệp ít ỏi của mình.

Chừng nào nghệ sĩ  mới ý thức được rằng, tiếng nói của những người phê bình là giúp mình nhìn thấy được những nhược điểm và việc khắc phục nhược điểm là yếu tố để mình lớn lên trong nghệ thuật. Có lẽ lúc đó những “sân si” mới lùi bước và một không khí phê bình dân chủ, văn minh mới thật sự hiện hữu.

Đón xem kỳ tiếp theo: Chân dung những “nhà phê bình mới” (bài viết của nhạc sĩ Trần Minh Phi).

Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa

Sao quốc tế "bật" nhà phê bình bằng âm nhạc

Trên thế giới, giữa ca sĩ và giới phê bình là mối quan hệ lẫn lộn yêu ghét. Bản thân các ca sĩ không phải bao giờ cũng đồng ý, thậm chí có lúc phản đối dữ dội hoặc chế giễu giới phê bình.

Các ca sĩ, nhóm nhạc quốc tế còn sáng tác hẳn những ca khúc để phản bác lại giới phê bình và báo chí. Điển hình có đại thụ làng nhạc Bob Dylan với bài Ballad Of A Thin Man hướng sự chế giễu đến một nhà báo âm nhạc của tờ Time. Rapper Jay-Z cũng “mắng” trực diện các nhà phê bình trong bài 99 Problems. M.I.A. hát I’m A Singer (Haters) để "bật" lại một bài phê bình về cô trên New York Times.

Danh sách này không hề ngắn: Toby Keith - The Critic, Of Montreal - There Is Nothing Wrong With Hating Rock Critics, Guns N’ Roses - Get In The Ring, Eminem - On Fire... Nhưng dùng âm nhạc để phản bác chỉ là một cách, các ca sĩ quốc tế cũng khá ưa chuộng kiểu đấu khẩu qua mặt báo.

Hạ Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm