Cây đàn vàng đã ngừng ngân tiếng ...

07/05/2010 09:04 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Ông hoàng của thơ tình Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi vào sáng qua 6/5/2010, để lại một khoảng trống khó lấp đầy.

1. Tối 2/5, nhà thơ xứ Kinh Bắc mệt nặng. Gia đình cùng bè bạn vội đưa ông vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. 4 ngày sau, Hoàng Cầm vĩnh viễn ra đi. Giữa 2 mốc thời gian ấy, ông lặng lẽ không nói được gì, trước sự bùi ngùi của những bạn văn tới thăm: các nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo... và đặc biệt là nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán – người đã gắn bó với ông từ mấy chục năm qua.

Mà biết nói gì nữa? Từ chục tháng trở lại đây, nhà thơ vốn đã ở gần cõi hư không lắm rồi. Ngày nối ngày, thiêm thiếp nằm trên căn phòng chót vót tận gác tư, ông chẳng mấy khi còn đủ tỉnh táo để tiếp chuyện bạn bè. Xa hơn, từ 6 năm trước, cú ngã gãy xương đùi cũng đủ giữ nhà thơ ở lại ngôi nhà trên phố Lý Quốc Sư.


Hoàng Cầm ở “Bên kia sông Đuống”. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Lần cuối cùng, bạn văn tập hợp tại căn hộ của Hoàng Cầm là tối 25/2/2010, khi ông bước sang tuổi 89... Một ước nguyện nhỏ nhoi đêm ấy: Họ muốn có thêm một sinh nhật nữa của Hoàng Cầm vào tháng 2/2011, khi ông bước sang tuổi 90, như nét gạch cuối cùng của cái vòng tròn sinh - lão - bệnh - tử, như phút cuối của trận bóng kéo dài suốt cuộc đời.

Nhưng bây giờ, cây đàn vàng vĩnh viễn ngừng ngân tiếng ở phút 89!

2. Hai lần có cơ duyên gặp Hoàng Cầm, người viết cũng không còn cơ hội được chuyện trò với ông. Những cuộc gặp diễn ra vào đầu năm 2010, khi nhà thơ không còn gắn bó nhiều với cuộc đời thực. Câu hỏi đưa ra được đáp lại bằng sự im lặng từ khuôn mặt bình thản, nhẹ nhàng. Không nghe, không nghĩ nữa, chỉ có một lần hiếm hoi, ông lặng lẽ buông ra một câu kể lạc vần: Tết này, con Loan nó về.

Thỉnh thoảng, cụ vẫn tự nói một mình câu ấy – người nhà kể. Cho dù mấy năm nay, từ Mỹ, cô con gái Kiều Loan không thu xếp được thời gian để về với cha mình. Cái tên khiến Hoàng Cầm mong mỏi, đau đáu ấy cũng gắn trọn với ông trong suốt cuộc đời mình, như một định mệnh. Tuổi 20, viết kịch bản Kiều Loan, Hoàng Cầm đã sớm nghĩ tới những đau đớn mà lịch sử đặt lên vai con người. Để rồi, tới lượt ông cũng không tránh khỏi thực tại đau đớn, gắn với cảnh huống mà người nghệ sĩ gặp phải.

Người nhà kể: Tang lễ của nhà thơ dự kiến sẽ được Hội Nhà văn tổ chức sau 5 ngày nữa. Ngần ấy thời gian là đủ để thu xếp một buổi tiễn đưa xứng với “ông hoàng của thơ tình Việt Nam”, và cũng đủ để Kiều Loan từ Mỹ về gặp lại cha mình.

Sự ra đi của Hoàng Cầm khiến người ta bùi ngùi, như mất đi một trong những sợi dây cuối cùng nối liền chúng tai với một thế hệ nhà văn thành danh trước 1945. Người ta càng thêm buồn khi chỉ trước Hoàng Cầm một ngày, nhà văn Hoàng Công Khanh cũng vĩnh viễn ra đi ở tuổi 89...

Nhà thơ Hoàng Cầm

Tên thật: Bùi Tằng Việt. Sinh ngày 22/2/1922 tại xã Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh)

Tham gia các hoạt động cứu quốc từ năm 1944, giữ chức vụ Trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị năm 1952 và đặc trách cương vị Trưởng đoàn kịch nói Tổng cục chính trị năm 1955. Là một trong số những hội viên tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957.

Bắt đầu sáng tác thơ, kịch và truyện ngắn từ năm 1939, tuy nhiên Hoàng Cầm chủ yếu được nhắc tới trên cương vị nhà thơ. Những tác phẩm chính trong sự nghiệp sáng tác của ông gồm: Bên kia sông Đuống (thơ, 1948), Kinh Bắc (thơ, 1959), Men đá vàng (truyện thơ, 1973), Mưa Thuận Thành (thơ, 1959), Lá Diêu Bông (thơ, 1993), Đến từ hư không (thơ, 2000)...

Năm 2007, Hoàng Cầm được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT.


Minh Châu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm