(Thethaovanhoa.vn) - Vi khuẩn là một trong những tai họa lớn nhất mà loài người từng đối mặt, trong lịch sử đã có hàng triệu người bỏ mạng vì những căn bệnh do nhiễm khuẩn gây ra. Cho tới khi Alexander Fleming tìm ra penicillin để chế tạo kháng sinh, vi khuẩn đã bị khắc chế.
1. Trong 5 năm trở lại đây, thế giới bóng đá cũng ám ảnh bởi một thứ “vi khuẩn” mang tên tiki-taka. Triết lý thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng thực chất lại vô cùng tinh tế ấy đã đưa Barcelona tới đỉnh vinh quang với 2 chức vô địch Champions League, đồng thời giúp đội tuyển TBN hai lần vô địch EURO và một lần vô địch World Cup trong 5 năm. Điểm mấu chốt của phong cách này là sự di chuyển, chuyền bóng ngắn và kiểm soát bóng.
Barca đang dần bị bắt bài - Ảnh Getty
Tiki-taka nhanh chóng trở thành xu hướng thời thượng của bóng đá. Villarreal dưới thời HLV Pellegrini đã sao chép nó và thành công. Một ví dụ khác là đội tuyển Mexico. Lối chơi bóng ngắn và di chuyển liên tục mang hơi hướng tiki-taka cũng trở thành “mốt” (đến nỗi một số người cho rằng đội tuyển Việt Nam cũng… đá tiki-taka).
2. Ba thất bại của Barcelona trong ba trận đấu lớn liên tiếp đã đặt ra câu hỏi: phải chăng tiki-taka đã tới lúc thoái trào? Sau nhiều lần thất bại, các HLV Mourinho, Allegri cuối cùng cũng đã tìm ra cách khắc chế đối thủ. Họ hiểu rằng mấu chốt của tiki-taka là tạo ra khoảng trống cho người chuyền bóng và người dứt điểm. Để đạt được điều này, cầu thủ Barca phải di chuyển rộng trên toàn mặt sân để luôn tạo không gian thông thoáng cho người có bóng. Bởi thế, thay vì kèm người và tích cực tranh cướp bóng, Milan và Real chủ động lùi sâu, thu hẹp khoảng trống và tiêu diệt đối thủ bằng đòn phản công.
Cả ba thất bại lớn của Barca đều diễn ra theo cùng kịch bản ấy. Azulgrana vẫn vào trận với những đường ban ngắn và chạy chỗ quen thuộc nhưng khi không thể tìm ra những khoảng trống để khai thác, tất cả những gì họ làm được là chuyền bóng lòng vòng cho nhau như đá “bóng ma”.
Milan và Real có lẽ cần phải cảm ơn Chelsea, những người đã đánh bại Barca bằng cách phòng ngự chặt chẽ ở bán kết Champions League mùa trước. Ngay một đội bóng nhỏ bé như Celtic cũng thắng được Barca. Một gã tí hon khác là Betis mùa này cũng gây ra vô khối khó khăn cho người Catalunya và chỉ thua bởi không có những cầu thủ đủ chất lượng để kết thúc các tình huống phản công nhanh.
3. Thất bại 1-2 ở Bernabeu đã là trận thứ 13 liên tiếp Barca thủng lưới với tổng cộng 21 bàn thua. Đội bóng của Tito - Roura rõ ràng đang gặp vấn đề lớn về phòng ngự và đó là lúc sân Camp Nou nhớ Pep Guardiola da diết.
Xét về hiệu quả tấn công, Barca của Tito có thời điểm trội hơn Barca của Pep, nhưng lại kém xa về khả năng phòng ngự và hiệu quả tổng thể. Trong 4 năm Guardiola ở Camp Nou, Barca đã chạm trán 52 CLB khác nhau, họ thắng 51 đối thủ ít nhất một lần và Chelsea là CLB duy nhất không thể khuất phục.
Thành tích ấn tượng ấy được xây dựng dựa trên sự cân bằng giữa tấn công và phòng thủ. HLV môn bóng bầu dục Mỹ Paul Bryant có một phát biểu để đời “Tấn công tốt giúp bạn thắng các trận đấu, phòng ngự giỏi giúp bạn vô địch các giải đấu” và thành công của Barca minh họa cho tính đúng đắn của nó. Dưới thời Guardiola, Barca đã phòng ngự toàn sân: ngay khi để mất bóng, các tiền đạo và tiền vệ tranh bóng ngay để kéo dài thời gian giúp các hậu vệ kịp lui về. Câu nói rất nổi tiếng của Pep: “Chúng tôi cướp bóng của đối phương khi khoảng cách tới khung thành của họ là 30m, không phải 80m”. Đó là vũ khí quan trọng để chống phản công.
4. Nếu tiki-taka là một thứ vi khuẩn nguy hiểm thì Milan, Real đã tìm ra loại kháng sinh thích hợp để khắc chế. Họ đã trở nên vô nhiễm với tiki-taka khi loại vi khuẩn ấy đã suy yếu dần theo thời gian.
Thay vì đổ lỗi cho trọng tài cũng như các yếu tố khách quan, Barca cần nhớ lại bài học phòng ngự toàn sân và cướp bóng ngay sau khi để mất bóng. Họ cũng cần cải tiến tiki-taka thành một thứ vi khuẩn có khả năng kháng thuốc để tránh một thảm họa nữa mang tên Milan.
Hoài Trinh
Thể thao & Văn hóa