Về quê với Nguyễn Quang Thiều

08/02/2011 13:43 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nguyễn Quang Thiều quê ở ngôi làng thơ duy nhất của Việt Nam - làng Chùa (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội). Làng tự hào về ông. Ông lại càng khiêm nhường. Có lẽ, không ai về quê ăn Tết nhiều như quý ông này. Yêu quê như máu thịt, bằng niềm thành kính, con người rất hiện đại ấy cực kì cổ điển trong việc coi làng là chỗ dựa tinh thần nguồn cảm hứng sống.

1. Tôi chưa thấy ai “cực đoan” yêu quê như Thiều. Anh, chị, em ông đều ra Hà Nội. Riêng ông ở thị xã Hà Đông gần 30 năm, không chuyển vào nội thành, dù có điều kiện. Ông đã viết rất nhiều bài hay về thị xã. Ngôi nhà 4 tầng trong ngõ đường Chu Văn An, hơn 1 năm nay chỉ có vợ chồng ông. Trước đây, vợ ông thường đạp xe đi làm. Ông cưỡi Honda 70cm3 màu cửu long Cub 82- 89 từ Hà Đông tới báo Văn Nghệ, ròng rã như thế. Khi Hà Tây nhập về Hà Nội, bà Lê Thị Trang là Phó Giám đốc Sở VH, TD & DL cùng cán bộ theo xe ca “đưa đón công nhân”.

Cub 82 vẫn giữ. “Quý ông” hằng ngày lái SantaFe vào thành, xe nhũ bạc, bộ râu kẽm bạc. Hiện là ủy viên BBT báo điện tử Việt Nam Net, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn phụ trách đối ngoại, Nguyễn Quang Thiều với tôi, trước hết và quan trọng nhất vẫn là thi sĩ đáng đọc nhất hiện nay.

Thơ tình của Nguyễn Quang Thiều thực sự làm ta đắm say và ám ảnh. Với ông, mỗi nụ hôn, sự hiến dâng đều là nghi lễ. Thơ ông viết về quê hương cũng là mảng thơ quan trọng. Hiếm ai viết về quê mình sâu nặng và cảm động thế. Nguyễn Quang Thiều khiến người ta yêu làng Chùa, cái làng ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Tây, dù chưa từng nhìn thấy.

Theo lời kể của Nguyễn Quang Thiều, tôi ngồi xe SantaFe cùng ông về quê, nơi ông viết Bài hát về cố hương từ 1991.

“Tôi hát, tôi hát bài ca về cố hương tôi

Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm

Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó

Kiếp nay tôi là người

Kiếp sau phải là vật

Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ

Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi

“Thành phố có gì đâu, Tết phải về quê”. Thiều bảo thế. Có ông bạn không có quê, ông chọn ngày 20 tháng Chạp để vợ chồng ông về làng, người bạn tha hương về đấy, hưởng không khí Tết mà coi là quê mình. Con trai Quang Thuật (1985) sau khi học Khí tượng Thủy văn, sang Mỹ học tiếp ĐH Công nghệ thông tin 2 năm qua. Còn cô bé Tuyết Ngân (1989) ngày nào “đi đôi giày nhỏ giống như làm bằng hai chiếc kén tằm vàng” đã bay nửa vòng trái đất, học ĐH Công nghệ môi trường tại Ohio (Mỹ). Lo cho 2 con du học Mỹ, rất nặng kinh tế, mà Nguyễn Quang Thiều vẫn không quên người nghèo ở làng Chùa. Không phải đại gia dư dả muốn gây ảnh hưởng, ông chia sẻ, giúp đỡ họ từ lâu.

Tiền Tết cơ quan cho, chỉ để mừng tuổi. “Cho trẻ con và cho người thân đã già. Có người, mình lấy lý do mừng tuổi để giúp họ một chút. Ai nghèo thì mừng tuổi trước, vì có ý giúp họ thêm tiền sắm Tết. Ba hay năm trăm ngàn là một gia đình nông thôn đủ cái Tết rồi”.

Nguyễn Quang Thiều mời bạn bè về quê cuối tháng Chạp; Tết chính thức ít ỏi, để họ vui với gia đình. Năm nào đông bạn thì mổ lợn to, ít thì mổ lợn nhỏ. Chỉ ăn thủ lợn và bộ lòng, còn chia đều thịt cho các bạn đem về.


Nguyễn Quang Thiều tại chân đê làng Chùa Ảnh: Lê Thiết Cương


2. Nguyễn Quang Thiều tự nhận từ lâu rằng mình xấu trai, lại hơi gù. Giờ ông mới nói, gù vì gánh nước nhiều. Thời đại học, rồi tới 30 tuổi, hễ về nhà là mẹ, cụ Ngô Thị Thái (1924 - 2008), bắt gánh mấy chục gánh từ giếng làng đổ vào bể nước mưa. Dọc đường về làng, có 100 cây gạo sóng đôi, cứ tháng 3, tháng 4, hoa gạo “đốt lửa” một vùng. Hồi nhỏ, tối qua đấy, Thiều chạy thật nhanh vì “sợ ma”. Hoa gạo rụng, phải che chum và giếng lại. Múc nước gáo dừa, múc tương gáo tre. Làng có nghề đan nong nia, thúng mủng. Trước kia, những người đàn ông của làng quẩy đôi thúng lớn đựng đồ đan, gánh bộ lên Hòa Bình, về Hà Nội, Bắc Ninh bán.

Cổng làng cổ đã bị phá đi, rồi xây lại. Ba giếng đào ở 3 vị trí: đầu, giữa, cuối làng. Nhà của Nguyễn Quang Thiều giữa làng, chính là ngôi nhà ông nội ông xây cách đây 1 thế kỷ. Ông vừa sửa lại ngôi nhà theo trí nhớ về nó 50 năm trước.

Cột hiên xi măng thay bằng cột gỗ mít, 3 gian 2 chái làm bằng gỗ xoan ngâm, ngói đỏ, nền gạch đỏ. Nơi cố hương, ông bà, cụ kị Nguyễn Quang Thiều sinh sống và nằm lại... Mẹ ông là con út của một địa chủ theo cách mạng. Dấu tích còn lại là nếp nhà, hồ bán nguyệt.

Nhà - vườn 1.000m2, có ao thả cá: Nguyễn Quang Thiều thả cá và thích câu một mình. Câu để suy nghĩ và thấm nỗi buồn, lo âu, như ông đã thấy các ông già Cuba câu cá bên bờ biển Caribê xanh thẳm. Bố mẹ cùng qua đời năm 2008, song từ xưa đến nay, anh em ông lúc nào cũng về căn nhà cổ này đoàn tụ cuối năm và ăn Tết tại đây.

Sau 2 năm ngưng, năm nay ông lại mổ lợn và mời bạn tới. Đại gia đình đông đủ dịp 27, 28 Tết. Vợ ông con gái Hà Đông, yêu quê chồng lắm. Chồng lau dọn bàn thờ, nhà cửa, giúp vợ rửa, rọc lá dong. Bà Trang đích thân gói bánh chưng, gói các loại giò.

Nhà có bếp gas, lại hay dùng bếp củi. Vợ chồng ông thích thổi cơm bếp củi, chứ nồi cơm điện khắp nơi nấu rồi... Bếp củi để nướng thịt, kho cá.

Con chó già nhất sống gần 20 năm với bố mẹ ông, buồn ốm mấy tháng rồi chết sau khi hai cụ qua đời. Còn lại hai con, sủa ran mừng rỡ khi nhà nhộn nhịp. Chuồng gà nuôi để thịt đãi khách. Có đứa cháu ở trông nom nhà cửa.

Nhà toán học Pytagore có một câu rất thơ: “Tiếng nói là hơi thở của tâm hồn”. Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ có giọng nói hay nhất mà tôi từng gặp. Ấm áp trầm bổng, âm vang, thì thào và đầy hấp lực. Nhất là khi ông đọc thơ, nói về thơ, giọng trở nên huyễn hoặc bí ẩn. Qua Nguyễn Quang Thiều, tôi thấy vô cùng thiêng liêng. Chắc nhiều bạn trẻ vào đời, bắt đầu đến với văn chương cũng bị hút vào người nổi tiếng và uy tín. Tác giả Sự mất ngủ của lửa (1991), 20 năm qua, vẫn là cây bút sung sức bậc nhất của thơ đương đại với một “từ trường” rất mạnh đối với các nhà thơ trẻ.

3. Trong tập Người, có bài Thiều nhớ bà cô (đã mất từ lâu), suốt ngày thương nhớ các con đã hy sinh, bà hay hái hoa tầm xuân đựng vào nón.

Không còn nhiều tầm xuân để hái nữa. Ông chỉ tìm được dưới chân đê khóm hoa còn sót lại, bứng về vườn, trồng thêm nhiều hồng bạch.

Vườn nhà có 3 cây đào, giống đào phai ra quả của miền núi và những cây mận. Cứ chiều 30 Tết, Thiều lại cùng cha ngồi trong vườn uống trà ngắm hoa đào hoa mận nở trắng. Ba năm nay, ông ngồi một mình, vẫn chỗ ấy, tưởng nhớ cha mẹ mất. Đắm chìm trong cảnh sắc thôn quê sẽ xua tan mọi phiền muộn trong lòng.

4. Nguyễn Quang Thiều hay thảng thốt khi cái gì đó của làng mất đi: rau khúc, cái cây cũ..., nhớ tất cả. Nhớ lúc đứa em, con cháu, người yêu gánh nước hộ “Mẹ đã giao, phải gánh đủ. Ai đỡ hộ vài gánh thì sướng lắm”. Châu thổ, tuyển thơ ra thứ nhất của ông, để “Tưởng nhớ những người thân đã mất”. Tết là dịp ý nghĩa để nhớ họ. Làng Chùa là một trong những gì thân thiết nhất của ông, được yêu mãnh liệt bằng sự hồi tưởng, khát vọng theo cơn mơ ấu thơ không bao giờ kết thúc.

Sinh chiều 13/2, trước Valentine - Lễ tình nhân một ngày, Nguyễn Quang Thiều được nhiều người yêu, còn tình yêu của ông, đọc thơ tình sẽ biết. Ông cho rằng: “Tôi, làm thơ thì bị ai đó chê; làm nông dân thì không biết cày. Trước kia ai nói có người thích tôi, có thể tôi tin, nay thì không, râu bạc hết, già rồi. Đàn ông quyến rũ là người trí tuệ và dũng cảm. Mỗi thứ tôi chỉ có một nửa. Một nửa quyến rũ không phải là quyến rũ”.

Riêng điều này, tôi không tin ông.


Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm