Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Văn hoá đánh thức nhân cách một dân tộc

14/02/2013 08:14 GMT+7 | Đọc - Xem

Năm 2012 là năm có nhiều sự kiện văn học gắn liền với cái tên Nguyễn Quang Thiều. Một cuộc hội thảo về thơ ông hồi giữa năm làm tốn nhiều giấy mực báo chí, với nhiều ý kiến khen chê khác nhau. Những ngày cuối năm, tại đại hội tái thành lập Hội Nhà văn Á - Phi, Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi. Trọng trách mới gắn liền với nhiều công việc mà Nguyễn Quang Thiều phải đảm nhiệm trong thời gian tới, để có thể đáp ứng sự kỳ vọng của giới cầm bút trong nước.

- Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, năm 2012 đã qua đi. Trong rất nhiều câu chuyện văn học của một năm được nhớ tới thì sự kiện ông được bầu làm Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi tại đại hội tái thành lập Hội Nhà văn Á - Phi ở Cairo, Ai Cập là câu chuyện ấn tượng. Vậy ông có thể nói gì về bức tranh toàn cảnh của nền văn học Á - Phi trong tương lai gần?

+ Chúng ta đã nhìn thấy trong thời gian gần đây, văn học châu Á hiện diện trên thế giới tương đối rõ nét, với nhiều tác giả lớn được vinh danh. Giải Nobel văn học được trao cho các nhà văn Nhật, Trung Quốc là một minh chứng. Tuy nhiên, văn học châu Phi thì thế giới chưa được biết đến nhiều như văn học châu Á. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu văn học ở Mỹ cho rằng, tương lai văn học đang nghiêng về châu Á và châu Phi, bởi đây là hai châu lục có nhiều đặc điểm tương đồng về văn hóa, xã hội. Văn học châu Âu và khu vực Mỹ la tinh dường như đã trở nên cân bằng, thậm chí là bắt đầu già nua. Vì đặc điểm xã hội, lịch sử của khu vực này tương đối ổn định, ít có sự tác động đột phá tới văn chương. Trong khi đó, những xung đột về văn hóa, chính trị, kinh tế ở hai châu lục Á - Phi đang đặt ra rất nhiều vấn đề cho văn học và nhiều người tin rằng trong tương lai, khu vực này sẽ sinh ra những tác giả lớn. Văn học châu Á và châu Phi cũng sẽ được đọc nhiều hơn. Ngay cả tác phẩm của những tác giả Á - Phi định cư ở các nước châu Âu cũng sẽ được đọc nhiều hơn.

- Việc ông trở thành Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi mang lại nhiều kỳ vọng cho các nhà văn trong nước, đặc biệt là vấn đề giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới, hẹp hơn là các nước châu Phi. Ông sẽ làm gì để đáp lại sự kỳ vọng này?

+ Trước hết phải nói rằng trong đại hội tái thành lập Hội Nhà văn Á - Phi vừa rồi, các nhà văn Á - Phi bỏ phiếu bầu không phải cho riêng tư cách cá nhân tôi, mà là cho Việt Nam. Vì trong trái tim họ vẫn nguyên vẹn tình yêu đối với dân tộc Việt Nam. Họ không hiểu nhiều về Việt Nam trong hiện tại, nhưng họ biết nhiều về Việt Nam trong quá khứ - một quá khứ đáng để kiêu hãnh. Vì thế tôi cho rằng, nếu không phải tôi, nhà văn nào đó của Việt Nam đi dự thì họ cũng vẫn sẽ được bầu.

Về câu chuyện giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, Hội Nhà văn Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức có thể. Trung tâm dịch thuật Văn học Việt Nam của Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập và tôi được giao phụ trách, cũng là để làm nhiệm vụ đó. Việc tái thành lập Hội Nhà văn Á - Phi thêm một lợi thế là các nhà văn trong khu vực sẽ quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam - đất nước họ còn ít biết tới ngoài các từ như Hồ Chí Minh và Điện Biên Phủ. Trong vai trò của mình, Hội Nhà văn Á - Phi sẽ tạo ra các hoạt động như xuất bản, truyền thông, hội nghị, giao lưu, để các nước có điều kiện tiếp cận với nhau nhiều hơn. Việc tái xuất bản Tạp chí Hoa sen cũng như giải thưởng văn học Á - Phi sẽ thêm cơ hội cho Việt Nam giới thiệu các tác giả, tác phẩm ra thế giới.

- Ông là người quan tâm nhiều đến văn học trẻ, cũng là nhà văn đã đề xuất ý kiến tại đại hội tái thành lập Hội Nhà văn Á - Phi về việc tổ chức Đại hội Nhà văn Trẻ Á - Phi vào năm 2014. Vậy theo ông, các nhà văn trẻ Á - Phi nên hướng ngòi bút của mình vào những vấn đề gì trong đất nước và trong khu vực của mình để có thể vừa hội nhập vào thị trường văn học thế giới lại vừa trở nên đặc biệt trong bức tranh văn học trẻ thế giới?

+ Dù chúng ta có tin tưởng hay không thì tương lai văn học vẫn thuộc về các nhà văn trẻ. Vì chúng ta sẽ già nua và biến mất. Nếu Hội Nhà văn Á - Phi tổ chức Đại hội nhà văn trẻ như đề xuất của tôi, thì thông điệp của cá nhân tôi dành cho các nhà văn trẻ trong khu vực là họ đang đứng trên một mảnh đất rất nhiều tiềm năng để khai phá. Họ đang sống trong những nền văn hóa nhiều màu sắc và huyền bí. Họ đang đứng trên những hiện thực xã hội, dù có thể là đau đớn, nhưng lại là chất liệu quý báu của văn học và họ phải giành lấy những hiện thực đó, "lợi dụng" những hiện thực đó để biến thành tác phẩm văn học của cá nhân mình. Tất nhiên còn phụ thuộc vào tài năng của từng người, cũng như con đường mà họ đang đi, vốn sống mà họ trải nghiệm. Nhiều nhà văn châu Âu chia sẻ với tôi rằng họ thèm khát hiện thực của châu Á - châu Phi. Con đường của các nhà văn trẻ châu Âu cũng khó khăn hơn vì hiện thực xã hội khu vực họ đang sống không có nhiều biến động, thử thách. Trong khi con đường dành cho các nhà văn trẻ châu Á - châu Phi vẫn còn rậm rì, thậm chí chưa có dấu chân người qua. Lợi thế tuyệt vời đó đang mời gọi các nhà văn trẻ Á - Phi. Họ sẽ làm chủ những con đường nhiều bí mật đó như thế nào là hoàn toàn tùy thuộc vào chính họ.



Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cùng Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á - Phi tại lễ bế mạc đại hội tái thành lập Hội Nhà văn Á - Phi tổ chức tại Cairo, Ai Cập tháng 12/2012.

- Câu chuyện chung của các nước đang phát triển, trong đó có các nước Á - Phi là người ta mải chú trọng đến phát triển kinh tế mà ít nhiều quên đi vai trò, sứ mệnh của văn hóa, trong đó có văn học. Việc tái thành lập Hội Nhà văn Á - Phi dường như là nỗ lực của những người cầm bút tin tưởng rằng không phải là kinh tế mà chính văn hóa mới có thể gắn kết các dân tộc. Ông nói gì về điều này?

+ Trong thời đại toàn cầu hóa, các nước chậm phát triển đang phải đối mặt với nguy cơ bị các nền văn hóa lớn xâm nhập, đồng hóa, dù chúng ta đều hiểu rằng văn hóa là vô cùng quan trọng, nó đánh thức nhân cách của một dân tộc. Nhân cách của một dân tộc chính là do lịch sử, quá khứ của dân tộc đó tạo dựng nên. Hai châu lục Á - Phi có đặc điểm tương đồng về lịch sử cũng như đặc trưng văn hóa và đang phải chịu nguy cơ bị đồng hóa văn hóa thông qua kinh tế bởi các nước phát triển. Hội Nhà văn Á - Phi tái thành lập cũng là có chức năng chống lại điều này. Trước đây, Hội Nhà văn Á - Phi là một nhân tố vô cùng quan trọng trong Tổ chức Đoàn kết nhân dân Á - Phi. Nhưng trong tình hình hiện nay, tôi nghĩ, tính chất hoạt động của Tổ chức Đoàn kết nhân dân Á - Phi có thể bị chìm bớt đi nhưng các vấn đề văn hóa phải được nổi lên. Bởi đó chính là nhân tố kết nối các dân tộc trong khu vực một cách dễ dàng và bền vững nhất.

- Hy vọng là trên cương vị mới của mình, ông sẽ có những đóng góp quan trọng để biến những câu chuyện chúng ta vừa bàn tới thành hiện thực trong tương lai không xa. Quay trở lại câu chuyện liên quan đến cá nhân ông, trong tư cách nhà thơ. Năm 2012 ông còn là một nhân vật được nhắc tên nhiều trên các diễn đàn, các phương tiện truyền thông, khen cũng nhiều mà chê cũng không ít. Câu chuyện bắt đầu từ Hội thảo thơ Nguyễn Quang Thiều được Viện Văn học tổ chức. Công bằng nhìn lại, ông thấy mình được gì, mất gì sau một cuộc hội thảo như vậy?

+ Tôi không được thêm gì, cũng không mất thêm gì cả. Sau mỗi cuộc hội thảo, dù là chỉ để khen đi nữa, thì điều này vẫn nằm ngoài công việc của nhà thơ. Khi một con tàu chuyển động thì nó luôn chia nước ra làm hai phía, giống như một người khi còn sáng tạo sẽ phân bạn đọc ra làm hai nhánh, một nửa hiểu anh còn nửa kia thì không.

Nhưng điều tôi muốn nói ở đây, là văn hóa ứng xử với nỗ lực sáng tạo của cá nhân của chúng ta đang có vấn đề. Nếu có gì thất bại trong cuộc hội thảo thì đó chính là văn hóa ứng xử giữa con người với con người. Tôi luôn trân trọng những người hiện diện tên tuổi của mình một cách đàng hoàng để nói về ai đó, cho dù điều họ nói không phải lúc nào cũng đúng. Có quá nhiều người giấu tên để phỉ báng, thậm chí là chửi rủa người khác. Những ứng xử như vậy không bao giờ có khả năng chạm vào cốt lõi của sáng tạo và không bao giờ ngăn cản được sáng tạo. Chúng ta chỉ có thể có một nền văn học phát triển khi có một nền văn hóa ứng xử tốt. Và mỗi người cầm bút đều cần hiểu rằng chúng ta không đợi tác phẩm hoàn hảo mới đón chào, mà chúng ta phải biết đón chào ngay cả những tác phẩm chưa hoàn hảo...

- Sau nhiều năm không xuất bản thơ, làm báo là chủ yếu, nghe nói ông đã quay lại bằng một trường ca mới sắp ra mắt bạn đọc?

+ Trường ca có tên là "Lò mổ" tôi bắt đầu viết từ rất lâu rồi. Thực ra tôi chưa bao giờ ngừng làm thơ. Với tôi, thơ ca vẫn là điều gì đó cuối cùng, một thế giới riêng không gì có thể xâm phạm được. Khi tôi ngồi vào bàn và viết, mọi sự ngợi ca hay lăng mạ đều ở bên ngoài. Cái đẹp của đời sống ngự trị tôi mà không có gì ngoài nó có thể bước tới gần.

- Chắc chắn là có nhiều hơn một nhà thơ trẻ công khai thừa nhận chịu ảnh hưởng bởi thơ ông. Lại cũng có nhiều hơn một ý kiến cho rằng ông "Tây hóa thơ Việt". Ông nói gì về câu chuyện này để những người trẻ chịu ảnh hưởng ông yên tâm với con đường họ đang đi, con đường mà ai cũng hiểu sâu sắc rằng chỉ có thể đến đích khi anh gắn ngòi bút của mình với nguồn cội văn hóa dân tộc?

+ Tôi cam đoan những người gọi thơ tôi là Tây hóa chưa bao giờ hiểu thế nào là thơ Tây. Tôi cũng cam đoan rằng một người viết về cánh đồng, trâu bò, quê hương, tình yêu đất đai… bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình thì không thể gọi là Tây hóa được. Nhìn lại quá khứ, chúng ta thấy Thơ Đường xuất phát từ đâu, Thơ Mới chịu ảnh hưởng từ đâu, nhưng hồn cốt dân tộc vẫn ngự trị trong tác phẩm của từng tác giả. Một khi chưa có lý luận thế nào là thơ Tây, chưa hiểu thế nào là thơ Tây truyền thống, thì ai đó cố tình nói thơ tôi Tây hóa là có dấu hiệu thiếu hiểu biết và "độc tài". Theo tôi, chúng ta phải có những cuộc hội thảo nghiêm túc để bàn về vấn đề này. Phải gọi ra nguồn gốc cơ bản của thơ Tây thì mới có thể kết luận thơ ai Tây hóa được. Riêng về các nhà thơ trẻ nói rằng họ chịu ảnh hưởng của tôi thì tôi không thấy họ ảnh hưởng tôi về thi pháp. Sự ảnh hưởng có chăng nằm ở chỗ họ được mở rộng tự do của trí tưởng tượng, ý thức phá đi cách viết cũ. Khi họ tìm cách viết mới thì không có nghĩa họ xóa đi cách viết cũ. Tôi cũng không chủ quan về việc các tác giả trẻ ảnh hưởng tôi. Đến thời đại của họ, thơ ca cần một con đường mới như là lẽ tự nhiên. Điều này phụ thuộc phần lớn vào cải cách dân chủ, phát triển kinh tế, rồi công nghệ thông tin... Một xã hội thay đổi tự nó sẽ tạo ra nhịp điệu mới cho cuộc sống con người và cho thi ca.

- Thưa nhà thơ, trong năm 2012 chúng ta đã chứng kiến một thế giới quá nhiều khó khăn, khủng hoảng và xung đột. Ngay cả một số nước giàu cũng không thể tự giải quyết vấn đề của mình. Và người giàu cũng đang bàn chuyện cơm áo, thắt lưng buộc bụng chi tiêu. Vậy thì thi ca đang ở vị trí nào trong một thế giới nhiều lo lắng như vậy, và nó liệu có phải là thứ xa xỉ với con người trong thời khủng hoảng kinh tế chăng?

+ Tôi cho rằng dù trong hoàn cảnh nào thì thơ ca vẫn luôn hiện diện, vẫn sống trong thân xác của mỗi nhà thơ. Chúng ta tranh luận quá nhiều về thơ ca, tranh luận tới mức văng tục với nhau và gián tiếp làm vẩn đục hóa thơ ca. Đời sống vốn luôn như vậy, cái tốt cái xấu đan xen, và thơ ca vẫn gắng sống để hoàn thiện sứ mệnh của mình là làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn hoặc nhắc thế giới về những điều tốt đẹp. Thơ ca gắng sống không phải trong một bài thơ, 1 tập thơ, thậm chí là 1 giải thưởng, mà trong tinh thần con người chống lại sự hủy hoại thiên nhiên, hủy hoại văn hóa và chống lại những gì đang làm cho con người trở nên hoang tàn, hoảng sợ. Cho dù thế giới không ngừng xung đột nhưng con người vẫn luôn chiến đấu không chỉ cứu những vẻ đẹp còn sót lại mà còn gọi về những vẻ đẹp đã mất, chống lại những thứ phi văn hóa, phi thi ca, phi nhân tính. Tôi luôn tin rằng thế giới còn dù chỉ một nhà thơ ngồi trong bóng tối và viết những bài thơ thì thi ca còn tồn tại...

- Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và chúc ông năm mới nhiều sức khỏe, niềm vui

Theo Bình Nguyên Trang

Văn Nghệ Công An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm