23/01/2015 09:35 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Rạng sáng ngày 1/5/1975, nhà báo Trần Mai Hạnh tỉnh dậy sau giấc ngủ ngắn. Ánh đèn Sài Gòn sáng rực khiến ông mất nhiều phút định thần. Ngày thống nhất, ngày hòa bình mà muôn triệu con người Việt Nam khắc khoải đợi chờ cuối cùng đã đến. Đây không phải giấc mơ.
1. “Trong khoảnh khắc ấy, tôi hiểu, thành phố đã bước sang tháng 5. Như vậy tất cả những gì vừa hiện ra trước mặt đều đã là quá khứ. Bụi thời gian sẽ làm thời khắc này càng lùi xa. Đó cũng là lúc tôi nảy ra ý tưởng ghi lại những tháng năm lịch sử khi giấc mơ thống nhất của triệu con tim Việt Nam thành hiện thực mà mình may mắn được dự phần” - nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh chia sẻ về ý định viết cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, tác phẩm vừa đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn ở thể loại văn xuôi.
Ngay thời khắc lịch sử trưa 30/4/1975, nhà báo Trần Mai Hạnh (khi ấy là phóng viên TTXVN) cùng đồng nghiệp đã gửi về Tổng xã những tin tức đầu tiên về sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước khiến cả nước vỡ òa. Về đến trụ sở mới tiếp quản, ông lập tức gọi điện tới những cơ quan quan trọng của thành phố. Ấn tượng nhất là khi gọi tới bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện có thông báo cho ông biết có 6 em bé vừa chào đời. Nghĩ về những đoàn quân giải phóng, nhà báo Trần Mai Hạnh đi cùng từ Huế, Bình Định, Quy Nhơn, nghĩ về những đau thương mất mát mà dân tộc phải oằn mình gánh chịu suốt 3 thập kỷ, 6 đứa trẻ Sài Gòn đầu tiên được hít thở không khí hòa bình khiến nhà báo rưng rưng.
Ông ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Đến khi tỉnh dậy lúc tảng sáng ngày 1/5/1975, ông vẫn nghĩ đó là một giấc mơ. Nhưng khi hiểu chuyện, ông tự nhủ, ông sẽ viết lại thời khắc giấc mơ của triệu con tim Việt thành hiện thực.
2. Là phóng viên TTXVN theo đoàn quân giải phóng vào tiếp quản Thành phố là lợi thế lớn của nhà báo Trần Mai Hạnh khi tiếp cận các hồ sơ gốc của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và lời khai cùng bản tường trình của những nhân vật cấp cao bên kia chiến tuyến.
Cụ thể, những tư liệu ông thu thập khi đó gồm: biên bản, lời khai cùng tường trình của những tướng lĩnh quân đội Sài Gòn; những tư liệu nguyên bản phía bên kia (các thư từ, điện văn của các Tổng thống Mỹ gửi Nguyễn Văn Thiệu; biên bản một số cuộc họp “Hội đồng an ninh quốc gia” của Nguyễn Văn Thiệu; văn bản đệ trình của Bộ Tổng tham mưu, các báo cáo phân tích tình báo của quân đội Sài Gòn và sứ quán Mỹ, điện chỉ huy của Nguyễn Văn Thiệu...); biên bản trả lời phỏng vấn và lời tự thú của nhiều nhân vật từng giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy quân sự và dân sự của chính quyền Sài Gòn; biên bản cuộc phỏng vấn do Viện nghiên cứu chiến lược RAND (Hoa Kỳ) công bố sau khi thực hiện đối với 27 nhân vật từng là lãnh đạo chủ chốt của giới quân sự và dân sự chính quyền Sài Gòn sau ngày thống nhất sống ở nước ngoài...
Số tư liệu nhà báo Trần Mai Hạnh thu thập được trong suốt 40 năm từ ngày hình thành ý tưởng viết sách lên tới cả ngàn trang. Ông tỉ mẩn dựng cốt chuyện, nhân vật và cô đọng trong cuốn sách tiểu thuyết tư liệu 440 trang. Đa phần những sự kiện, chi tiết đắt trong cuốn sách đều được trích nguồn rõ ràng.
Theo ông Trần Mai Hạnh, ông viết cuốn sách một phần là để làm rõ hơn những góc khuất của lịch sử nhưng phần nhiều hơn, ông viết từ nhu cầu của chính bản thân mình. Ông cần viết. Viết để tri ân ngọn cờ tung bay trên nóc Dinh Độc Lập ngày cuối tháng 4/1975 lịch sử ấy đã giúp ông đối mặt và vượt qua với bao biến cố thăng trầm của thời cuộc.
Ông Trần Mai Hạnh chia sẻ với Thể thao & Văn hóa: “Đã 40 năm, bao sự kiện đã diễn ra, bao biến cố đã đến với mỗi cuộc đời trong quãng thời gian không ngắn ấy. Riêng với tôi, không chỉ có những giây phút vinh quang và thời khắc huy hoàng được chứng kiến mà còn có cả những “tai họa”, những bi thảm tột cùng phải gánh chịu. Trong những thời điểm khắc nghiệt của số phận khi vướng vòng lao lý, chính thời khắc huy hoàng của trưa 30/4/1975 được chứng kiến và tường thuật đầu tiên của tôi về những giờ phút lịch sử tại Dinh Độc Lập đã giúp tôi đứng vững với niềm tin không gì lay chuyển về ý tưởng cao đẹp của người cộng sản mà mình đã theo đuổi để tiếp tục sống, làm những việc cần làm, đáng làm và có ý nghĩa trong cuộc sống này.”
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất