15/03/2018 15:18 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà báo Nguyễn Huy Minh, hiện đang là Phụ trách ấn phẩm Lao Động cuối tuần của Báo Lao động vừa ra mắt bạn đọc tập Phóng sự điều tra – Bút ký Đi trẩy nước non.
Hơn 40 tuổi, Nguyễn Huy Minh là một nhà báo rắn rỏi, xông pha tuyến đầu, với các phóng sự ký sự đánh những dấu mốc đáng ghi nhận trong làng phóng sự Việt Nam. Độc giả từng biết đến anh qua hai tập Phóng sự - Bút ký: Kimono trong rừng thẳm và Tìm lại con đường tơ lụa trên biển Đông, nơi đó hiện lên một Huy Minh đi nhiều, trải nghiệm nhiều và cũng thật nhiều chắt chiu. Mỗi trang viết của anh không chỉ là tâm huyết của người làm báo, mà con là sự tìm tòi, tích lũy tư liệu của người làm công tác nghiên cứu. Những câu chuyện anh kể bao giờ cũng có rất nhiều điều lạ lùng, mới mẻ, khiến người đọc không nén được tò mò và thôi thúc phải đọc đến tận cùng.
Sự cuốn hút ấy chính từ lối kể chuyện và nghệ thuật tả chân dung, bên cạnh cái nhạy bén trong phát hiện vấn đề, cái tinh tế trong quan sát và sự đồng cảm trong từng câu chuyện, từng nhân vật. Đi trẩy nước non cũng thế - tập Phóng sự điều tra – Bút ký ấy vẫn đậm “chất” Huy Minh, khó mà lẫn đi đâu được. Sau những con chữ sắc sảo về tư duy và đẫm tính nhân văn trong từng trang viết là tinh thần lao động không quản ngại khó khăn, sôi nổi, nhiệt thành, kiên trì của tác giả. Hơn thế, trong đó còn là tầng sâu lịch sử, văn hoá, địa chính trị và kiến thức về chính trị, kinh tế, quan hệ quốc tế...
Trong Đi trẩy nước non là từng con người, từng cảnh đời sống động như hiện hữu trước mắt, sống động, và cũng thấy ở đó từng số phận mênh mang.
Những trang sách Đi trẩy nước non khiến người đọc “vướng” phải nhiều cảm xúc đan xen: Ngạc nhiên, háo hức, đôi khi buồn ghê gớm nhưng lạ lùng là không có cảm giác thất vọng; có lẽ, bởi cái tình người thấm đẫm trong từng câu chuyện của anh.
Nguyên Vụ Trưởng Vụ Thông Tin Báo Chí - Người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao Phan Thúy Thanh nhận xét: "Huy Minh đọc nhiều, đi nhiều, trải nghiệm nhiều và viết cũng thật nhiều.
Đọc Huy Minh, không thể chỉ đọc một lần, bởi nếu bạn chỉ đọc một lần thì quả thật là một sự “lãng phí” quá lớn. Mỗi một bài phóng sự của Minh là tâm huyết của người làm báo, là sự tìm tòi, tích lũy tư liệu của người làm công tác nghiên cứu, bao giờ cũng có rất nhiều điều lạ lùng, mới mẻ, đánh thức sự tò mò của người đọc và thôi thúc phải đọc đến tận cùng, không chỉ một lần. Tập Kimono trong rừng thẳm, Tìm lại con đường tơ lụa trên Biển Đông là như thế.
Đọc Đi trẩy nước non của Huy Minh, tôi thấy từng con người, từng số phận và từng cảnh đời cứ như hiện hữu trước mắt, sống động, mênh mang. Đọng lại trong tôi sau mỗi tập Ký và Phóng sự là rất nhiều cảm giác đan xen: Ngạc nhiên, háo hức, đôi khi buồn ghê gớm nhưng lạ lùng là không có cảm giác thất vọng, có lẽ, bởi cái tình người thấm đẫm trong từng câu chuyện của Minh".
PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng - Phó Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: "Đi trẩy nước non là tập phóng sự, điều tra ăm ắp dữ liệu báo chí. Đằng sau những con chữ sắc sảo về tư duy và đẫm tính nhân văn trong mỗi bài báo chắc chắn là lao động báo chí quần quật, sôi nổi, nhiệt thành, kiên trì và dũng cảm của tác giả; là tầng sâu lịch sử, văn hoá, địa chính trị và kiến thức về chính trị, kinh tế, quan hệ quốc tế - những kiến thức và kỹ năng đo tính chuyên nghiệp của nhà báo mọi thời đại.
Trên hết, qua tác phẩm báo chí có thể nhìn thấy một nhân cách nhà báo Huy Minh với tình yêu đất nước, yêu – tự hào – đồng cảm – chia sẻ với thành công, nỗi khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh của những người con Việt, dù họ sống ở thành thị, nông thôn, miền biển… trong mảnh đất hình chữ S hay đang đổ mồ hôi, lao động trí tuệ thậm chí đổ xương máu ở xứ người...
Tác phẩm báo chí của Nguyễn Huy Minh cuốn hút bạn đọc bằng lối kể chuyện và nghệ thuật tả chân dung. Phát hiện vấn đề nhạy bén, quan sát tinh tường, sự đồng cảm và “cái tôi” tác giả cứ nhẹ nhàng và tự nhiên được đưa vào câu chuỵện, vào những nhân vật và lời thoại. Không còn lối kể chuyện thuần tuý bởi ngôn từ nữa, mỗi bài báo hàm chứa nhiều tầng thông tin, tràn ngập sắc thái cảm xúc, giúp công chúng có thể tiếp cận, tiếp nhận theo nhiều mức độ khác nhau. Mô hình thông tin đa chiều, đa tầng cho phép mở ra nhiều liên tưởng, gợi ý và các tầng cảm xúc khác nhau cho người đọc.
Thảo Nhi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất