(TT&VH) -
Ngày 19/10, phiên tòa xét xử vụ cáo buộc nhận hối lộ và tham nhũng với hai thành viên Ủy ban điều hành của LĐBĐ thế giới (FIFA) đã bắt đầu. Vụ việc liên quan đến Amos Adamu, người Nigeria và Reynald Temarii, người Tahiti, những người đã bị cáo buộc bán phiếu bầu cho các nước đăng cai hai kỳ World Cup 2018 và 2022. Cuộc điều tra của FIFA được tiến hành sau khi tờ báo Anh The Sunday Times công khai các đoạn phim cho thấy cảnh Adamu và Temarii đòi tiền đổi phiếu. FIFA đã yêu cầu tờ báo này cung cấp các chứng cứ nói trên. Ủy ban đạo đức của FIFA cũng sẽ điều tra các cáo buộc rằng một số nước tham gia cuộc đua đăng cai hai kỳ World Cup, bắt đầu từ tháng 1/2009, đã tìm cách đưa hối lộ, vi phạm các quy định của FIFA. Ủy ban này, do luật sư, cựu tuyển thủ Thụy Sĩ Claudio Sulser đứng đầu, có quyền treo tư cách ủy viên của các quan chức FIFA nếu xác nhận rằng các cáo buộc là đúng sự thật.
Amos Adamu, một trong những kẻ bị cáo buộc, Ảnh Getty |
Nếu điều đó xảy ra, các chiến dịch tiêu tốn nhiều triệu đô-la của các nước giành quyền đăng cai World Cup, kết thúc trong chỉ 6 tuần nữa, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ủy ban điều hành FIFA (Exco) dự kiến công bố nước chủ nhà của hai kỳ World Cup vào ngày 2/12 tới tại Zurich, Thụy Sĩ, sau một cuộc bỏ phiếu kín.
Đến lúc này, đã có thể chắc chắn rằng World Cup 2018 sẽ được tổ chức ở châu Âu khi bốn ứng viên còn lại là Anh, Nga và các liên danh Bỉ-Hà Lan, TBN-BĐN. Cuộc đua đăng cai World Cup 2022 còn năm ứng viên: Australia, Nhật Bản, Qatar, Hàn Quốc và Mỹ. Theo quy định của FIFA, các ứng viên cũng bị cấm thỏa thuận với các ứng viên khác và phải hành động “trung thực, có trách nhiệm, công bằng và minh bạch”. Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke cũng đã phải nhắc nhở bằng văn bản các nước đăng cai điều này vào tháng trước sau khi xuất hiện tin đồn xảy ra tình trạng đổi chác để lấy phiếu.
Chỉ là diễn đạt sai?Cáo buộc trên báo The Sunday Times đã khiến FIFA trải qua một tuần dậy sóng. Temarii, Chủ tịch LĐBĐ Châu Đại Dương, đã gặp Chủ tịch FIFA Sepp Blatter vào hôm Chủ nhật và yêu cầu tiến hành điều tra. Cựu cầu thủ 43 tuổi này bị quay phim yêu cầu 2,3 triệu USD để đầu từ cho một học viện bóng đá ở Auckland, New Zealand. “Tôi tự tin về sự minh bạch của mình, nhưng tôi đã phạm sai lầm trong diễn đạt”, Temarii nói với hãng tin AP. Báo The Sunday Times cũng trích dẫn Temarii nói có hai nước chạy đua đăng cai World Cup khác đã đề nghị trả 10 triệu USD và 12 triệu USD cho LĐBĐ Châu Đại Dương.
Còn Amadu bị quay phim đòi 800.000 USD để xây dựng bốn sân bóng đá ở Nigeria, đồng thời trả thẳng cho ông. Ủy ban của luật sư Sulser có thể treo tư cách thành viên của Adamu và Temarii trong quá trình điều tra. Họ dự kiến sẽ tham gia cuộc họp quan trọng của Exco vào ngày 28 và 29/10 để chốt lại thủ tục và tiến trình bỏ phiếu cuối cùng. FIFA không có quyền loại các thành viên khỏi Exco, gồm 24 người, đều do các liên đoàn châu lục bầu lên.
Tuy nhiên, quy chuẩn đạo đức của FIFA nói những quan chức nào “vi phạm nghiêm trọng các quy định, trách nhiệm và bổn phận, đặc biệt liên quan đến vấn đề tài chính, có thể bị loại khỏi vị trí đương nhiệm”. Nhiệm kỳ bốn năm của Adamu sẽ kết thúc vào ngày 23/2/2011 trong đại hội LĐBĐ châu Phi tổ chức tại Khartoum, Sudan.
Trần Trọng