(TT&VH) - Tham dự kỳ họp Quốc hội với tư cách đại biểu, đồng thời còn túi bụi với trăm công nghìn việc khác, nhưng nhà sử học Dương Trung Quốc vẫn không bỏ sót bất kỳ một trận đấu nào từ khi khai mạc World Cup 2010…
Ông cho biết:- Không chỉ xem World Cup, ngày thường tôi vẫn cố gắng theo dõi tất cả các trận bóng được phát trên truyền hình, cho dù đó là các giải vô địch châu Âu, giải V- League hay Champion League. Trước đây, tôi còn cái thú lên các sân Hàng Đẫy hay Mỹ Đình để xem trực tiếp nữa. Nhưng bây giờ, do tuổi tác và công việc, những lần ra sân bớt đi dần... * Vậy, điều gì khiến ông thấy hấp dẫn ở môn thể thao vua này? - Có nhiều lắm: Tinh thần đồng đội, trí thông minh, khát vọng chiến thắng... Nhưng trên hết, tôi tin rằng không một môn thể thao nào quy tụ và thể hiện đủ bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc như bóng đá, cả ở lối chơi của cầu thủ lẫn phong cách hưởng ứng của các cổ động viên. Năm 2008 vừa qua, tôi cũng là một trong những người khởi xướng việc đề nghị VFF tổ chức các hoạt động nhằm kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của bóng đá Việt Nam. Bởi, các sử liệu ghi lại, thì bóng đá có mặt lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1908. * Ngày thường, ông là fan của đội nào?
- Ở cấp CLB, tôi thích nhất M.U và Barca. Ở cấp đội tuyển, giống như những người cùng độ tuổi, tôi yêu quý bóng đá Liên Xô và sau đó bóng đá Nga trong mọi giải đấu quốc tế. Đến giờ, tôi vẫn nhớ mãi cảm giác ngồi nghe tường thuật các trận đấu của đội tuyển Liên Xô qua sóng phát thanh trong những năm 1970. World Cup năm nay, sự vắng mặt của đội tuyển Nga là một điều khiến tôi tiếc nuối. Nhưng cũng phải nói thật, gần đây họ yếu đi nhiều. Đặc biệt, Nga chưa bao giờ có được một thủ môn cỡ như Rinat Dasaev, cầu thủ mà tôi mê nhất trong đội tuyển Liên Xô cũ. * Bận rộn với kỳ họp Quốc hội, ông thu xếp thời gian để xem World Cup 2010 như thế nào?
- Quả thật, dịp này tôi khá bận nhưng vẫn dành thời gian để xem đủ các trận. Muốn vậy chỉ có cách duy nhất là... ngủ ít đi thôi (cười). Nhưng từ vài năm nay, do đặc trưng của công việc, tôi vốn đã quen với việc ngủ rất ít, chỉ vài tiếng mỗi ngày. Nói thêm một chút cho vui, trước đây vào mùa World Cup, tôi thường xuyên rời nhà, đi “tá túc” ở nhà anh em bạn bè để cùng thưởng thức các trận đấu. Tất nhiên, trước những chuyến đi ấy, tôi phải xin phép bà xã (cười). Bây giờ, do thời gian hạn hẹp, tôi thường xem một mình trong nhà. Ngoài một chiếc tivi trong phòng làm việc, tôi vừa lắp thêm một chiếc nữa. Sắp tới, trong những trận đá song song của lượt cuối vòng bảng, tôi sẽ xem cả 2 trận một lúc để cập nhật kết quả (cười). *Một chút cảm nhận của ông về những trận đấu từ đầu giải tới giờ? - Tôi rất ấn tượng với những gì mà ba đội bóng châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên thể hiện, kể cả 2 trận thua của họ. Có cảm giác, với ý chí và tinh thần dân tộc cực cao, ba đội bóng này đã biết cách tự khỏa lấp những khoảng trống trong kinh nghiệm và trình độ của mình. Đó là một điều khiến bóng đá Việt Nam cần suy nghĩ đấy... * Điều gì khiến ông không thích tại World Cup năm nay?
- Hình như, sự thực dụng đang giết chết bóng đá đẹp. Rất nhiều đội áp dụng lối chơi thực dụng tại giải này, kể cả những đội vốn có truyền thống tôn sùng lối đá tấn công như Brazil và Hà Lan. Có thể đó là xu hướng chung của bóng đá, nhưng tôi vẫn không vui nếu vào một ngày nào đó, tất cả các đội đều quy về một lối đá chặt chẽ, khô cứng giống nhau. * Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Cúc Đường (Thực hiện)