04/10/2023 11:00 GMT+7 | Văn hoá
Cuốn Lịch sử sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam vừa phát hành của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp là một bổ sung thú vị cho 2 bộ môn còn ít sách nghiên cứu. Cuốn sách này như là một tiếp nối cuốn Nghệ thuật sân khấu: Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương ở Sài Gòn và Nam kỳ cuối thế kỷ 19 đến 1945 mà Nguyễn Đức Hiệp đã công bố.
Nguyễn Đức Hiệp được trao Giải thưởng Sách quốc gia năm 2018 với tác phẩm Sài Gòn - Chợ Lớn: Ký ức đô thị và con người. Anh dành cho báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) cuộc trò chuyện về tác phẩm mới của mình.
* Cuốn này có thể tách thành 2 cuốn, vì sao anh muốn nhập thành 1? Phải chăng có quan hệ hữu cơ nào đó giữa sân khấu kịch và điện ảnh?
- Đúng vậy, kịch nghệ và điện ảnh có quan hệ mật thiết. Rất nhiều tài tử điện ảnh xuất thân từ sân khấu kịch (và cải lương nữa). Đây không phải là đặc điểm chỉ có ở Việt Nam, mà điều này thật ra có ở nhiều nước khác. Sân khấu kịch là môi trường để các diễn viên chuyên nghiệp hoặc mới bắt đầu khởi nghiệp dễ dàng đi đến điện ảnh.
Trong những thập niên trước, các đạo diễn, nhà sản xuất phim thường chọn diễn viên qua sự tiếng tăm của họ từ sân khấu kịch, từ truyền hình, từ ca nhạc. Họ chọn không những qua tài năng, mà còn qua phương diện tiếp thị và đạt doanh thu. Từ sân khấu đến truyền hình và màn ảnh chỉ khác nhau về số lượng khán giả, không gian và thời gian phổ biến.
Các nghệ sĩ sân khấu cải lương và kịch như Kim Chung, Kim Xuân, Ái Liên, Thanh Nga, Kim Cương, Bạch Tuyết, La Thoại Tân, Trần Quang, Hùng Cường… cũng đóng phim như các diễn viên màn ảnh được đào tạo chuyên môn, hoặc được biết trên màn ảnh như Trà Giang, Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng... Như cuốn phim Kiếp hoa quay ở miền Bắc trước năm 1954, đã đạt được kỷ lục về số lượng người xem và doanh thu trên toàn Đông Dương, là do các diễn viên nổi tiếng từ sân khấu cải lương của đoàn Kim Chung. Hoặc trong phim Mưa rừng (1962) ở miền Nam với các tài tử hầu hết là từ sân khấu kịch và cải lương (Kim Cương, Kiều Chinh, Hoàng Vĩnh Lộc, Xuân Phát, Năm Châu, Lê Quỳnh, Ngọc Phu…). Trong đó Kim Cương đóng vai chính K'Lai, là một cô gái dân tộc ở Tây Nguyên.
Và ta cũng biết ở nước ngoài các diễn viên điện ảnh nổi tiếng như Richard Burton, Laurence Olivier, Marlo Brando, Meryl Streep, Geofrey Rush, Hugh Jackman, Cate Blanchett, Mel Gibson, Bryant Brown… cũng là các diễn viên trên sân khấu kịch.
Rất nhiều nghệ sĩ sân khấu đóng phim đã trở thành minh tinh màn bạc. Điều này cho ta thấy liên hệ hữu cơ giữa sân khấu và điện ảnh. Nên đó là lý do lịch sử sân khấu kịch (và cải lương) và điện ảnh được viết chung trong quyển sách này.
Còn lịch sử sân khấu hát bội và cải lương đã được trình bày trong cuốn sách trước đây. Cũng không quên là các nhạc sĩ và ca sĩ cũng có đóng góp trong phim qua các bài hát nhạc nền chính cho các phim. Các diễn viên sân khấu kịch thành công trên điện ảnh hơn các ca sĩ của sân khấu tân nhạc.
"Ngày nay các sân khấu truyền thống như hát bội, chèo, kịch, cải lương… đều có nguy cơ biến mất, trong khi điện ảnh vẫn phổ biến và phát triển thích ứng trong thời đại toàn cầu hóa" - tác giả Nguyễn Đức Hiệp.
* Khi biên soạn sách này, giữa lịch đại và đồng đại của vấn đề, anh gặp khó khăn nào hơn?
- Khi viết về lịch sử, lịch đại theo thứ tự dòng thời gian thì không vấn đề, nhưng vấn đề đồng đại theo chiều kích không gian của thực tế phát triển thì khó hơn nhiều, vì đòi hỏi sự hiểu biết đa ngành, không những về phương diện lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa, mà còn là tư duy, triết lý, thẩm mỹ... Sự phát triển kỹ nghệ điện ảnh ở cả 2 miền Bắc và Nam từ năm 1954 đến 1975 được trình bày song song.
Ở miền Nam, điện ảnh chủ yếu là do các hãng phim tư nhân sản xuất với phong thái cá nhân của từng đạo diễn và đa dạng trong nội dung, từ tình yêu, cuộc sống đô thị, cho đến không khí thời chiến, các phim hài giải trí…, thường thành công về thương mại. Ở miền Bắc, điện ảnh do các hãng phim Nhà nước sản xuất, với chủ đề chung quanh xây dựng xã hội, con người và cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. Hiện thực xã hội chủ nghĩa là đề tài chủ đạo, cũng giống như các nước Đông Âu thời bấy giờ, có thể thấy qua các liên hoan phim hàng năm.
Ở miền Nam cũng có Ngày Điện ảnh hàng năm, từ đầu thập niên 1970, trong đó có sự tham dự của các nước Đông Nam Á… Kỹ nghệ phim Việt Nam lúc này đã tiếp cận và hợp tác cùng sản xuất các phim trong khu vực và châu Á. Một bước khởi đầu để quốc tế hóa sinh hoạt điện ảnh.
Tôi biết rằng cuốn sách vẫn còn có nhiều thiếu sót, vì chưa thể nghiên cứu sâu hơn. Nhưng cũng phải cân bằng, vì không thể đi quá sâu vào chuyên môn lịch sử, hàn lâm, vì mục đích chính là phổ biến đến đại chúng. Hy vọng sẽ có những đóng góp sâu xa hơn từ các nhà nghiên cứu và độc giả, vì vẫn còn các giai đoạn chưa được khai thác, nhất là điện ảnh ở miền Bắc trong thời kỳ 1954 - 1975.
* Nguồn dữ liệu mà anh khai thác để viết, chủ yếu đến từ đâu?
- Chủ yếu từ báo và tạp chí - ví dụ tạp chí Bách khoa - ở trong các thư viện tại Việt Nam và nước ngoài, từ các tư liệu sưu tập của tư nhân mà tôi quen biết. Hai nhà sưu tập trẻ Thùy Trang và Vũ Hà Tuệ đã cung cấp nhiều tư liệu điện ảnh ở miền Nam.
* Qua lịch sử cả thế kỷ như vậy, nếu tóm lại vài đặc điểm thật ngắn gọn, anh thấy sân khấu hoặc điện ảnh Việt Nam có gì đáng chú ý?
- Sân khấu kịch (và cải lương) Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn khủng hoảng, khác với thời vàng son của các thập niên 1930, 1940, 1950, 1960 và 1970. Sự sống còn rất mong manh.
Mặc dầu sân khấu kịch và cải lương không còn phát triển như trước, tuy nhiên điện ảnh Việt Nam lại khởi sắc trong các năm gần đây, với nhiều phim gây chú ý trong nền điện ảnh thế giới và nhiều phim được đông đảo người xem trong nước đón nhận.
Nhìn tổng quan, thì từ thập niên 1990 cho đến 2010 là một sự nhảy vọt của điện ảnh Việt Nam, với nhiều đạo diễn thế hệ mới trong và ngoài nước, với các phim nhân văn, nghệ thuật và cả thị trường, giải trí. Đây là những bước khởi đầu cho một tương lai tốt đẹp của nền điện ảnh Việt Nam đã có chặng đường cả trăm năm.
* Theo anh, tại sao tuổi đời của điện ảnh Việt Nam còn lớn hơn vài bộ môn sân khấu, ví dụ kịch nghệ và cải lương, nhưng tại sao điện ảnh thường ít được gắn với truyền thống?
- Có lẽ do cải lương xuất phát từ hát bội và đờn ca tài tử, nên cốt lõi vẫn là "truyền thống", mặc dầu có bổ sung thêm phong cách kịch nói Tây phương về cách dàn dựng, đối thoại và thêm vào tân nhạc kèm với vọng cổ. Cải lương vẫn là đặc hữu của văn hóa Việt Nam mà không nước nào có. Sân khấu kịch nói (thoại kịch) thì hoàn toàn ảnh hưởng của kịch Tây phương, thay thế phần lớn sân khấu hát chèo truyền thống. Khi người ta nói truyền thống kịch, tôi nghĩ là đằng sau đó là truyền thống hát diễn đạt trong sân khấu chèo.
Đúng là điện ảnh tuổi đời cũng không kém sân khấu thoại kịch (kịch), nhưng trước đó thì ta không có kỹ thuật điện ảnh, mà khởi nguồn là từ kỹ thuật máy ảnh và chiếu phim được phát minh ở Pháp và phương Tây. Điện ảnh không phải là sản phẩm văn hóa đặc hữu ở Việt Nam, vì nước nào cũng có. Thế nhưng, lịch sử điện ảnh Việt Nam có một câu chuyện riêng biệt, có đậm nét phong cách con người, tình cảnh xã hội và văn hóa Việt Nam.
* Cảm ơn anh rất nhiều!
Từ chuyên gia quan trắc môi trường
Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp sinh trưởng ở Sài Gòn, sang Australia du học năm 1974. Tốt nghiệp cử nhân ngành điện năm 1978 tại Đại học Tây Australia và tiến sĩ năm 1987 tại Đại học Sydney. Anh là kỹ sư phần mềm cho các công ty. Về sau, anh làm việc cho Sở Bảo vệ môi trường và Bảo vệ di sản của bang New South Wales, là chuyên gia quan trắc môi trường và nghiên cứu tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng.
Ở lĩnh vực khoa học xã hội, anh đã xuất bản các sách về di sản, xã hội, kinh tế và lịch sử vùng Sài Gòn - Chợ Lớn và Nam bộ trong các năm gần đây. Trong đó có các sách như Sài Gòn - Chợ Lớn: Ký ức đô thị và con người, Lịch sử công nghiệp và doanh nghiệp ở Sài Gòn và Nam kỳ từ giữa thế kỷ 19 đến năm 1945, Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay (cùng viết với Tim Doling và Võ Chi Mai)…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất