25/05/2014 08:21 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi ra mắt tập thơ Vé một lượt năm 2013, Đoàn Ngọc Thu biết mình lâm trọng bệnh. Nhưng vốn “lạc quan cả những lúc tồi tệ nhất”, chị vẫn làm việc "ôm đồm hết mình", vẫn máu lửa đam mê bóng đá như xưa, với đội tuyển Đức và CLB Bayern Munich.
Tuần trước, trước ngày bay sang Singapore khám bệnh, chị tổ chức buổi tọa đàm thơ kiêm đấu giá từ thiện xây đường cho thôn “ốc đảo” Đồng Mậm ở Bắc Giang. Đúng nghĩa của từ “ôm đồm”. Số tiền đấu giá là 200 triệu, đủ làm “hơn 400 giờ máy xúc” cho con đường đưa trẻ em nghèo đến trường.
Trò chuyện với TT&VH, nhắc đến chuyện này, Đoàn Ngọc Thu rất vui, chị nói: “Tôi có làm gì mà không thành công đâu”.
Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu. Ảnh nhân vật cung cấp.
Đa mang, đa sự, đa đoan… là số phận rồi
* Cái tâm thế “vé một lượt”, hay “một đi không trở lại”, thực ra ít ai dám có. Người ta thường sợ rủi ro, thích an toàn. Từ bao giờ chị có tâm thế đó?
- Có lẽ tôi đã mua vé một lượt cho cuộc đời mình, cho cuộc tình của mình, sòng phẳng trả giá, không lậu vé, không xuống nửa đường ngay từ khi sinh ra rồi. Mà theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, ai cũng chỉ mua được “vé một lượt” thôi. Chúng ta không khứ hồi được thời gian, được tình yêu, nỗi đau…
Tôi từ bé vốn liều lĩnh, độc lập và nghịch như con trai, đã muốn thì làm đến cùng. Đi học tôi luôn bị cho vào danh sách “cá biệt”, song là một loại dị biệt vì tôi học lớt phớt nhưng luôn xếp nhóm đầu. Bởi, mỗi kỳ thi, tôi đều đặt mục tiêu phải đạt điểm cao, rồi học đêm, học ngày cho được kết quả đó. Người ta nghĩ nhà văn, nhà thơ phải hơi lơ mơ, nhưng tôi thì rất rành mạch, làm gì cũng có mục tiêu cụ thể. Nhưng Nghiệp chọn người, chứ người không chọn được Nghiệp.
* Nhà thơ Hồng Thanh Quang cũng nói chị “đa đoan”, không chỉ về tình duyên mà cả sự nghiệp. Chị có muốn nhận từ “đa đoan” về mình không?
- Tôi nghĩ mình đa mang, đa sự. Tôi hay ôm đồm công việc, ôm đồm trách nhiệm, và ôm rồi thì làm cho bằng được. Tôi rất xúc động với nhận xét của nhà phê bình Văn Giá, vì anh đã gọi đích danh cái "thằng tôi - kỹ lưỡng" chỉ qua thơ: “Thơ Đoàn Ngọc Thu khơi sâu vào bàn ngã của một người phụ nữ sống kỹ lưỡng, hết mình với chính mình, với những người xung quanh và với những nông nổi, thế sự đời thường”.
Trở lại với “tâm thế vé một lượt”, tôi vốn phiêu lưu, không ngại mất mát và lạc quan trong bất kỳ thời điểm nào dù là vô cùng tồi tệ. Tôi dường như không ngoái lại để tránh bị những ký ức không vui ám ảnh. Nhưng, nếu không quay lại thì mình cũng không biết mình đã làm tổn thương ai đó, dù là vô tình. Mình có thể đã đi qua hoặc đánh mất cái gì đó... Song đó là tính cách, mà tính cách quy định số phận. Nên đa mang, đa sự, đa đoan đã là số phận của tôi rồi.
Bìa tập thơ Vé một lượt.
Ai chịu được đàn bà đã làm thơ lại còn làm báo
* Có thể thấy sức hút của chị với những người đàn ông xung quanh. Hỏi vui nhé, chị nghĩ người đàn ông của mình có lo lắng không?
- Cái đó bạn phải hỏi anh ấy chứ? (cười) Tôi thấy mình có sức hút gì đâu. Mà ai chịu được đàn bà đã làm thơ lại còn làm báo. Nếu ai đó nhìn tôi, tôi nghĩ họ đang hoảng sợ! Nên người đàn ông của tôi, chắc chẳng lo lắng vì hẳn anh biết rằng, làm gì có ai “dũng cảm và dại dột” như anh ấy đâu?
* Dại dột thì không rõ nhưng dũng cảm chắc là giống chị. Sức khỏe của chị thế nào rồi, mà sao vẫn thức đêm xem bóng đá với độ máu lửa không hề giảm sút?
- Cảm ơn bạn, tôi phát hiện ra bệnh trước khi in Vé một lượt, nên những người bạn của tôi phản đối quyết liệt cái tên sách đó, họ sợ vận vào tôi, nhất là khi làm bản thảo cũng là lúc tôi phải phẫu thuật. Cũng có một sự “lo lắng nhẹ” nhưng vì tôi “ác lắm, nên sẽ sống dai”, bạn bè bảo thế... (cười).
Còn bóng đá, nó là một phần của cuộc đời. Từng có lúc lớn hơn cả đam mê, mà là sự cứu rỗi. Tôi yêu bóng đá như yêu một người đàn ông, đầu tiên như là cha, anh, rồi như người tình trong mộng, kế đó là những đứa em, và bây giờ, nó là một trong “bầy gấu con của tôi” không thể tách rời.
Nhà thơ, nhà báo Đoàn Ngọc Thu, Phó Tổng biên tập báo điện tử Vietnamplus, là người thích hoạt động cộng đồng. Với chị, mục tiêu lớn hiện nay vẫn là con đường ở Đồng Mậm. “Đường dài khoảng 16km, cần khoảng 1 tỷ đồng. Bà con góp nhau thuê máy ủi, nợ trả đến mùa lúa, nhưng cũng chỉ được rất ít. Con đường hiện được hơn 10km rồi, chúng tôi đang kêu gọi tiếp”. |
Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất