20/11/2016 06:51 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tuổi 65, vừa trải qua một bước ngoặt lớn trong cuộc đời với căn bệnh ung thư trực tràng, vậy nhưng PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái lại tỏ ra hào hứng và yêu đời hơn bao giờ hết trong cuộc chuyện trò với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần (TTXVN).
Thuộc "Hội đồng già" nhưng...
* Chúng ta vẫn thường mặc định rằng nhà thơ trẻ là những nhà thơ vừa ra mắt tác phẩm đầu tay. Và, xin hỏi vui bà muốn bạn bè gọi mình là nhà thơ trẻ hay nhà phê bình...không còn trẻ nữa?
- Ở tuổi 65, theo tôi, về sinh học, đã gọi là tuổi già. Bằng chứng là khi tôi tham dự chương trình Giai điệu tự hào của VTV, phía tổ chức đã phân biệt hai hội đồng trẻ- già rất rõ, đặt trẻ- già ngồi đối diện nhau,sẵn sàng đối thoại và bình luận về các ca khúc của chương trình, theo quan niệm và cách phân tích của lứa tuổi mình.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái
Theo ý riêng tôi, về tuổi tác, già-trẻ chỉ là sự cách bức nghiêng về sinh học. Nhưng về góc nhìn văn hóa, rất có thể tâm hồn của người trẻ lại già cỗi và không thông thoáng cởi mở như của người già, có khi lại bị trói buộc bởi nhiều định kiến nữa. Nên người ta có thể trẻ hơn rất nhiều hoặc già hơn rất nhiều so với tuổi già hoặc trẻ về sinh học của chính họ.
Tôi biết mình thuộc "hội đồng già", nhưng tôi thường không để ý đến chuyện ấy. Giống như, với Giai điệu tự hào, tôi chỉ chăm chú bình luận về các bài hát trong chương trình và rất thích sự khen chê sòng phẳng cũng như bình luận trên tinh thần phản biện - vốn là một tinh thần tích cực của người làm báo chí truyền thông hiện đại.
* Có một sự thật là ở ta, giới sáng tác và giới phê bình vẫn hay nhìn nhau bằng cặp mắt thiếu thân thiện. Còn bà, dù từng làm thơ và viết truyện ngắn, người ta vẫn chủ yếu biết tới PGS Minh Thái trong tư cách một nhà phê bình.Vậy, theo bà, công việc sáng tác và phê bình có thể cùng tồn tại ở mỗi tác giả theo cách nào?
- Chuyện hai giới với nhau thường quay lưng ngoảnh mặt như bạn nói. Tôi nghĩ là chuyện dĩ nhiên. Phải chấp nhận, và nên chấp nhận nó như một hiện trạng của sự phát triển văn chương hiện đại Việt.
Tôi thật sự không quan tâm đến việc dư luận gọi mình bằng danh xưng gì. Đơn giản, chắc chắn mình phải viết những gì mình buộc phải viết. Nếu văn chương nghệ thuật Việt hiện đại cần đến sự viết bình luận của mình thì mình bình luận, đánh giá. Còn nếu đời sống thúc bách mình kể chuyện trong truyện ngắn, thì mình phải viết truyện ngắn. Và nếu cái sống buộc phải…thơ thì giãi bày bằng thơ.
Tất cả những thắt buộc này tôi phải tự trang trải bằng cái viết của mình, nên tôi đã viết bình luận nghệ thuật, viết truyện ngắn và…thơ theo cái cách đó. Vậy thôi. Và ở Việt Nam, có nhiều chủ thể viết đã hành xử như thế với cái viết của mình, mà sự đa tài của cụ Thế Lữ là một ví dụ.
Thơ -tự “xả lũ”, tìm bình yên cho chính mình
* Tôi tò mò một chút, bà bắt đầu viết bài thơ đầu tiên vào năm nào?
- Năm ấy là năm 1968. Tôi 17 tuổi, cái tuổi chói sáng trong thơ Lưu Quang Vũ: Mười bảy tuổi lòng ai không hồi hộp/Ngồi trong rạp hát đợi màn lên…Thật ra, chuyện một sinh viên làm thơ ở tuổi ấy là dễ hiểu, nhất là sinh viên Khoa Ngữ Văn của ĐH Tổng hợp Hà Nội, được đào tạo bài bản, với phẩm chất đặc trưng là yêu cái đọc văn chương và yêu cái viết văn chương.
Năm đầu tôi học Đại học Tổng hợp là năm sơ tán ở Đại Từ, Thái Nguyên. Ngay từ khi ấy, tôi đã thán phục cuộc tình giữa chị Ý Nhi và thầy Nguyễn Lộc và cả thơ chị ấy nữa. Khi ấy, Ý Nhi là sinh viên khoa Văn năm cuối. Và tôi rất thích một câu thơ giản dị của chị: Ruộng bèo như thảm dệt/Mưa long lanh ngọc trai...
Bài thơ đầu tay Mưa xuân được tôi cao hứng viết, với những câu Có tiếng gà trong vắt gáy qua mưa/ Tiếng côn trùng nức nở/ Tiếng gió ào qua khe cửa/ Tiếng lòng háo hức đợi xuân về…
* Ngắn gọn thì việc làm thơ có vị trí như thế nào trong cuộc sống của bà?
- Bằng vào kinh nghiệm sống và làm thơ, tôi tự chiêm nghiệm thơ là nơi trú ngụ cho đời mình những khi giông gió. Và cũng là nơi trang trải những món nợ với cái sống của chính mình, nhất là cái sống trong tình ái riêng tư.
* Vậy, cơ duyên nào để bà ra mắt tập thơ đầu tay ở độ tuổi này?
- Vừa qua, tôi bị ốm nặng và phải có thời gian điều trị. Nhân đấy, tôi nảy ra ý định tập hợp những bài thơ mà mình đã làm từ thủa đôi mươi đến giờ để in thành tuyển tập. Và tất nhiên, chủ yếu là thơ tình.
Làm vậy, trước hết tôi muốn tự “xả lũ”, tìm bình yên cho chính mình ở tuổi đã ngoài 60. Và ít nhiều, có thể san sẻ tình tự cho những người đàn bà hiện đại và từng trải khác, mà tôi biết chắc là sẽ đồng cảm, soi bóng thấy mình trong thơ của tôi.
* Với bà, sự chia sẻ cùng những người phụ nữ khác có quan trọng lắm không?
- Tôi nhớ, sinh thời, nhà thơ Chế Lan Viên từng bảo tôi, cái riêng trong thơ đi đến cuối chắc chắn phải gặp cái chung thì mới có thơ tử tế, cho người đọc đồng cảm. Và ông từng đọc tôi nghe chính đoạn thơ của mình: bài thơ anh anh làm một nửa mà thôi/còn một nửa cho mùa thu làm lấy/cái xào xạc của tâm hồn anh sẽ là xào xạc lá/nó không là anh nhưng nó là mùa…
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái và nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên tại Indonesia
* Về "Tị nạn chiều", đó là tên bài thơ thứ 3 và cũng là cái tên chung của tập thơ. Hẳn, bà có nhiều lý do để lựa chọn ba chữ ấy cho cuốn sách...?
- Tôi viết bài thơ ấy rất nhanh, chỉ chừng 20 phút, trong tâm trạng tuyệt vọng không biết “tị nạn" vào đâu, trong cảm giác cô đơn, cùng đường cụt ngõ. Đó là một buổi chiều cuối năm 1992 tại TP HCM, nơi tôi chọn để định cư sau 6 năm nghiên cứu sinh ở St-Peterbourg, Liên Xô (cũ).
Lựa chọn ấy cũng gắn liền với một câu chuyện tình mà tôi từng mất nhiều thời gian để chờ đợi. Nhưng rồi, tất cả đổ vỡ. Không thể cứu vãn nổi, tôi buộc phải tìm nhà riêng để ở. Và, giữa một Sài Gòn không mấy quen thuộc, tôi bị lạc đường trong buổi chiều hôm ấy, nên ngồi lại ở một quán cà phê và cầm bút viết bài thơ này.
* Tự nhìn lại, trong vài chục năm kể từ bài thơ đầu, bà thấy mình thay đổi nhiều về cảm xúc, cách yêu, cách nhìn cuộc sống…trong thơ?
- Thay đổi chứ, tại sao không? Theo đúng quy luật muôn đời của đời sống, là luôn chuyển động không ngừng và bất tận, với tất cả những diễn biến xanh tươi và li ti nhất của chính cuộc đời…Thơ tôi đi theo tôi mỗi chặng đường, và rất riêng tư, như nhật kí về tình yêu, bởi cái tình và cái sống là hai thứ khiến tôi bận tâm nhất khi còn đầu xanh tuổi trẻ, khi là thiếu phụ và bây giờ, là tuổi 60…
Đến giờ, sở dĩ tôi xuất bản thơ tình của mình, vì tất cả đã lùi lại phía sau, đã được trải nghiệm, đã được nghiệm sinh, từ hạnh phúc đến bất hạnh, kể cả lầm lạc và vấp ngã…Và đủ thảnh thơi để ra mắt bạn đọc một tập thơ tình với cõi lòng trong trẻo nhất.
* Một chút chia sẻ về ý kiến của học trò, bạn nghề của bà về tập thơ này? Bà có nghĩ các phụ nữ lớn tuổi, từng chiêm nghiệm về cuộc sống và tình yêu, có thể cùng các độc giả trẻ ở tuổi mới lớn, sẽ cùng thích đọc nó không?
- Tôi đã ra mắt tập thơ và tôi nhận thấy độc giả nữ yêu thích tập thơ này nhiều hơn cả, nhất là những người cùng thế hệ với tôi…Song tôi cũng kinh ngạc vì có nhiều độc giả trẻ cũng rất thích đọc. Đấy quả là phúc lớn của người làm thơ.
"Nguyên mẫu" trong thơ tình của tôi đều là người tử tế
* Cảm giác đầu tiên khi tôi đọc tập thơ: tác giả hẳn là người yêu rất mãnh liệt, rất chân thành. Và không ngại giãi bày trong thơ của chính mình.Vậy, bà tự nhận xét như thế nào về bản thân mình, trong chuyện tình yêu?
- Tôi nghĩ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều rất hiểu tôi qua thơ tình của tôi và Thiều đã thay tôi để nói về điều này, khi nhận xét trong lời tựa viết cho chính tập thơ này. Rằng, tập thơ kết tinh từ đời sống của một người đàn bà đã từng yêu như hỏa hoạn, yêu như lũ lụt, yêu như sóng thần…và giờ đây yêu như trầm trong ruột cây…Thiều đã cảm thơ tôi đến thế, liệu tôi có thể nói/ viết thêm gì nữa?
* Còn con gái bà chia sẻ ra sao về những bài thơ tình của mẹ? Và cả các "nguyên mẫu" nữa?
- Con gái tôi và con rể tôi đều rất thích…Và tôi nghĩ, các “nguyên mẫu”- người tình của tôi, đã thích từ ngay thời điểm khi tôi viết tặng, và chắc hẳn sẽ thích khi tập thơ ra đời. Dù bây giờ tình thế đã khác xưa. Họ đều là người tử tế mà…
* Căn bệnh vừa qua, cũng như đợt điều trị vừa rồi, có ảnh hưởng tới tâm lý và cách nhìn cuộc sống của bà không?
- Tôi thấy yêu đời hơn bao giờ và cũng nhất định muốn sống hơn bao giờ…
* Cuối cùng, hỏi thật, ở tuổi này, bà còn yêu không? Nếu có, thì tình yêu ở một phụ nữ 65 tuổi sẽ như thế nào nhỉ?
- Ô hay, còn yêu chứ, tại sao không? Không yêu nữa là chết. Phụ nữ 65 chả khác phụ nữ tuổi đôi mươi, khi yêu. Bạn đừng quên điều ấy nhé… Có điều, có sự xuất hiện của người đàn ông đáng cho mình yêu không?
Ai đó từng nói đại ý rằng cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ dựng ngược cả trái đất lên. Ừ, tôi vẫn hi vọng và khao khát một điểm tựa để dựng ngược… cả trái đất lên, vì yêu. Tại sao lại không nhỉ?
* Xin cám ơn bà về cuộc trò chuyện này.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái sinh năm 1951, từng tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội và bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Viện Sân khấu, Điện ảnh, Âm nhạc St-Peterbourg (Liên Xô cũ) năm 1992. Bà nhận học hàm Phó giáo sư năm 2005 Các tác phẩm lý luận phê bình đã xuất bản: Đối thoại mới với văn chương, Sân khấu và tôi,Con mắt xanh, Đánh đường tìm hoa... Tập thơ đầu tay Tị nạn chiều của PGS Minh Thái được in 1500 bản. Trong đó, ngoài 500 bản tặng bạn bè, 1000 bản còn lại sẽ được tác giả bán lấy tiền để hỗ trợ cho một sinh viên trường ĐH Văn hóa TP. HCM, vốn là con gái một liệt sĩ tại đảo Gạc Ma. |
Anh Bảo (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất