23/01/2024 11:38 GMT+7 | Văn hoá
Chuẩn bị ra mắt một cuốn sách về hát ả đào (ca trù) trong năm nay, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói rằng quãng đường 9 năm gắn bó với loại hình này giống như bước vào một khu rừng. Ở đó, anh vừa đi, vừa tìm đường, vừa rung động và bàng hoàng với nhiều xúc cảm.
Những khám phá, nghiên cứu về ả đào là một trong các lý do chính để Hiền được trao giải thưởng Trần Văn Khê trong năm vừa qua. Xa hơn, năm 2020, anh là gương mặt chính trong dự án "Hiệu chỉnh khuôn thước, âm luật và bài bản tại các CLB Ca trù Hải Phòng" do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam thực hiện. Tại đó, từ những nghiên cứu về mô hình hóa hệ thống âm luật của ả đào, Hiền đã dùng đồ hình, âm thanh minh họa để dựng lại quy luật về đàn, phách cho giới ca trù Hải Phòng - thay vì sử dụng các nốt nhạc, dấu thăng, giáng trong nhạc lý - và đạt hiệu quả cao trên thực tế.
Gom những "mảnh vỡ" còn lại
Mở đầu cuộc trò chuyện, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói:
- Ả đào là một thể loại đồ sộ, chuyên nghiệp trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, nhưng lại vô cùng khó khăn khi ta bước vào con đường nghiên cứu: nghệ nhân quá ít, điều kiện tiếp cận quá khó, không có nhiều băng tư liệu. Từ năm 2005, tôi đã muốn tìm hiểu về nó, nhưng không thể… Phải sau cuộc Liên hoan Ca trù toàn quốc tháng 8/2014, tôi mới chính thức dấn thân vào cuộc hành trình này.
* Điều gì từ cuộc liên hoan ấy thôi thúc anh?
- Khi đó, tôi được mời làm giám khảo cuộc thi, được chấm thi cùng nghệ nhân đàn đáy - cụ Nguyễn Phú Đẹ. Lúc đó, tôi thấy cụ Phú Đẹ liên tục phản ứng với các phần thi: nào là đàn hát không có phách, nào là đánh không ra cung Bắc, rồi phải xuống cung Nam thì lại chơi cung Bắc...
Tôi chợt nhận ra mình thân với ông bấy lâu nay mà không để ý rằng ông chính là kép đàn nhà nghề cuối cùng - tức là người duy nhất có thể trả lời cho những thắc mắc về ả đào. Trong khi, bản thân tôi vẫn chưa nắm vững về thể loại này, mới chỉ cảm nhận hay và không hay, mà chưa cảm nhận được sự đúng - sai của âm luật.
Tôi về bàn với vợ. Và chỉ sau đúng một tuần, chúng tôi lên đường về nhà ông, thực hiện cuộc điền dã lớn để "khai phá" toàn bộ về ả đào. Khi đó, vợ tôi làm trợ lý quay phim, chụp ảnh giúp tôi.
* Nhưng để hoàn thành công trình về âm luật ả đào, con đường đi của anh không chỉ dừng ở đó?
- Tôi ví như mình bước vào cuộc khám phá một khu rừng rậm mà chỉ có tự mò mẫm đi tìm. Nếu nghiên cứu cải lương, tôi có các danh cầm từ Bắc vào Nam giúp đỡ, chỉ bảo, thì với ả đào, ngoài những lời chỉ dẫn của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, tôi chỉ có thể căn cứ chủ yếu vào sự phân tích trên băng tư liệu.
Nhưng cũng thật may mắn khi tôi đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ và hỗ trợ từ những người thầy lớn. Chẳng hạn GS Trần Văn Khê trước khi mất đã trao hết tư liệu về NSND Quách Thị Hồ, nghệ nhân Nguyễn Thị Phúc, kép đàn Đinh Khắc Ban mà ông thu âm năm 1976 cho tôi. Đặc biệt, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan trao cả ổ cứng 100 GB toàn bộ tư liệu về ả đào để tôi nghiên cứu. Bên cạnh đó, tôi còn nhận được nhiều tư liệu quý từ Mỹ gửi về.
Tôi đã gom những "mảnh vỡ" còn lại của ả đào như thế. Và như người khảo cổ học âm thanh, tôi tìm tòi, giải mã, phác họa, dựng lại hệ âm luật... Lúc cụ Đẹ còn sống, có tư liệu nào tôi ghi chép xong đều đưa cụ nghe để phân tích rồi lại ghi chép, về tiếp tục khám phá. Cứ như thế trong suốt hơn một năm, cho đến khi cụ trở bệnh. Khi hoàn thành hành trình này, điều quan trọng đầu tiên, tôi đã tìm ra cấu trúc đặc biệt của ả đào - cấu trúc lắp ghép.
"Khi đào kép ra phố thị mở nhà hát cô đầu, họ đã tạo ra bước ngoặt lịch sử về một hệ thống nhà hát nhạc thính phòng đầu tiên của Việt Nam. Ở các "nhà hát" ấy, người cai quản đều là đào nương, giống như các giám đốc nhà hát bây giờ" - nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền.
"Cuộc chơi đùa với âm thanh" của cổ nhân
* Nghe nói, anh sẽ cung cấp những thông tin đặc biệt về ả đào trong cuốn sách sắp ra mắt?
- Tôi đã tiếp cận nhiều thông tin thú vị. Có rất nhiều những phát hiện về làn điệu mới trong ả đào mà xưa nay chưa từng được công bố trong sử liệu - nhưng lại có trong băng tư liệu, được nghệ nhân Nguyễn Thị Phúc hát và cụ Nguyễn Phú Đẹ gọi tên.
Ngoài ra, khi nghiên cứu âm điệu, tìm được âm luật, có điều kiện so sánh, tôi thấy được mối liên hệ giữa ả đào với những thể loại khác như nhạc tuồng, nhạc cung đình Huế, nhạc lễ, tài tử cải lương Nam bộ. Điều thú vị là những loại hình này đều nằm trong dòng chảy âm nhạc cổ truyền xuyên suốt theo dòng di cư từ Bắc vào Nam của người Việt Nam.
* Đó có phải là điều anh tâm đắc nhất khi nghiên cứu ả đào?
- Điều "vỡ òa" đầu tiên với tôi là sự sửng sốt trước khuôn thước cấu trúc lắp ghép, thể hiện lối tư duy rất hiện đại, cực kỳ chính xác và khoa học, vuông vắn đến từng miếng, từng mảng của nghệ thuật ả đào. Thứ hai là việc tìm thấy dấu vết âm điệu người Việt cổ, như bản nhạc cổ chỉ có 3 nốt hoặc hệ ngũ cung thiếu - đủ, cũng như mối quan hệ của ả đào với các thể loại chuyên nghiệp khác trong nền âm nhạc cổ truyền.
Có thể nói, sơ đồ cấu trúc, âm điệu của các bài bản ả đào tựa như cuộc chơi đùa với âm thanh của cổ nhân. Mỗi sơ đồ lại thể hiện sự sáng tạo tư duy của người xưa.
* Vậy nghiên cứu của anh khi tiếp cận thực tiễn đời sống hiện tại của ả đào hiện nay, có làm khó các đào kép không?
- Nghiên cứu lý thuyết (âm luật) của ả đào đã được sáng tỏ, nên đào kép nào trình diễn mà không theo được khuôn thước là sai. Thực tế, kết quả nghiên cứu này có thể gây sốc với nhiều người. Đây là bài toán khó khi chúng ta muốn nhiều đào kép thời nay trở về khuôn thước cổ điển.
* Vậy, từ góc nhìn của mình, anh đánh giá sao về chất lượng của các câu lạc bộ ca trù (ả đào) đang diễn xướng tại Hà Nội?
- Số lượng câu lạc bộ thì nhiều, nhưng trong "lõi" thì vẫn có nơi đàn hát không có phách! Điều này gắn với một thực tế: Sau hơn 50 năm mai một, khi phục hồi trở lại, môi trường đào tạo trong các giáo phường chuyên nghiệp không còn. Đại đa số đào kép toàn mày mò tự học qua băng đĩa, một số người may mắn được học những đào kép lão thành cuối cùng, thì đều học theo kiểu "ngắn hạn - cấp tốc". Khác hẳn xưa kia, đào kép đều được đào luyện từ tấm bé, thường thì phải mất 10 năm mới có thể ra làm nghề.
Thời xưa, ở các môi trường diễn xướng như cửa đình hoặc nhà hát cô đầu, luôn có các vị quản giáp hoặc quản ca cầm trịch để sai đâu, sửa đấy. Thời nay, ả đào đã đứt mạch sống - lưu truyền cả nửa thế kỷ, nên khi khôi phục lại, đào kép đàn hát chưa chuẩn cũng là điều tất yếu. Thực trạng này cần có thêm thời gian để điều chỉnh cho đúng.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Ả đào - cách gọi cổ xưa nhất
Đây là thể loại cổ nhạc có nhiều tên gọi, mỗi tên gọi lại thể hiện hình thức diễn xướng đặc biệt. Nhưng ả đào là cách gọi cổ xưa nhất và kéo dài đến tận đầu thế kỷ XX. Cách gọi này - lấy danh từ gọi người nữ nghệ sĩ để đặt tên cho thể loại - còn cho thấy bản chất của một thể loại âm nhạc thể hiện sự tôn vinh người phụ nữ trong xã hội từ thời xưa.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất