Thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng cũng có thể mua nhà giá rẻ

01/04/2009 08:44 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hôm qua 31/3, Chính phủ đã thông qua đề án xây dựng nhà ở xã hội cho học sinh, sinh viên, viên chức, công chức có thu nhập thấp của Bộ Xây dựng. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong vài năm tới người thu nhập thấp sẽ có nhiều cơ hội để sở hữu nhà ở.

Nhu cầu bức thiết

Kết quả điều tra tình hình nhà ở của học sinh, sinh viên cho thấy hiện nay cả nước đã có gần 400 trường ĐH và CĐ; khoảng 340 trường CĐ và trung cấp nghề, vói tổng số gần 3 triệu học sinh sinh viên. Mặc dù năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án giải quyết chỗ ở cho sinh viên với mục tiêu đến năm 2010 sẽ bố trí cho khoảng 60% tổng số sinh viên dài hạn tập trung có nhu cầu nội trú được ở trong kí túc xá, với diện tích bình quân 3m2/sinh viên. Tuy nhiên, do số lượng các cơ sở đào tạo và số lượng học sinh sinh viên tăng nhanh, cùng với việc bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng ký túc xá gặp nhiều khó khăn, do đó kết quả thực hiện đến nay mới chỉ có khoảng 22% có nhu cầu được ở trong ký túc xá. Trong khi đó, theo quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và CĐ đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2015 quy mô đào tạo của mạng lưới đạt khoảng 3 triệu người, chưa kể số học sinh, sinh viên các trường dạy nghề.

Ký túc xá Mễ Trì (ĐHQGHN) là niềm mơ ước của nhiều sinh viên


Về nhà ở cho công nhân, hiện nay hầu hết các khu công nghiệp đều thiếu nhà ở cho công nhân vì số lượng lao động tăng trong điều kiện quy hoạch phát triển các khu công nghiệp còn thiếu đồng bộ. Cuối năm 2008, cả nước có 194 khu công nghiệp được thành lập. Các khu công nghiệp đã thu hút khoảng 1 triệu lao động trực tiếp và trên 1,2 triệu lao động gián tiếp. Tuy nhiên, mới chỉ có 20% tổng số công nhân lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại phải thuê nhà ở khá tạm bợ. Nhà trọ không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của công nhân và làm xáo trộn tình hình trật tự, an toàn xã hội tại nhiều khu công nghiệp.

Kết quả điều tra tình hình nhà ở của người thu nhập thấp khu vực đô thị cũng cho thấy, hiện trong khoảng 2 triệu cán bộ, công chức, viên chức chỉ có 2/3 là lo được chỗ ở, 1/3 còn lại chưa có chỗ ở ổn định, chủ yếu tập trung ở các đô thị. Ngoài ra, khu vực đô thị còn hàng vạn hộ gia đình thuộc các thành phần kinh tế đang phải sống trong điều kiện chỗ ở không đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu. Khảo sát cho thấy chỉ có 25% hộ gia đình có nhà ở kiên cố, còn trên 30% các hộ gia đình có diện tích nhà ở dưới 36m2, trong đó 19% gia đình sống trong các căn nhà tạm bợ, cấu trúc không bền vững, được làm từ các nguyện liệu rẻ tiền. Nhiều hộ gia đình thu nhập thấp phải tận dụng không gian nhà ở chật hẹp của mình để làm dịch vụ (bán hàng, sản xuất…) Theo đánh gíá chung có khoảng 15 – 20% hộ gia đình thuộc các thành phần kinh tế tại các đô thị thực sự gặp khó khăn về nhà ở. Với mức thu nhập hạn chế và giá nhà ở thực tế hiện nay thì những đối tượng có thu nhập thấp, kể cả những đối tượng hưởng lương từ ngân sách rất khó có điều kiện tạo lập chỗ ở của mình, nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng.

Huy động tổng lực xây dựng nhà ở xã hội

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất các mục tiêu: Đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và công nhân khu công nghiệp thuê và phát triển nhà ở giá thấp để bán cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở tại các khu vực đô thị; Việc đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên công nhân khu công nghiệp thuê và nhà ở giá thấp tại các khu vực đô thị phải gắn với quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo, tạo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị và đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên thuê chủ yếu do nhà nước đầu tư xây dựng từ ngân sách, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế, cơ sở đào tạo ngoài công lập tự huy động vốn để xây dựng nhà ở cho sinh viên thuê, với nhiều ưu đãi. Giá nhà ở cho sinh viên thuê chỉ được đảm bảo yêu cầu duy tu bảo dưỡng và vận hành chứ không đặt mục tiêu thu hồi vốn. Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp thuê và dự án nhà ở giá thấp thực hiện theo phương thức xã hội hóa, nguồn vốn do chủ đầu tư tự huy động hoặc vay từ các nguồn tín dụng ưu đãi, giá bán và giá cho thuê tại các dự án này phải có sự kiểm soát của nhà nước.

Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2015 đáp ứng cho khoảng 60% số học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và 50% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.

Trong tương lai, người thu nhập thấp dễ mua nhà hơn


Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các chủ đầu tư khi được giao xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp đồng thời phải xây dựng nhà ở cho công nhân. Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng được phân bổ vào giá thuê đất tại khu công nghiệp. Các khu công nghiệp đang trong giai đoạn chuẩn bị hình thành, khi lập quy hoạch chi tiết chủ đầu tư phải tổ chức xác định nhu cầu nhà ở của công nhân, đồng thời phải tố chức lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng. Các khu công nghiệp đã hình thành, UBND các tỉnh phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân.

Về vấn đề nhà ở giá thấp bán cho các hộ thu nhập thấp là loại chung cư có diện tích căn hộ tối đa không quá 70m2. Đối tượng mua nhà giá thấp là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong các thành phần kinh tế chưa có nhà hoặc có nhà ở diện tích bình quân dưới 5m2/người và có thu nhập dưới 1,5 triệu đồng/tháng.

Trả lời báo chí về vấn đề thu nhập của người lao động dưới 1,5 triệu đồng/tháng, trong khi nhà ở xã hội có giá từ khoảng 200 triệu đồng trở lên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, những người có nhu cầu có thể vay tín dụng ưu đãi tại các ngân hàng và trả dần. Bên cạnh đó cũng cần phải thay đổi tư duy về sở hữu nhà ở, theo tính toán, với mức thu nhập như vậy, hộ dân có thể trích ra 15% thu nhập để thuê nhà ở xã hội. Đó cũng là chỗ ở ổn định lâu dài của các hộ gia đình. Đa số các nước trên thế giới đều tiến hành như vậy. Nhà ở xã hội không được phép chuyển nhượng mà chỉ được phép bán lại cho BQL để bán cho những người có nhu cầu khác trong diện được mua nhà ở xã hội. Ông Nam cho biết, chỉ được những người trong cùng hộ khẩu, anh chị em ruột, cha mẹ con cái mới được chuyển nhượng cho nhau. Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện nội dung này để báo cáo Chính phủ.

Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm