04/05/2011 10:58 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Trích dẫn rất nhiều sử liệu, giai thoại để tôn vinh phái đẹp, Gái đẹp trong tôi là cuốn bút ký mới nhất của nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc vừa được NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành.
Bỏ khá nhiều thời gian, đầu tư sức đọc, sức nghĩ, sức cảm từ vô số trang sách viết về phụ nữ xưa nay để làm nên Gái đẹp trong tôi - đó là hành động rất “ga-lăng” của gã đàn ông ngoài 50 tuổi, độc thân và cô đơn Lê Minh Quốc.
TT&VH có cuộc trò chuyện với anh.
* Với bút lực sung sức như Lê Minh Quốc, thật không có gì ngạc nhiên khi anh ra sách mới. Nhưng lạ là lần này, anh lại dành hẳn một cuốn sách để viết về “gái đẹp” hay đúng hơn là về phụ nữ. Anh có thể bật mí động cơ để anh viết nó?
- Trong cuộc đời, tôi vốn là người thô vụng trong giao tế, nhất là khi muốn ngỏ lời tán tỉnh một nhan sắc nào đó. Những ngày tháng này, tôi đang yêu một người phụ nữ. Nàng xinh, nàng đẹp, nàng ngoan, nàng thánh thiện nên khiến lưỡi tôi không thể thốt nên lời. Trước nàng, tôi chỉ câm như thóc, ngậm tăm như hến.
Chẳng lẽ im lặng mãi sao? Thế là tôi quyết định viết một cuốn sách, như một cách bày tỏ tình yêu của mình dành cho nàng. Viết cho nàng nhưng thật ra cũng là dịp chiêm nghiệm về những người đàn bà đã đi qua cuộc đời mình, đã để lại những vết xước ngọt ngào, những đòn roi đau đớn, những thất vọng điên cuồng... Và khi viết trong tôi luôn hiện lên 15 năm giang hồ phiêu bạt của nàng Thúy Kiều, để lấy đó làm âm hưởng chủ đạo cho tập sách này.
* Như vậy sau nhiều năm tháng yêu, được yêu và thất tình... Lê Minh Quốc mới có được Gái đẹp trong tôi?
- Tôi cho rằng sống trên đời này, thiên anh hùng ca hay nhất của mọi thời đại vẫn là sự phấn đấu cho hạnh phúc của lứa đôi. Ai sinh ra trên đời mà không ao ước được sống với người mình yêu? Sống bằng hơi thở của người tình? Hơi thở của người tình là nguồn sống. Nhưng than ôi, khát vọng ấy không dễ. Nhìn bốn phía hư không, phía bụi bặm trần thế đều thấy những chia lìa, đổ vỡ, ly tán, tan nát... Ngoảnh lại từ Đông sang Tây, những cuộc tình đẹp nhất của nhân loại đều trùng trùng nước mắt...
Vâng, từ Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài đến Đồi thông hai mộ; từ Tristan - Iseul đến Đồi gió hú... cũng đã đầm đìa nước mắt. Đố ai tìm ra một áng văn trác tuyệt mà ở đó đôi lứa chỉ hơn hớn toe miệng ra nói cười và cầm tay nhau dung dăng dung dẻ bước trên thảm cỏ rải đầy hoa hồng thơm tho tình ái. Gái đẹp trong tôi cũng được viết trong tâm thế ấy thôi. Cái tâm thế mà trong tập Thơ tình của Quốc, có đoạn dằn vặt tôi tự hỏi chính mình: “Mỗi lần yêu là một lần suýt chết/ Tại sao tôi phải chịu đựng quá nhiều?”. Gái đẹp trong tôi cũng góp phần trả lời câu hỏi đau đáu ấy.
Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc và các nữ đồng nghiệp ở các báo, đài TP.HCM
- Tôi chọn thi hào Nguyễn Du. Trong vòng quay sinh tử một kiếp đàn bà, từ Văn tế thập loại chúng sinh đến Truyện Kiều, đã hai lần Nguyễn Du thốt lên thống thiết: “Đau đớn thay phận đàn bà”. Tiếng kêu bi thương não nùng, vang vọng suốt 2.354 câu thơ Kiều từ thời Nguyễn Du đến “tam bách dư niên hậu” vẫn còn rõ mồn một. Đầm đìa nước mắt. Tôi ngờ rằng, với các nhà thơ cổ điển Việt Nam, chỉ Nguyễn Du là người cảm thương sâu sắc nhất đến thân phận kỹ nữ, đào nương “xướng ca vô loài”... Chính thân phận nàng Kiều đã tạo thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt giúp tôi đi tìm thấy Gái đẹp trong tôi.
* Xin cảm ơn nhà thơ!
Thanh Kiều (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất