Sau khi hoàn thành tập bản thảo dày gần 2.000 trang mang tên: 1.000 ca khúc Thăng Long - Hà Nội của trên 500 tác giả, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã quyết định bỏ tiền túi để cuốn sách này có thể ra đời kịp tiến độ. Ông cho biết, hiện nay sách đang được kẻ nhạc, đầu tháng 9 sẽ mang đi in, dự định sẽ ra mắt công chúng vào cuối tháng 9 tới. Số lượng sách được in là 1000 cuốn và sẽ được bán với giá 500 ngàn/ 1 cuốn. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cũng cho biết, giá này là hòa vốn và ai mua và dựa trên lượng đăng ký mua của bạn bè. Tất nhiên số sách này bán không hết ngay mà sẽ "lai rai'' khi nào hết thì thôi.
Cuốn sách sẽ có 6 phần: sử ca, hùng ca, hoan ca, tình ca, mùa ca và nhi ca - tập sách sẽ là một món quà mừng đại lễ của giới nhạc sĩ VN.
Ai có bài hát về Hà Nội hãy gửi cho tôi
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho biết:
- Nhân 1.000 năm Thăng Long, NXB Âm nhạc có mời tôi viết về ca khúc của Hà Nội từ thời tân nhạc cho đến nay. Tôi đã viết xong, còn tinh tuyển được 100 bài hát về Hà Nội. Còn ý tưởng làm cuốn sách này đã được xuất hiện khá lâu trong tôi. Sau ngày giải phóng miền Nam, tôi đã âm thầm thực hiện. Từ năm 2008 đến nay, tôi bắt đầu lên bản thảo. Không hẳn riêng tôi, nhiều nhạc sĩ cũng có ý tưởng này, chỉ có điều nó chỉ được thực hiện ở một mức độ nào đó mà thôi, chứ tìm đủ 1.000 bài như tôi thì có lẽ chưa ai làm được.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha (trái, ảnh: Nguyễn Đình Toán) và
Tập bản thảo 1.000 ca khúc Thăng Long - Hà Nội
* Phải chẳng vì tình yêu Hà Nội với ông là rất lớn, nó thôi thúc ông bỏ thời gian công sức sưu tầm, tìm kiếm cho đủ 1.000 ca khúc về Hà Nội?
- Tôi nghĩ, bài hát là dải tần rất rộng cho cảm xúc về người Hà Nội. Khi nghĩ về điều này GS Dương Viết Á đã gợi ý cho tôi là cuốn sách nên chia ra làm 4 phần: sử ca, hùng ca, hoan ca, tình ca. Sau đó, tôi nghĩ phải thêm phần nhi ca. Nhưng khi chạm vào phần tài liệu thì thấy Hà Nội có sự khác biệt là có bốn mùa so các vùng khác nên tôi lại thêm phần mùa ca nữa. Như vậy, có 6 kho tàng âm nhạc về Hà Nội. Lục cố - theo cách nói của người xưa là có vô cùng!
* Ông dựa vào những tiêu chí nào khi tuyển chọn 1.000 ca khúc về Thăng Long - Hà Nội. Vì thẩm định từng bài mới biết có chất về Hà Nội hay không là rất khó?
- Tôi dựa vào 4 tiêu chí: Ưu tiên những người sáng tác về thời kỳ đầu tân nhạc. Những ca khúc của họ đều có sự rung động về Hà Nội, mang đậm chất Hà Nội, dù không có câu nào viết về Hà Nội cả. Ví dụ bài Thu cô liêu của Văn Cao chẳng hạn, có gì dính về Hà Nội đâu nhưng ông lại sáng tác tại chùa Láng, vào mùa Thu Hà Nôi.
Bên cạnh đó, những bài hát được nhạc sĩ viết về nơi khác, nhưng lại viết tại Hà Nội, xuất phát tại Hà Nội, như bài của nhạc sĩ Lưu Cầu, ông viết về quê hương ông ở miền Nam nhưng mà câu mở đầu lại ở Hà Nội: "Chiều nay bên hồ Tây tôi cất tiếng ca mặt hồ êm đẹp bao la, tiếng hát vang tới quê hương ở nhà, miền Nam tiếng ai hò ơi!".
Hay là những bài hát người ta viết mà quên đi không biết mình đang viết về Hà Nội như bài Phố buồn của nhạc sĩ Phạm Duy. Cách đây 1 năm có người hỏi nhạc sĩ Phạm Duy rằng: Ông có bài nào sáng tác về Hà Nội không?- Phạm Duy trả lời là không - Nhưng tôi nhắc ngay Phạm Duy là: “Anh còn có bài Phố buồn, nội dung như sau: “Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em/ Bùn lầy không tên bôi thêm lối ngõ không tên/ Qua mấy gian không đèn, những mái tranh im lìm/ Đường về nhà em tối đen/ Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen’’ - Đây là những câu cực kỳ là Hà Nội.
Có một khó khăn là, trong chiến tranh chống Mỹ, hầu như ở Hà Nội không có tình ca, vì tình ca không phổ biến, nhiều nhạc sĩ sáng tác nhưng không công bố. Giờ đây, trước thềm đại lễ 1.000 năm Thăng Long, dù bản thảo của tôi đã hoàn tất, nhưng từ này đến khi in sách cũng còn dài. Tôi muốn kêu gọi ai có bài hát về Hà Nội thì gửi đến cho tôi, để tôi nhìn nhận và tuyển trọn thêm, để chọn những bài chất lượng tốt hơn tôi đưa vào.
Không ưu ái ai cả
Bản Seranade của Văn Cao ghi theo trí nhớ của nhà văn Châu Diên
|
* Nhiều người nói Nguyễn Thụy Kha là “từ điển sống về âm nhạc VN’’. Ngoài việc kêu gọi mọi người gửi đến, ông có phải đi thu thập tác phẩm? - Có chứ, tôi đã phải vào tận miền Nam để thu thập các tác phẩm in ấn ở đó. Bây giờ trong tay tôi có nhiều nguồn và nói chung việc thu thập của tôi rất kỳ công. Có một số người không hiểu câu chuyện sưu tầm này của tôi đi đến đâu, nên nhiều khi tôi cũng phải chờ đợi! Ngay cả bây giờ, 4 tập bản thảo này đã đủ 1.000 bài, nhưng tôi vẫn chờ người gửi bài đến. Tôi vẫn sẽ thêm, bớt, để có những bài chất lượng hơn! Tiêu chí, chất lượng là do tôi thẩm định và lựa chọn. * Trong quá trình thẩm định, tuyển lựa này, ông có ưu ái tác giả nào không? - Không ưu ái ai cả, vấn đề là tài liệu của họ có đến đâu, dùng đến đó. Nhưng cũng có tác giả có bài hát cũng không đưa vào, ví dụ như bài Ngẫu hứng phố của Trần Tiến, vì không có bản thảo, nếu tôi đưa vào ông ấy không chịu, kiện thì biết làm sao. Những người có bản thảo hiện nay, họ phải đồng ý tôi mới đưa vào.
* Như vậy có thể những bài hát hay sẽ bị lọt?
- Tất nhiên cũng có chứ, vì nó đang còn đang nằm ở đâu đó hay có một tập thể nào đó giữ nhưng chưa tung ra. Tôi vẫn trao đổi với mọi người để lựa chọn ra bài hát hay.
* Trong tác phẩm này, có bản thảo bài hát nào bị chính tác giả đánh mất mà ông tìm lại được và lưu giữ?
- Có chứ. Nhiều người bị mất bản thảo và tôi phải tự nhớ, tự ghi âm ra. Ví dụ như bài Nón bài thơ của Đỗ Trọng Quang chẳng hạn. Hay bản Seranade của Văn Cao chẳng hạn, đến nay hầu như không ai còn nhớ, nhà văn Châu Diên đã nhớ và ghi lại cho tôi.
Chọn 100 bài hay nhất
* Như vậy là 1.000 tác phẩm đến nay đã đủ rồi, ông chỉ còn chọn lựa những tác phẩm tốt hơn và mang bản thảo này trình cho nhà xuất bản. Nhưng liệu sách có kịp hoàn thành và ra mắt trước đại lễ 1.000 năm Thăng Long?
- Sẽ cố gắng hoàn thành vì đây không phải là việc khó. Nhà in cũng chỉ in khoảng nửa tháng là xong. Vấn đề là tiền. Nhưng kiểu gì tôi cũng sẽ ra sách trước đích 1.000 năm Thăng Long. Nếu nhà xuất bản không đủ tiền in, tôi sẽ tìm mọi cách huy động đủ tiền trong gia đình mình hoặc tự bỏ tiền túi ra để làm!
* Trong 1.000 bài hát được tuyển chọn, ông có chọn 100 bài hay nhất không?
- Có chứ, có 100 bài được tinh tuyển. Các bài hát được sắp xếp theo lịch sử VN. Bài mở đầu là Mùa Xuân trên sông Tô viết về thời Lý, tiếp đó là bài Hội nghị Diên Hồng của Lưu Hữu Phước (viết về thời Trần), Rồi Thăng Long hành khúc ca...
* Trong 1.000 bài hay nhất, ông tâm đắc nhất bài nào?
- Bài Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi. Nghìn bài cũng không bài nào vượt qua được bài này!
* Xin cảm ơn ông!
Hoa Chanh (thực hiện)