30/03/2014 11:53 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Đã viết các cuốn sách Tôi và đàn bà, Gái đẹp trong tôi và hằng hà sa số những bài báo, những câu thơ… về quan hệ đàn ông – đàn bà. Vậy nhưng với “gã thanh niên trọng tuổi” Lê Minh Quốc vẫn luôn có cảm hứng để “tám dài dài”…về đề tài này.
NXB Văn hóa Văn nghệ vừa ấn hành Khi tổ ấm nhảy Lambada của Lê Minh Quốc cùng đề tài trên. Chuyện trong sách không có gì mới, nếu không muốn nói tất thảy xưa như trái đất khi đàn ông biết ăn trái cấm và con người biết lấy lá nho che đi phần nhạy cảm trên thân thể. Nhưng cuộc đời này có gì mới dưới ánh Mặt trời? Xin thưa, không có gì mới cả, song lại rất mới thông qua góc nhìn trào lộng, hài hước của anh.
Nhà thơ Ý Nhi nhận xét: “Tôi nghĩ, nếu không có tình yêu thương, không có nỗi cảm thông, không có sự hiểu biết và những trải nghiệm sống, Lê Minh Quốc khó viết nên những trang văn nồng nhiệt, tha thiết, có khi đắm đuối như vậy, về cùng một đề tài đã được nhiều người luận bàn”.
Thật vậy, Lê Minh Quốc viết bằng trải nghiệm của hàng chục năm làm báo, đi đâu, ngồi đâu, nghe được chuyện gì hay, câu nói gì ý nghĩa anh đều ghi chép lại dù đang trong cuộc rượu say đến mờ mắt. Thói quen nghề nghiệp đó đã tạo cho anh một vốn sống và một kho tư liệu đầy đặn để “tám” đủ thứ chuyện trên đời, trong đó có chuyện gia đình.
Một lần “tám” với Lê Minh Quốc, chuyện lòng vòng sang tận Singapore. Anh hỏi tôi sao bên Singapore người ta còn duy trì hình phạt đánh roi. Tôi nhanh nhảu kể lại những gì mà mình nghe lỏm được một cách chắc chắn… như đinh đóng cột. Đại khái, thời ông Lý Quang Diệu làm Thủ tướng nước này, ông cho rằng phải đánh roi mới giữ nghiêm phép nước. Lý do hồi nhỏ ông Lý Quang Diệu rất sợ bị đánh roi nên từ đó suy ra ai cũng sợ bị đánh roi như mình.
Lê Minh Quốc nghe thế lấy bút ra ghi và hỏi lại: “Thiệt không?”. Tôi nói chắc nịch: “Thiệt mà!”. Vài ngày sau anh gọi điện cho tôi, cười cười nói: “Ba xạo nha!”. Tôi quên chuyện cũ hỏi lại: “Xạo gì?”. Quốc trả lời: “Vụ ông Lý Quang Diệu đánh roi đó. Mình đọc lại hồi ký của Lý Quang Diệu nhưng không hề thấy có chi tiết này”.
Ghê nhỉ, chỉ một thông tin trên bàn nhậu mà cũng được Lê Minh Quốc kiểm tra lại khi thấy còn hoài nghi. Do vậy, những chuyện anh viết trong cuốn sách này và nhiều cuốn sách khác thuộc loại biên khảo, ghi chép… hoàn toàn có thể tin cậy. Chẳng hạn chuyện anh viết về Hôn nhân dị chủng có nhiều rắc rối do khác biệt văn hóa khiến tôi vừa đọc vừa cười bò và tin chuyện đó hoàn toàn có thật.
Hôn nhân dị chủng kể chuyện một cô người Việt lấy chồng Tây. Mỗi khi nhắc lại hôm ra mắt nhà vợ, anh chồng Tây này lại rùng mình sợ hãi. Lê Minh Quốc kể rất khôi hài, rằng: “Lúc ấy, với tâm trạng hào hứng, đôi uyên ương đánh ô tô từ Sài Gòn về Long An. Đến nơi, sau phần lễ đúng nghi thức của người Việt, anh bước ra sân chào hỏi mọi người. Chưa kịp ngồi vào bàn tiệc, lập tức một ly rượu đế “trân trọng kính mời”. Chẳng lẽ từ chối? Vì phép lịch sự, anh nâng ly uống cạn cho phải phép xã giao. Vậy là xong? Không. Lần lượt hết người này đến người nọ luân phiên nhau mời. Anh không rành tiếng Việt. Họ không biết tiếng Anh. Từ chối thế nào cho đúng phép lịch sự? (…). Hơn nữa, hôn nhân là ngày trọng, chú rể phải say tới bến, say quắc cần câu thì mới vui (?!). Từ đó, trở về sau, mỗi lúc nghe về quê vợ là anh xây xẩm mặt mày, mùi rượu vẫn còn xộc lên óc”.
Nhiều người đã và sẽ hỏi, ông Lê Minh Quốc không vợ, không con nhưng thích viết về đời sống vợ chồng, kỳ nhỉ? Theo tôi, viết về đời sống gia đình, cũng là một cách bày tỏ ước mong của Lê Minh Quốc. Cái gì không có được, đôi khi, khiến người ta tìm hiểu sâu hơn những gì họ đã thỏa lòng.
Trần Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất