Nhà hát Giao hưởng, Nhạc - Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm 30 năm thành lập

11/09/2023 07:29 GMT+7 | Văn hoá

Tối 10/9, tại Nhà hát Thành phố đã diễn ra Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Nhà hát Giao hưởng, Nhạc – Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh (HBSO) (1993 – 2023).

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Ha My, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng, Nhạc - Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trải qua 30 năm, Nhà hát là nơi hội tụ các chương trình hòa nhạc, các tác phẩm giao hưởng, các nhạc sỹ của Việt Nam là Hoàng Minh Tuấn, Nguyễn Văn Nam, Hoàng Phương, Phú Quang… Cùng với đó là sự phối hợp của các chỉ huy dàn nhạc, các nghệ sỹ độc tấu từ khắp nơi trong nước và quốc tế. Tất cả đã tạo ra nhiều chương trình hòa nhạc hấp dẫn, mang lại uy tín cho nhà hát, cũng như sự ngưỡng mộ trong lòng công chúng.

Nhà hát Giao hưởng, Nhạc - Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm 30 năm thành lập - Ảnh 1.

Tặng cờ thi đua của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho Nhà hát Giao hưởng, Nhạc - Vũ kịch nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Nhà hát tự hào khi trở thành gương mặt văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh tham gia Tuần dàn nhạc châu Á cùng các dàn nhạc lớn tại Tokyo (Nhật Bản, 2008), có gala "Giai điệu mùa thu" - một thương hiệu nghệ thuật hàn lâm nổi tiếng cả nước. Ngoài việc dàn dựng nhiều tác phẩm kinh điển thế giới, Nhà hát còn có nhiều tác phẩm ballet nổi tiếng trong nước như Ngọc trai đỏ, Lục Vân Tiên - Nguyệt Nga, Chuyện tình non sông; nhiều tác phẩm opera hoăc hợp xướng hấp dẫn như Chào Bella, Carmina Burana...

Trong suốt quá trình đó, Nhà hát được tặng 1 bằng khen của Chính phủ, 1 Huân chương Lao động hạng Ba, bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bằng khen của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh...

Nhà hát Giao hưởng, Nhạc - Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm 30 năm thành lập - Ảnh 2.

Đại diện Sở Văn hoá và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh trao kỷ niệm chương cho các thành viên có đóng góp tích cực cho Nhà hát Giao hưởng, Nhạc – Vũ kịch. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Ghi nhận và biểu dương những thành tích của Nhà hát, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát Giao hưởng, Nhạc - Vũ kịch đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, để đạt được những thành tựu quan trọng. Với sứ mệnh lan tỏa những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật hàn lâm, cổ điển đến với khán giả yêu nghệ thuật, từ những ngày đầu tiên hình thành dàn nhạc giao hưởng cho đến khi xây dựng nên dàn nhạc thính phòng và ngày nay với đa dạng các thể loại bao gồm giao hưởng thính phòng, nhạc kịch và vũ kịch. Trong đó, biết bao thế hệ lãnh đạo, nghệ sỹ, nhân viên nhà hát đã tận tuỵ, quên mình, góp phần tạo nên tầm vóc lớn mạnh của nhà hát với nhiều dấu ấn đặc biệt trong nền nghệ thuật của thành phố cũng như cả nước.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trên chặng đường sáng tạo, phát triển của mình, Nhà hát luôn phát huy được những truyền thống tốt đẹp của dòng nghệ thuật hàn lâm, hoà mình với xu thế đương đại nhằm góp phần xây dựng môi trường văn hoá phát triển bền vững, góp phần nâng cao thị yếu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Nhà hát Giao hưởng, Nhạc - Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm 30 năm thành lập - Ảnh 3.

Một phân cảnh trong vở nhạc kịch “Dế mèn phiêu lưu ký”. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Cùng với đó, Nhà hát luôn nâng cao tinh thần đoàn kết, kế thừa xứng đáng những thành tựu đã đạt được, từng bước trên hành trình chinh phục những đỉnh cao mới của nghệ thuật, góp phần xây dựng những lĩnh văn hoá mới vươn tầm quốc tế.

Theo ông Dương Anh Đức, trong tương lai, Nhà hát cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ, trẻ hoá lực lượng diễn viên; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xã hội hoá, quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng các tác phẩm, tăng cường hợp tác và quan hệ quốc tế.

Dịp này, Nhà hát công diễn vở nhạc kịch "Dế mèn phiêu lưu ký". Đây là tác phẩm được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những chương trình nghệ thuật hấp dẫn nhất và được biểu diễn định kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Vở nhạc kịch được xây dựng dựa theo tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Tô Hoài. Tác phẩm truyền tải những thông điệp quý báu cho các bạn trẻ dám mơ ước, dám hành động, thể hiện khát vọng chung sống hoà bình, xóa tan xung đột, thù ghét. Tác phẩm được dàn dựng theo phong cách nhạc kịch Broadway, một loại hình sân khấu hấp dẫn nhất hiện nay trên thế giới bởi sự kết hợp của âm nhạc hấp dẫn như pop, rock, jazz với nhiều nghệ thuật thị giác của sân khấu, vũ đạo lộng lẫy và diễn xuất diễn viên sinh động, hài hước.

Vở diễn có sự tham gia của những nghệ sỹ soloist tài năng hàng đầu của Đoàn nhạc kịch Nhà hát Giao hưởng, Nhạc - Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh (HBSO) như Đào Mác (Dế Mèn), Phan Hữu Trung Kiệt (Dế Trũi), Phạm Khánh Ngọc (Chị Cốc), Trần Thanh Nam (Xiến Tóc), Trần Thị Kim Anh (Nhà Trò), Vũ Minh Trí (Thầy đồ Cóc), Hồ Hoàng Ngọc, Lý Hoàng Kim, Nguyễn Phan Mạnh Duy, Bùi Danh Hùng, Nguyễn Tuấn Dương, Khánh Thy, Trương Thành Nhân, Thế Phương... Vở còn có sự tham gia đông đảo của Dàn hợp xướng, Đoàn vũ kịch, Dàn nhạc giao hưởng, Dàn hợp ca thiếu nhi và một ban nhạc nhẹ.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm