Câu chuyện đi tìm bản in đầu tiên tập thơ "Gái Quê"

18/09/2012 16:08 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Có một việc liên quan đến số phận tập thơ Gái Quê của Hàn Mặc Tử (22/9/1912 - 11/11/1940), ấy là cho đến nay hầu như vẫn chưa tìm lại được bản in lần đầu của tác phẩm này…

Đương nhiên, không ai nghi ngờ tập sách ấy đã từng được in ra, và không ít bạn đọc, không ít nhà văn nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà giáo ở Hà Nội,  Huế,  Sài Gòn… vào những năm từ thập niên 1940 đến nay đã từng nhìn thấy, thậm chí từng sở hữu tập sách mỏng đó. Nhưng đến đầu những năm 1990 thì rõ ra là rất khó tìm ra tập sách cũ ấy.

Gái quê xuất bản năm 1992

Năm 1992, chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 60 năm nảy sinh phong trào Thơ mới, chúng tôi ở NXB Hội Nhà văn, phối hợp với Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM. quyết định thực hiện bộ sách Phong trào Thơ mới. Những tập thơ tiêu biểu. Tôi (Lại Nguyên Ân) và nhà thơ Ý Nhi, người ở phía Bắc, người ở phía Nam, được giao việc sưu tầm tài liệu, tổ chức biên soạn. Dự án này chọn 12 tập thơ của 11 tác giả: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyễn Bính, Anh Thơ, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Huy Thông - mỗi người một tập, riêng Xuân Diệu 2 tập (Thơ thơ Gửi hương cho gió); các tập thơ này sẽ in như những tập sách riêng, nhưng đóng chung vào một hộp giấy, như một bộ ấn phẩm quý.

Về “tác phẩm tiêu biểu” cho từng nhà thơ mới và cho cả phong trào, nhìn chung khi thực hiện, chúng tôi đã chọn đúng được tập thơ như dự định, ví dụ Lửa thiêng (Huy Cận), Điêu tàn (Chế Lan Viên) v.v… nhưng cũng có trường hợp buộc phải thay đổi do không tìm được tài liệu, chẳng hạn, do không tìm được toàn văn tập Tiếng địch sông Ô nên đã phải sử dụng tập Tiếng sóng. Yêu đương (Huy Thông), hoặc cũng đã phải châm chước dụng ý chọn “tác phẩm đầu tiên” để chọn “tác phẩm tiêu biểu”, ví dụ đã bỏ qua Mấy vần thơ, tập cũ, để chọn Mấy vần thơ, tập mới (Thế Lữ) hoặc vì không tìm được nguyên văn Tâm hồn tôi nên đã chọn Lỡ bước sang ngang (Nguyễn Bính).

Với tập Gái quê, chúng tôi gặp trở lực thật sự.

Bút tích bản chép tay Gái Quê của nhà văn Chế Lan Viên khi làm Tuyển tập Hàn Mặc Tử, NXB Văn học, 1987

Các thư viện lớn nhất như Thư viện Quốc gia ở Hà Nội, Thư viện Tổng hợp và Thư viện Khoa học xã hội TP.HCM đều không có tập Gái quê. Ý Nhi viết thư nhờ hỏi những người gần gũi tác giả, thì những hồi âm từ ông Nguyễn Bá Tín (em ruột Hàn Mặc Tử), nhà thơ Quách Tấn (bạn thân Hàn Mặc Tử), nhà thơ Mai Đình - đều trả lời không có đủ toàn văn Gái quê, dù ở dạng sách in hay bản thảo; đăng lời tìm kiếm tập thơ lên báo Sài Gòn Giải phóng (12/10/1992) cũng không thấy hồi âm nào. Sau cùng, Ý Nhi được nguồn tin của nữ sĩ Mộng Tuyết cho biết: hồi nhà thơ Chế Lan Viên soạn Tuyển tập thơ Hàn Mặc Tử (1987), ông đã chép tay tập Gái quê mượn ở tủ sách riêng của ông Nguyễn Văn Y. Năm ấy, 1992, cả hai người - Chế Lan Viên và Nguyễn Văn Y - đều đã mất; người nhà ông Y hứa tìm trong tủ sách gia đình, nhưng rốt cuộc từ nguồn này không có hồi âm gì. Ý Nhi tìm tới gia đình nhà thơ Chế Lan Viên và được vợ nhà thơ là nhà văn Vũ Thị Thường cung cấp bản chép tay kể trên.

Tập Gái quê ở dạng chép tay của Chế Lan Viên không có bài tựa của Phạm Văn Ký (như báo chí đương thời nói về ấn bản này), tổng số thơ trong tập được chép lại gồm 21 bài; không rõ đó có phải là tất cả số bài trong bản in?, lại cũng không biết có hay không sự sửa chữa, ít nhất là sửa lỗi in, của người chép, bởi … không ai có bản in Gái quê  lần đầu ngõ hầu đối chiếu!

Bộ sách Phong trào Thơ mới. Những tập thơ tiêu biểu do NXB Hội nhà văn và Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM thực hiện hồi năm 1992, cho đến nay cũng đã là một ấn phẩm vào loại hiếm. Nhưng từ ấy đến nay, nói riêng, chuyện tìm kiếm bản in Gái quê lần đầu vẫn quá ít tin tức lạc quan.

Vẫn chưa tìm thấy bản in đầu tiên của Gái quê

Từ đầu năm 2012 này, qua những thư từ trong giới nghiên cứu, tôi được biết nhà phê bình Đặng Tiến - hiện ở Pháp - đang dò theo một manh mối ít nhiều khả thủ. Ông Đặng Tiến được biết bà Hoàng Thị Quỳnh Hoa, người gốc Huế, hiện ở bang Maryland, Hoa Kỳ, là cháu (gọi bằng cô) bà Hoàng Thị Kim Cúc, người đã được chính Hàn Mặc Tử tặng một tập Gái quê. Bà Quỳnh Hoa hiện còn giữ được một bản sao lại bản đánh máy năm 1969 do một người tên là Trần Như Uyên thực hiện; bản của Trần Như Uyên, trên thực tế cũng được sao lại từ bản đánh máy của nhà thơ Phan Văn Dật ở Huế.


Chính bản sao ở tầng thứ ba trong một quy trình sao lưu bằng máy đánh chữ kể trên, tập Gái quê sẽ được tái xuất hiện trước công chúng trong một ấn bản do Cty Phương Nam và NXB Hội Nhà văn cho ra mắt tháng 9/2012 này, nhân kỷ niệm 100 năm sinh Hàn Mặc Tử, cũng là dịp kỷ niệm 80 năm Phong trào Thơ mới (1932-1945).

Được biết, tập Gái quê ở dạng bản sao tái xuất hiện lần này sẽ gồm 34 bài. Tức là nhiều hơn đến 1/2 so với dung lượng tập Gái quê do Chế Lan Viên sao lại bằng chép tay năm 1987.

Nhưng con đường đi tìm lại bản in lần đầu tập thơ Gái quê chưa thể kết thúc, với ấn bản mới lần này. Bởi vẫn chưa tìm thấy tận mặt tận nơi một tập Gái quê  do nhà sách Tân Dân in lần đầu tại Hà Nội, sách do tác giả Hàn Mặc Tử tự xuất bản, bản in hoàn thành khoảng cuối tháng 10/1936.

Gái quê trên văn đàn thập niên 1930

Nhân niềm vui nho nhỏ lần này của cộng đồng văn chương Việt, tôi xin góp một tài liệu mới tìm được, ghi nhận sự xuất hiện tập Gái quê giữa làng thơ Việt đương thời. Ấy là một đoạn trong một bài điểm sách báo mới của tuần san Hà Nội báo, tòa soạn ở 88 phố Huế, Hà Nội, số ra ngày 11/11/1936, ký tên tòa soạn nhưng thường là do chủ bút Lê Tràng Kiều thực hiện.

Bài điểm sách của Hà Nội báo viết:

“Gái quê là một tập thơ của ông Hàn Mặc Tử, phần nhiều tả những cảnh sắc nhà quê, cây tre, khóm lau, bờ cỏ, hay những tình, những phút yêu, mong, nhớ những cô gái quê. Nó có một cái phong vị, một cái “mùi” quê, nghĩa là một cái phong vị mộc mạc, ngây thơ và thi vị.

Tuy cả tập Gái quê không phải bài nào cũng hay ngang với bài nào, và có nhiều bài dở nữa, nhưng nhiều bài tỏ ra rằng tác giả quả có một tâm hồn đa cảm, nồng nàn của một thi nhân, và vì thế còn ở trên nhiều những ông thợ thơ khác nhiều. Tôi nói hẳn ngay: tác giả là một thi sĩ.”

Trích in toàn bài Tình quê là bài mà mình thích nhất trong tập Gái quê, người điểm sách của Hà Nội Báo bảo rằng: “Đọc lên người ta nghe như tiếng gió rạt rào trong khóm tre một buổi chiều hôm, tiếng nghe văng vẳng buồn, một cái buồn nhè nhẹ. Bài ấy có cái âm điệu như bài Tiếng Thu của ông Lưu Trọng Lư, và có lẽ đã chịu ảnh hưởng của ông Lư. Người ta còn thấy tác giả chịu ảnh hưởng của ông Thế Lữ nữa”.

Người điểm sách của Hà Nội báo còn khen tác giả Gái quê dùng được những “phẩm từ” (tính từ chỉ phẩm chất) rất ý nhị, như cặp má thì đỏ au au, nói “vẻ” thì đó là vẻ ngọt ngào, vẻ ngon v.v…

Đây là bài điểm nhiều sách báo mới khác nhau, nhưng người điểm sách dừng lại lâu hơn, nhiều hơn hết ở tập Gái quê vừa ra mắt mà đương nhiên ông cũng chỉ vừa đọc qua. Dẫu thấy ở tập thơ đầu tay của nhà thơ trẻ này đôi khi còn sa vào cầu kỳ, đẽo gọt v.v… nhưng người điểm sách của Hà Nội báo (mà tôi tin chắc là Lê Tràng Kiều) khẳng định: “Dầu thế nào, tập Gái quê cũng có thể kể là một tập thơ hay!”.

Lời khẳng định ngay lúc tập thơ Gái quê vừa ra mắt ấy, cho thấy nó đã lọt vào cặp mắt xanh của một nhà phê bình.

Lại Nguyên Ân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm