Nhà sử học Dương Trung Quốc: 'Đừng liên tưởng rung chuông để thay bắn pháo hoa'

04/01/2017 17:03 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Đề xuất của Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội về việc rung chuông đón giao thừa tại các cơ sở tôn giáo – tín ngưỡng đang được dư luận quan tâm, đặc biệt là ở thời điểm Hà Nội cũng quyết định không bắn pháo hoa trong sự kiện này.

Trước đó, chia sẻ với báo giới, ông Tô Văn Động (Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội) đã cho biết: theo chủ trương chung, vì cái Tết của người nghèo, Hà Nội sẽ không bắn pháo hoa đêm Giao thừa dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Ngoài ra, cơ quan quản lý này sẽ đề nghị các nhà thờ, đình, đền, chùa rung chuông cùng lúc vào thời điểm giao thừa, để tạo ra sự cộng hưởng trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.


Chuông chùa sẽ được thỉnh lên tại đêm giao thừa 2017 tới đây?

"Năm nay, Hà Nội ngừng bắn pháo hoa, đồng thời lại lần đầu tiên đề xuất rung chuông vào dịp Giao thừa. Điều này dễ dẫn tới cách nhìn nhận rằng chúng ta tổ chức rung chuông để thay thế cho pháo hoa"- Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc, chia sẻ với Thể thao &Văn hóa (TTXVN). "Cách liên tưởng như vậy là không đúng vì bản chất 2 câu chuyện khác hẳn nhau. Chúng ta dừng pháo hoa vì những điều kiện đặc thù của năm nay, và hoàn toàn có thể tổ chức lại trong những năm tới nếu phù hợp".

Theo ý kiến của Nhà sử học, việc đề nghị các cơ sở tôn giáo, tâm linh cùng rung chuông vào giao thừa là một ý tưởng chấp nhận được, thậm chí là khá tích cực. Bởi, cách làm này phù hợp với thông điệp trang trọng báo hiệu một năm mới bắt đầu, đồng thời ít nhiều có tính chất tượng trưng cho việc cầu mong những điều tốt lành đến với cộng đồng.

"Nhiều gia đình, trong đó có gia đình tôi, cũng thắp hương và thỉnh chuông trong lễ cúng giao thừa để mời Tổ tiên về chứng giám" – ông Quốc nói. "Tôi mong chúng ta cùng nhìn câu chuyện rung chuông trong lễ giao thừa sắp tới theo cách nhẹ nhàng như vậy, chứ đừng đẩy những tranh cãi đi quá xa".

Tuy nhiên, theo ông Quốc, đề xuất của Sở VH&TT Hà Nội mang tính gợi ý, chứ không phải là văn bản yêu cầu về mặt hành chính. Do vậy, việc thực thi vào đêm giao thừa sắp tới vẫn phải do các cơ sở tôn giáo – tâm linh quyết định.

"Chắc chắn, đây không thể là câu chuyện thực thi theo kiểu hành chính hóa. Tôi nghĩ, cơ quan quản lý đã lấy ý kiến của đại diện Phật giáo, Giáo hội Thiên chúa tại Hà Nội và có sự đồng thuận nên mới thông báo như vậy" – ông Quốc nói. "Lẽ ra, nếu bản thân các cơ sở tôn giáo - tâm linh thấy điều này là tích cực, và phù hợp với giáo lý thì ngành quản lý cũng nên thông báo cho cộng đồng cùng hiểu rõ".

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm