Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Cần mẫn 'đánh nhau' với nàng thơ

30/10/2013 11:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - “Kinh dị, trời ạ, chao ôi” là những thán từ biểu lộ sự ngạc nhiên, khâm phục lẫn cả “thương xót” cho một người thơ, một “tập thơ đôi” ngót nghét dày cỡ 1.000 trang mang tên Nỗi buồn tốc ký của nhà thơ Hồng Thanh Quang trong buổi ra mắt sách sáng 29/10 tại Hà Nội.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang quê gốc Hưng Yên nhưng sinh ra và lớn lên trên phố Hàng Đào, Hà Nội. Tốt nghiệp kỹ sư vô tuyến điện quân sự tại Liên Xô cũ năm 1986, hiện tại, nhà thơ Hồng Thanh Quang đang là Phó Tổng Biên tập báo Công an nhân dân - chuyên đề An ninh thế giới. Nỗi buồn tốc ký (NXB Hội Nhà văn, 10/2013) là tập thơ thứ sáu của Hồng Thanh Quang mang tính “sơ kết” trong hành trình thơ suốt 30 năm của mình.

“Rửa mặt” bằng… thơ

Nỗi buồn tốc ký 1 dày gần 400 trang, có 354 bài được lựa chọn từ 700 bài mà nhà thơ đã sáng tác trong một năm trở lại đây. Và hầu như tất cả các bài thơ ra đời đều được Hồng Thanh Quang “quẳng” lên facebook cá nhân một cách đều đặn. Có cảm giác như những bài thơ tình được anh sáng tác trực tiếp từ điện thoại: dễ, ngắn, nhanh và đầy tính ngẫu hứng.

Nhạc sĩ Phú Quang (trái), nhà thơ Hồng Thanh Quang (giữa) và nhà văn Quỳnh Trang trong buổi hợp báo 29/10 tại Hà Nội

Nỗi buồn tốc ký 2 còn dày dặn hơn, mang tính hợp tuyển gồm 433 bài thơ, viết trong quãng đời thơ của mình, bắt đầu từ bài thơ tình đầu tiên năm 1979. Khi đó anh đang còn là một cậu học trò lơ ngơ với những vần thơ lục bát rung động đầu đời trước những cô bạn gái đang độ dậy thì.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “Bài thơ nào anh cũng vắt kiệt mình mà viết, cảm xúc cứ ùa ra chảy tràn câu chữ, dù câu chữ trong thơ anh thường là ngay hàng thẳng lối của những thể thơ quen thuộc, nhưng rồi độc giả bị hút theo dòng chảy cảm xúc tâm trạng của nhà thơ tưởng hụt hơi ở bài thơ này thì anh lại cho người đọc đầy tràn bằng bài thơ khác. Cứ thế miên man, nồng nàn những cung bậc tình yêu, tình đời trong thơ Hồng Thanh Quang”.

“Mỗi ngày với tôi là một ngày lao động. Đánh dấu một ngày và “rửa mặt” bằng những bài thơ. Rồi đến ngày nhận ra, công việc chính mình đang làm, chỉ là sự thêm vào cuộc sống thơ” - Hồng Thanh Quang hóm hỉnh cho biết.

Một trí tuệ thơ sâu sắc

Với thơ, chẳng bao giờ là đủ và “tới bến”. Có lẽ giờ đây, khi đã luống tuổi, Hồng Thanh Quang đang và đã bắt những nàng thơ kiều diễm của mình đứng xếp hàng để điểm danh và cho “các em” vào một thi lộ mới, đầy cam go và thử thách: Nỗi buồn tốc ký. Chủ âm của thơ anh là tình, nhưng là những mối tình xanh, rạo rực; là buồn, nhưng là nỗi buồn tươi mới, tha thiết.

Dường như sự tương tác trực tiếp từ không gian mạng đã giúp nhà thơ Hồng Thanh Quang máu lửa hơn khi “tốc ký” giải tỏa và chia sẻ được cơn khát thơ cùng cực của mình. Như chính những câu thơ mà Hồng Thanh Quang đã tải ra, phơi bày nỗi khát thèm: “Nơi ngửa mặt nhìn giời như chó sói/ Anh tru lên mãi một tên người” (Đêm cuối cùng anh sẽ hát em nghe).

Chia sẻ về thơ Hồng Thanh Quang, NSND Lê Khanh cho biết: “Thực ra sự đến với nhau cũng có lý như sự ra đi, tan vỡ không làm phá giá đi hạnh phúc và tình yêu đã có. Và không làm phá giá những câu thơ, những giai điệu thơ. Bởi một khi đã yêu thì chúng ta trở nên vô cùng can đảm, dám dâng hiến mọi thứ mà mình đang có, miễn sao đem lại hạnh phúc cho người mình yêu. Và sự hi sinh, dâng hiến, cháy cạn mọi tận cùng cung bậc cảm xúc trong một trí tuệ thơ thâm thúy, sâu sắc, đã làm nên những vần thơ mang tên Hồng Thanh Quang”.

Không hiểu sao, nhìn vào tập thơ tính bằng kg của Hồng Thanh Quang, tôi lại nghĩ đến chuyện Khương Nhung viết trong cuốn Tôtem Sói (The Wolf Totem) rằng người Mông Cổ khi không đánh nhau với người, nên đánh nhau với thú. Lại nghĩ, ở giữa thủ đô hoa lệ, thì lấy thú đâu mà đánh nên Hồng Thanh Quang là người thường xuyên đi săn, nhưng là săn thơ và cần mẫn “đánh” nhau với nàng thơ. Thắng hay thua, điều đó có quan trọng không, khi đã tận hiến cho thơ bằng lòng thành và cả một trí tuệ thơ sâu sắc.

Nhân dịp ra mắt tập thơ Nỗi buồn tốc ký (2 tập), nhà thơ Hồng Thanh Quang và bằng hữu tổ chức đêm trình diễn thơ nhạc Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em vào lúc 20h ngày 7/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình được dẫn dắt bởi NSND Lê Khanh với sự tham gia của nhà văn Trung Trung Đỉnh, Anh Ngọc, nhạc sĩ Phú Quang, các NSƯT Quang Lý, Thanh Lam, Ngọc Khang, Nguyệt Thu và ca sĩ Tấn Minh, Hằng Nga, Phương Anh, Tuấn Hiệp, Nhật Thủy, Đàm Vĩnh Hưng.


LÃNG MA
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm