Viết tiếp về Nguyễn Trọng Tạo và “Thơ viết trong đêm tự tử”

08/03/2009 22:45 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - LTS: Trong bài trả lời phỏng vấn TT&VH số ra ngày 5/3, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã phản ứng về việc nhà phê bình Nguyễn Hòa, trong một bài báo, có cho rằng việc ông (Nguyễn Trọng Tạo) định tự tử hồi năm 1981 là “câu chuyện hoang đường” vì “chỉ có mỗi mình ông là… chứng nhân”.
 

Sau khi báo đăng, TT&VH đã nhận được ý kiến phản hồi của nhà phê bình Nguyễn Hòa; cùng những tâm sự của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc (do khuôn khổ của tờ báo, chúng tôi phải lược bớt một số ý của hai bài viết)

Nhà phê bình Nguyễn Hòa: Tôi viết thế vì tôi... không tin!

Lâu nay, do được tiếp xúc với một số hiện tượng mà từ đó tôi cho rằng: đã và đang có một xu hướng kỳ khôi là khi xuất hiện trên các diễn đàn, một số vị tỏ ra ham “đánh bóng tên tuổi” như khoái kể lể công tích, bịa ra sự cố vì viết văn làm thơ, thích khoác lên mình “chiếc áo” tân tiến, biết sớm phản tỉnh, thậm chí là tỏ ra... sám hối. Nghĩa là theo tôi, những vị này có xu hướng nhớ lại “thành tích” trong quá khứ theo tinh thần... “tin thì tin không tin thì thôi”!
 
Vì thế trong bài Từ sự quảng bá vô hại đến thói “mục hạ vô nhân” (CAND Cuối tuần, 15.2.2009) tôi đã đề cập tới loại hiện tượng này theo một biên độ rất rộng, và việc tôi viết về Nguyễn Trọng Tạo chỉ là đưa ra một ví dụ cho sự đánh giá của mình. Đó là đoạn: “…Giá ngày ấy ông bóp cái cò súng thì có phải thi ca nước nhà đã có một sự kiện bi tráng để lưu danh muôn thuở hay không, nhưng tôi lại ngờ đó là chuyện hoang đường, vì chỉ có mỗi mình ông là... chứng nhân!?”.
 
Trả lời phỏng vấn trên Thể thao & Văn hoá ngày 5.3.2009, Nguyễn Trọng Tạo coi đây là “sự áp đặt và quá chủ quan” và trước khi trả lời phỏng vấn (…), ông vội vàng công bố 10 bài thơ gọi là... “thơ viết trong đêm tự tử”.
Theo tôi, dường như trong khi bức xúc về ý kiến của tôi, Nguyễn Trọng Tạo đã không đọc kỹ và đã không thấy trong đó có cụm từ “nhưng tôi lại ngờ”. Cụm từ này có vai trò bảo đảm cho câu hỏi chỉ là giả định, chẳng lẽ ông không biết một câu hỏi giả định thì làm sao có thể là “áp đặt và quá chủ quan”? Khi viết “tôi lại ngờ đó là chuyện hoang đường, vì chỉ có mỗi mình ông là... chứng nhân!?” thì tôi đâu có yêu cầu phải cung cấp “nhân chứng”.
 
Ông kể sao thì biết vậy, riêng tôi thì không tin. Tôi không tin vì khó có thể hình dung một sĩ quan quân đội vừa qua chiến tranh mấy năm lại viết thế này: “Tôi suy nghĩ nếu chỉ dùng khẩu súng của mình thì có thể không chết mà chỉ bị thương. Mà bị thương thì mệt quá. Tôi không sợ chết nhưng sợ bị thương. Chết thì không còn biết đau đớn là gì, còn bị thương thì đau”. Dí súng lục vào đầu để bóp cò mà lại lo chỉ bị thương thì e là hơi hi hữu.
Tôi còn không tin vì hiện tượng “đánh bóng” đã nhàm đến mức tiếp xúc với các thông tin loại này chỉ buồn cười chứ không thấy kính trọng. Tới khi Nguyễn Trọng Tạo công bố 10 bài “thơ viết trong đêm tự tử”, tôi lại tiếp tục... ngờ. Tôi ngỡ đó phải là kiệt tác cỡ như công trình toán học của Galoa (É.Galois) hoàn thành trước đêm đấu súng, hay bài thơ của Exênhin (S.Esenin) viết trước lúc ra đi, song xem ra 10 bài thơ cũng xoàng và hơi “sến”.
 
Điều này lại làm tôi nhớ tới quan niệm Cận tử nghiệp của nhà Phật. Ngoài việc bàn về sự tái sinh, Cận tử nghiệp còn cho rằng, trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng, trí tuệ con người như ngọn đèn cạn dầu, trước khi tắt thì bừng sáng một lần (có thể coi Cận tử nghiệp là nguồn gốc tinh thần các bài kệ thị tịch của nhiều vị thiền sư trước lúc viên tịch, như Kệ thị tịch của các vị Vạn Hạnh, Đạo Hạnh, Diệu Nhân, Quảng Nghiêm...).
 
Từ góc độ Cận tử nghiệp để xét 10 bài “thơ viết trong đêm tự tử”, tôi thấy động lực để Nguyễn Trọng Tạo “bóp cò” cũng không mạnh mẽ lắm, có lẽ vì thế ông mới không “bóp cò” mà... chuyển sang làm thơ. Tuy nhiên, lại có sự khác nhau rất lớn giữa các vị như Vạn Hạnh, Quảng Nghiêm, Galoa, Exênhin với Nguyễn Trọng Tạo. Các vị ấy ra đi mà không biết công trình toán học, bài kệ, bài thơ của họ được người đời đón nhận ra sao và họ cũng không hề biết hậu thế đã tôn vinh họ thế nào. Còn Nguyễn Trọng Tạo thì vẫn sống (…) lại còn có điều kiện để đưa mấy bài “thơ viết trong đêm tự tử” để mọi người thưởng lãm và bình giá.
 
Vì thế tôi lại càng không tin, dù sau đây Nguyễn Trọng Tạo có thể sẽ trả lời tôi rằng: “tin thì tin không tin thì thôi”!

NH - 5.3.2009


Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Không thể không tin gì mà viết (*)

Trước hết, tôi cảm ơn báo TT&VH và bạn đọc đã quan tâm tới “sự kiện không vui” trong đời thơ của tôi. Sự kiện ấy đã qua 28 năm rồi, (…), tâm trạng trong “đêm tự tử” thật vô cùng phức tạp. Chắc nó có khác với người khác đôi chút, vì tôi là một nhà thơ. Bởi vậy, sau khi quyết định tự tử, thay cho việc viết một lá thư tuyệt mệnh hay một “di chúc”, tôi đã làm thơ. Khi ngồi vào bàn viết, tôi viết liền 6 bài để bày tỏ tâm trạng /lý do tự tử, cùng với lời vĩnh biệt những người thân thiết. Kết bài thứ 5 tôi viết:
 
Chỉ riêng điều này cũng thấy mình hạnh phúc:
Tôi không còn. Bài thơ tôi còn đây...
 
Khi đó, cái chết của nhà thơ Nga Xergay Exenhin ám ảnh tôi rất mạnh. Tôi rất mê thơ Exenhin, cũng đã từng tập dịch mấy chục bài thơ của ông, và tôi nghĩ, lại đến lượt tôi:

 
Tôi đã vẫy cho Ê-xê-nhin cái vẫy tay anh muốn
Giờ đến lượt tôi. Ai sẽ vẫy tôi đây?
 
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
 
Tôi đọc lại 6 bài thơ, thấy thế cũng đã đủ. Để nguyên cuốn sổ trên bàn, tôi lên giường và kê 2 khẩu súng ngắn đã lên đạn vào hai bên thái dương. Tại sao lại 2 khẩu súng thì tôi đã giải thích ở bài trước rồi. Tâm lý của người tự tử là muốn mính chết thật nhanh, chết dứt điểm. Nhưng khi đã kê súng vào thái dương, tôi tiếp tục suy nghĩ. Tôi nghĩ đến những vụ việc vừa qua (…) và thấy cái chết thật là phi lý. Tôi dậy viết tiếp 4 bài thơ nữa với những câu hỏi lặp đi lặp lại: “Đáng lẽ ra đi rồi sao tôi vẫn còn đây”. Đó là câu hỏi đánh thức tất cả những suy nghĩ nhân văn của tôi tiếp theo. Thay cho lời phán xét, thơ đã giải tỏa dần cho tôi:
 
Và tim tôi nếu ai đó đem chôn
Thì nó sẽ mọc lên hoàng hôn!

Nghĩa là trái tim tôi vẫn tái sinh. Và tôi từ bỏ quyết định tự tử ngay sau khi kết thúc bài thơ thứ 10.

Mỗi bài thơ đều có một “câu chuyện thơ” kèm theo mà chỉ có tác giả của nó mới biết đích xác(…). Nhưng có người không tin chuyện đó (Nguyễn Hòa), lại cho rằng tôi đã “mông má”, “nói vống lên” và hỏi ai làm “chứng nhân” khi tôi định tự tử thì tôi thấy buồn. Trong “sự kiện” này theo tôi 10 bài thơ và câu chuyện thơ luôn bổ sung cho nhau. Còn việc tin hay không tin, tôi đã từng viết:

Nhưng tôi người cầm bút, than ôi
Không thể không tin gì mà viết:
Tin thì tin không tin thì thôi!

Một lần nữa, tôi cảm ơn độc giả đã quan tâm, và nhờ báo TT&VH đăng bài thơ để bạn đọc được đọc liền mạch, như một chia sẻ cái khoảnh khắc không bao giờ trở lại của một thời đã xa.

(*) Đầu bài do TT&VH đặt
Thơ viết trong đêm tự tử (trích)

4.

Hoa ơi! Nếu bạn buồn rầu về cái chết của tôi
Tôi không muốn can ngăn sự buồn rầu của bạn
 

Chúng mình sống cho nhau như cây với cội
Khuyên can để làm gì nếu chẳng ích gì hơn

Và bởi vậy Hoa ơi xin đừng trách
Tôi ra đi không hỏi bạn một lời.

5.
 
Không ngờ tôi có thể biết rõ ràng bài thơ cuối cùng tôi viết
Bài thơ nghiêm trang và run rẩy của tôi
Chỉ riêng điều này cũng thấy mình hạnh phúc:
Tôi không còn. Bài thơ tôi còn đây…

6.

Trên thế gian này tôi đến rồi đi như tia chớp mà thôi
Ôi cuộc đời ngắn ngủi
Chia tay tuổi thơ vẫy tung mùa phượng đỏ
Áo lính thời trai chưa kịp cũ

Ngoảnh lại yêu đương như muối xát lòng
Con gái bé bỏng ơi! Con là bài thơ lớn nhất
Mãi hoài thai những câu thơ ba viết
Hoài thai ba những giây phút yếu lòng

Bạn bè đông
Một hai tâm đắc
Suốt cả thời mình sống trên trái đất
Sống thật lòng như tia chớp vậy thôi

Ôi cuộc đời ngắn ngủi
Ghét bỏ làm chi tiếc nuối làm chi
Tia chớp thế nào phát sáng thế ấy
Người đến thế nào người cứ thế ra đi

“trên thế gian này tôi chỉ là người đi qua
em hãy vẫy cho tôi một bàn tay trìu mến”
Tôi đã vẫy cho Ê-xê-nhin cái vẫy tay anh muốn
Giờ đến lượt tôi. Ai sẽ vẫy tôi đây?

(Vân Hồ 3, đêm 11.11.1981)

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm