05/07/2011 10:40 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Như một dạng hồi ký, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc vừa được NXB Hội Nhà văn và Phương Nam book ấn hành Nhớ đến một người. Ở tuổi 70, lại vừa mổ mắt, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc không thể đọc được chữ. Nhưng qua Nhớ đến một người của ông, bạn đọc sẽ biết thêm “sức khỏe” nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng.
Đọc Nhớ đến một người, người ta sẽ nhớ đến nhiều người: Võ Hồng, Nguyễn Bắc Sơn, Cao Huy Thuần, Trần Văn Khê, Dương Cẩm Chương, Trương Thìn, Nguyễn Khắc Viện, Việt Linh... Mỗi người một gương mặt, một cá tính, một tài năng không thể dễ xóa nhòa.
Từ mơ ước của học giả Nguyễn Hiến Lê
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Nhớ đến một người mở đầu bằng những ghi chép về học giả Nguyễn Hiến Lê bằng hai bài viết. Mối thâm tình giữa Đỗ Hồng Ngọc và Nguyễn Hiến Lê đã cung cấp cho người đọc nhiều thông tin thú vị. Đỗ Hồng Ngọc thống kê rằng học giả Nguyễn Hiến Lê đã để lại cho đời khoảng 120 tác phẩm có giá trị trong suốt 40 năm ông âm thầm làm việc, như vậy mỗi năm vị học giả này đã xuất bản đến 3 tác phẩm - một sức viết đáng kính nể.
Theo Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Hiến Lê sinh trưởng và học hành tại Hà Nội, ông vào Nam khi còn rất trẻ.
Sau ngày đất nước thống nhất, Nguyễn Hiến Lê mong ước có một chuyến xuyên Việt để tìm lại các dấu tích của thời trẻ trên đất Bắc. Nhưng mộng ước đó đã tan thành mây khói, do tuổi cao sức yếu, Nguyễn Hiến Lê qua đời tại Long Xuyên quê hương thứ hai của ông năm 1984. Mười năm trước đó, trong một bức thư ghi ngày 30/1/1974 gửi Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Hiến Lê viết: “A, bao giờ Saigon mới được nối với Hà Nội bằng xe lửa đây? Lúc đó tôi sẽ bỏ hết công việc, nhờ cháu khám tổng quát cho bộ máy của tôi, rồi lên xe lửa thăm non sông Nam, Trung, Bắc một lần cuối cùng. Sẽ uống nước dừa Tam Quan, ăn cam Xã Đoài, rồi ăn nhãn Hưng Yên, hồng Bạch Hạc, cốm Vòng... Thèm không cháu?”.
Cái mơ ước của người Hà Nội Nguyễn Hiến Lê giản dị là vậy nhưng mãi mãi không thành. Năm 1979, ông được mời đi dự hội nghị “Giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt” tại Hà Nội, nhưng ông không đi được vì bệnh và không còn dịp nào nữa. Dù không tin lắm vào chuyện số mạng, nhưng hình như, số ly hương đã vận vào Nguyễn Hiến Lê từ thời trẻ đến lúc qua đời, “đã ra đi là mãi mãi...”.
Đến sức khỏe của Trịnh Công Sơn, Trang Thế Hy
Như lời một bài hát của Trịnh Công Sơn: “Nhớ đến một người/Để nhớ mọi người...”. Đỗ Hồng Ngọc từ nhớ Nguyễn Hiến Lê đã nối tiếp nỗi nhớ đến nhiều người khác nữa. Đỗ Hồng Ngọc nhớ người qua tính tình, lối sống và qua tác phẩm của họ. Đặc biệt là, nỗi nhớ của Đỗ Hồng Ngọc với những con người thân quen với ông, đều có chút “bệnh nghề nghiệp” của một thầy thuốc.
Nhớ đến Trịnh Công Sơn trong một lần nhạc sĩ cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy năm 1997: “Một cái xác ve xẹp lép, nhẹ tênh trên tấm drap trắng với nồng nặc mùi nhà thương... Ôi, biết bao ca khúc say đắm thẫn thờ là từ cái xác ve xẹp lép này đó sao?”. Trịnh Công Sơn bệnh nặng, ốm o gầy mòn đến độ, cô y tá hằng ngày chích thuốc không thể nhận ra vị nhạc sĩ tài hoa mà mình yêu mến cho đến khi Đỗ Hồng Ngọc tiết lộ.
Ông nhớ đến “người hiền Nam bộ” Trang Thế Hy trong một lần gặp gỡ và không quên nhớ cái cách hút thuốc ấn tượng của nhà văn, dù Đỗ Hồng Ngọc không ưa thuốc lá, uống rượu. Ấy vậy mà chính bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc từng bị tai biến phải vô bệnh viện cấp cứu. Còn nhà văn Trang Thế Hy hút thuốc kiểu “chắp điếu cày”, nhưng ngày Đỗ Hồng Ngọc đến thăm ông vào cuối năm 2009, nhà văn “người hiền Nam bộ” đã gần 90 tuổi vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Xem ra, sức khỏe mỗi người đều do “trời cho”, khó qua khỏi “định mệnh”.
Và một người thơ “điên thứ thiệt”
Xúc động khi đọc nỗi nhớ của Đỗ Hồng Ngọc về nhà thơ “điên thứ thiệt” có cái tên lạ: “Nguiễn Ngu Í” (tức Ngu Í Nguyễn Hữu Ngư). Ông là cậu Đỗ Hồng Ngọc, người từng “khai tâm” vị bác sĩ, nhà thơ tương lai trên con đường học vấn.
Nguiễn Ngu Í bị bệnh tâm thần, mà lúc nhỏ, Đỗ Hồng Ngọc cho rằng vì ông học quá nhiều nên bị điên theo cách được người nhà và dân làng kính trọng. Nguiễn Ngu Í từng chủ biên tập thơ “điên thứ thiệt” để phản đối những người giả điên một thời.
Thanh Kiều
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất