Nguyễn Quang Thạch: Người 'luân chuyển những cái bục'

19/02/2015 13:21 GMT+7 | Chuyện tử tế

(Thethaovanhoa.vn) - Trên mạng xã hội từng đăng một bức tranh biếm họa quốc tế khá nổi tiếng về bình đẳng và công bằng. Tranh vẽ ba đứa trẻ đứng ngoài hàng rào ngó vào bên trong nơi diễn ra một trận đấu bóng chày. Một em cao, một em trung bình và một em thấp bé.

Hai trường hợp được đặt ra. Trường hợp bình đẳng là cả ba đều đứng trên những cái bục cao bằng nhau và em thấp nhất hoàn toàn bị hàng rào che khuất tầm mắt. Vì thế, chỉ có hai em xem được trận bóng chày.

Còn trường hợp công bằng là em cao nhất không đứng trên bục, em trung bình đứng trên một cái bục như cũ còn em thấp nhất có hai cái (một cái do em cao nhất nhường cho). Cả ba đều được xem bóng chày.

Khát vọng mang tên “sách hóa nông thôn”

Đó là tranh, còn nhìn ra ngoài đời thực, cần hiểu rằng không có bình đẳng và công bằng tuyệt đối trong xã hội, nơi bất bình đẳng và bất công xảy ra đều đặn mỗi ngày trong mọi ngóc ngách. Nhưng tôi tin rằng, con người có thể thu nhỏ chúng lại, bằng cách: tìm ra những cái bục cho những đứa trẻ, tiếp theo là luân chuyển những cái bục sao cho cân bằng với điều kiện và nhu cầu của các em.

Và tôi hiểu rằng, điều anh Nguyễn Quang Thạch đang làm, đưa sách từ thành thị về nông thôn, chính là hành động “luân chuyển những cái bục”, nếu ví trẻ em thành thị là những đứa trẻ cao và cao trung bình, còn trẻ em nông thôn là đứa trẻ thấp. “Cao, thấp” ở đây có thể hiểu là một bên nhiều sách, dễ tiếp cận với sách, còn một bên khan hiếm sách, muốn đọc mà không có. Còn “trận bóng chày”, ở đây chính là tri thức.


Những đứa trẻ ở trường Tiểu học An Thanh, Quỳnh Phụ, Thái Bình vui sướng khi anh Thạch bất ngờ đến thăm vào giờ ra chơi. Ảnh: Mi Ly.

Tri thức ở trước mặt những đứa trẻ, nhưng lại có những em dù rất muốn nhưng không thể phóng tầm mắt vượt qua sự ngăn trở của hàng rào chỉ vì xuất phát điểm của các em quá thấp. Những người có trách nhiệm xã hội có thể ngồi yên trước bất công đó? Câu trả lời là không, và anh Thạch là một trong những người đã hành động.

Nguyễn Quang Thạch là một trong những người hoạt động xã hội đích thực ít ỏi ở Việt Nam hiện nay, vì ngoài chương trình giáo dục dân sự “Sách hóa nông thôn Việt Nam” làm suốt 18 năm nay, công việc kiếm tiền của anh chỉ để “nuôi” khát vọng “Sách hoá nông thôn”. Anh dành mọi tâm huyết để xây dựng “Sách hoá nông thôn” thành một chương trình chuyên nghiệp trên quy mô quốc gia nhằm tạo ra sự thay đổi nhận thức rộng và sâu trong xã hội về thư viện. Trong khi đó, những người hoạt động xã hội khác vẫn có một công việc chính.

Đó là còn chưa kể, “Sách hóa nông thôn” không mang lợi nhuận về cho người khởi xướng nó. Thành công của chương trình đo bằng số lượng sách mang về cho trẻ em nông thôn ở các địa phương, và mức độ đọc sách của các em.

“40 năm thiệt thòi là quá đủ rồi”

Khi một nhà biên kịch gọi điện cho Nguyễn Quang Thạch để hỏi kinh nghiệm xây dựng một thư viện dân sự nhỏ ở thành phố Vinh, anh nói, anh sẽ truyền kinh nghiệm, nhưng quả thực anh không quan tâm lắm đến việc đưa sách cho người dân thành phố. Vì người thành phố đằng nào cũng dễ dàng tiếp cận với sách, tiền bạc có thể không phải là vấn đề lớn. Chỉ có người nông thôn, vì cách trở địa lý và nghèo (chữ “nghèo” này với anh quan trọng biết bao), mới là đối tượng anh hướng đến.

Tóm lại, Thạch đã đúng và vẫn sẽ đúng. Hành trình của anh bắt đầu từ tỉnh Hà Tĩnh với một số “Tủ sách dòng họ” nhưng điểm chính cho sự nghiệp sách hoá nông thôn lại là Thái Bình, nơi anh tìm được những người bạn cùng chí hướng, đồng hành với anh đến tận bây giờ. Anh lập những tủ sách đầu tiên ở ngôi trường ở xã An Dục, nằm ngay cạnh nhà của một người bạn thân thiết. Từ đó, hàng nghìn tủ sách nhân rộng ra khắp Thái Bình.

Quê anh ở Hà Tĩnh cũng là nông thôn. Điều này khiến không ít người đặt câu hỏi “Tại sao lại là Thái Bình mà không phải Hà Tĩnh?”. Tâm lý địa phương cục bộ, “một người làm quan cả tỉnh được nhờ” quả thật nặng nề. Nguyễn Quang Thạch chưa làm quan, cũng không có nhiều tiền, nhưng rất nhiều người đinh ninh rằng anh phải lấy quê mình làm trọng tâm cho Sách hóa nông thôn mới phải.

Nhưng với anh, điều đó không phải giải thích nhiều. Thái Bình là nơi có thiên thời, địa lợi, nhân hòa để các mô hình tủ sách đầu tiên được lập ra, thành công và được Bộ VHTT&DL đề nghị chuẩn hóa “Tủ sách dòng họ” cũng như Sở GD&ĐT Thái Bình đã triển khai nhân rộng “Tủ sách phụ huynh”.

Nhưng tầm nhìn của Thạch xa xôi hơn thế. Anh hy vọng các mô hình “Tủ sách phụ huynh”, “Tủ sách dòng họ”, “Tủ sách Hậu phương quê hương chiến sĩ”... sẽ được đưa vào chính sách của nhà nước để các loại tủ sách được xây dựng trên khắp cả nước. Hiện nay, anh vẫn nghe điện thoại từ khắp nơi gọi về hỏi kinh nghiệm lập tủ sách, anh bảo, nói 3 phút là truyền đủ kinh nghiệm. Nhưng nếu được đưa vào chính sách quốc gia thì các tủ sách sẽ ra đời dễ dàng hơn, và nhanh hơn nữa.

Nhanh, đời anh không mong gì hơn thế. Thậm chí anh đã đặt mục tiêu hai năm kể từ bây giờ sẽ hoàn thành “Sách hóa nông thôn”. “Để trẻ em nông thôn thiệt thòi suốt 40 năm qua là quá đủ rồi” – anh nói, “Lương tâm xã hội cần được đánh thức càng sớm càng tốt, và càng lan rộng càng tốt”. Vì vậy, anh thực hiện những kế hoạch phần nào giống như hành xác: đi bộ đưa thư khuyến đọc hàng trăm cây số ở Thái Bình trong tháng 11 vừa qua, và Tết này, anh đi bộ xuyên Việt kêu gọi người Việt hành động vì “Sách hóa nông thôn”, xuất phát từ mồng 1 Tết.

“Chia sẻ vô tận”

Có lúc nào Nguyễn Quang Thạch nản chí? Anh không sắt đá đến nỗi không ai tác động được đến lòng quyết tâm của anh. Nhưng những lần bị từ chối lại trở thành động lực ngược. Tháng 1/2013, anh đến huyện M’Đrắk ở Đắk Lắk để lập dự án, Trưởng phòng Giáo dục huyện không hợp tác, tỏ thái độ lạnh nhạt ngay từ đầu. Nhưng không làm được với huyện, anh chuyển sang làm trực tiếp với các trường học, không thông qua phòng giáo dục. Kết quả là sao? Ở đó giờ có 26 tủ sách.

“Tôi rút ra kinh nghiệm là càng gặp quan chức giáo dục quan liêu vô cảm thì càng tìm cách xây dựng được tủ sách trong khu vực do ông ta quản lý vì chắc chắn vẫn có những người có lương tâm” – Thạch nói.

Nếu anh thường xuyên nản chí vì những người thờ ơ với sách và tri thức như vậy, “Sách hóa nông thôn” sẽ không đi được con đường dài như hiện nay, với hơn 3.200 tủ sách được xây dựng bởi những người nông dân và những thành viên có trách nhiệm trong xã hội, khoảng 200.000 cuốn sách được mang về Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Đắk Lắk.

“Tri thức sẽ thay đổi nhận thức con người trong hòa bình. Bạo lực chỉ mang lại thù hận và làm cho đất nước không thể phát triển vì xã hội bất ổn thì không thể nuôi dưỡng sáng tạo và nhân văn” – đây là câu trả lời của anh khi được hỏi về sự khác nhau giữa hai cách đấu tranh để thay đổi xã hội, một là tri thức, hai là bạo lực.

Chúng tôi đến Thái Bình cuối tháng 12, lần này Nguyễn Quang Thạch không hề báo trước cho nhà trường. Khi chúng tôi xin phép vào thăm các lớp học, học sinh đứng dậy chào anh bằng tiếng Anh. Anh đáp lại các em cũng bằng tiếng Anh. “Hãy tập quen với tiếng Anh vì đó chính là ngôn ngữ đưa chúng ta đến với nhân loại” – gần đây người Việt Nam bắt đầu hiểu ra điều đó. Còn Thạch đã tập cho trẻ em nông thôn quen với tiếng Anh từ vài năm nay.

Hơn thế, tri thức nhân văn trong sách vở được tiếp nhận từ sớm sẽ giúp học sinh coi trách nhiệm xã hội là điều hiển nhiên. Các em sẽ lớn lên và hiểu rằng trách nhiệm cộng đồng không phải là hy sinh hay ban ơn. Tôi thì hy vọng, ngày mai trong những đứa trẻ ấy, sẽ có người tiếp tục công việc mà Thạch đang làm.

“Trong tương lai, tôi tin đó sẽ là một chu trình chia sẻ vô tận trong xã hội. Hàng chục triệu học sinh được đọc nhiều sách trong tuổi học trò sẽ tiếp tục chia sẻ sách cho đàn em sau khi đã trưởng thành” – Thạch nói. “Chia sẻ vô tận”, cách diễn đạt khá lãng mạn. Nguyễn Quang Thạch đang đưa “Sách hóa nông thôn” đi khắp nước với những hình dung lãng mạn như thế.

Nhưng, khi trò chuyện với nữ sinh lớp 9 Uông Hải Minh trong sân trường An Dục (Thái Bình), người đóng góp 240.000 đồng trích từ tiền thưởng học tập hàng năm cho “Sách hóa nông thôn”, rồi nghe em kể về hơn 300 học sinh trong trường đã góp 1,5 triệu đồng để làm tủ sách cho một trường ở Sơn La, tôi biết đó không chỉ là hình dung. Có ít góp ít, có nhiều góp nhiều. Sự đền đáp tiếp nối là có thật, rõ ràng hơn bao giờ hết, và nhiều khả năng đúng là vô tận.

Bắt cá trong đêm lạnh giá, xuyên Việt với một con mắt

Nguyễn Quang Thạch bị hỏng mắt trái từ năm 1996 dẫn đến nhức mắt thường xuyên. Hiện anh đeo kính cận, mắt phải 1 độ, mắt trái 4 độ (nhưng thực ra gần như hỏng hoàn toàn). Tết năm 2010, trong quá trình đi xe máy xuyên Việt kêu gọi ủng hộ “Sách hóa nông thôn”, anh 4 lần suýt chết vì nước mưa làm mờ kính. Đi trong đêm thì bị chói đèn từ chiều ngược lại.

Trong điều kiện như vậy, anh vẫn quyết tâm thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt từ Hà Nội đến TP. HCM trong Tết 2015. “Tôi đang trong tâm thế phải làm thật nhanh chứ lỡ hỏng thêm mắt phải thì việc cống hiến cho “Sách hóa nông thôn” sẽ vất vả hơn” – anh chia sẻ.

Là người nông thôn, Nguyễn Quang Thạch kể khi ở nhà, vào những ngày trời lạnh giá, anh từng đi đơm cá vào ban đêm, vì “trời càng lạnh cá càng đi xuống vùng hạ lưu để tránh rét, tôi nghĩ thế nên đi đơm cá để chứng minh suy nghĩ của mình là đúng. Sự chịu khó để chứng minh cái đúng lúc còn nhỏ đã giúp tôi luôn tìm cách thực hành các ý tưởng của mình” – anh nói. Với một người từ nhỏ đã không nằm trong chăn ấm vào những buổi tối mùa đông giá lạnh mà sục xuống bùn bắt cá, thì quyết tâm đi bộ xuyên Việt trong điều kiện hỏng một mắt không phải là điều khó cắt nghĩa.

10 năm, đi 4 vạn km bóc biển quảng cáo

Ông Nguyễn Văn Minh (ảnh), 73 tuổi, sống tại Khu tập thể Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội). Hơn 10 năm ròng, mỗi ngày hai lần, sáng ông Minh đạp xe từ 9 giờ tới 11 giờ, chiều ông đi bộ từ 4 giờ tới nhá nhem tối vừa để tập thể dục, vừa để bóc những tờ quảng cáo, rao vặt. Thời gian đầu, những người quanh ông lúc đầu đã bảo ông “điên” khi “dỗi hơi” làm những việc không đâu. Con cái cũng ngăn cản ông vì sợ mưa gió và trả thù… Nhưng sau 10 năm, gốc cây, góc phố đường Nguyễn Trãi sạch những tờ quảng cáo. Tính nhẩm, 10 năm qua, ông đã đi hơn bốn vạn cây số.


Người Nhật “đội” nắng mưa vì giao thông Việt

Năm qua, dư luận xôn xao trước việc một người đàn ông Nhật Bản, đứng ở đầu cầu sông Hàn (Đà Nẵng) từ 4h sáng tới 20h30 để... đếm xe trên đường bất kể mưa nắng. Hành động tưởng chừng “viển vông” của ông xuất phát từ một mục đích thống kê lưu lượng xe để có những biện pháp thích hợp giảm thiểu tai nạn giao thông ở Việt Nam. Ông là Saito Takeshi, 70 tuổi, đến từ Saitama Urawa, Nhật Bản, người đi dọc dải đất hình chữ S để ghi nhận những dữ liệu độc lập về giao thông Việt Nam.


“Hiệp sĩ giao thông” trên đôi nạng

Ông Nguyễn Văn Xá (68 tuổi) ở Huyện An Dương, TP. Hải Phòng đã làm đơn xin chính quyền địa phương lập gác chắn tàu đường ngang dân sinh qua km 87+375 trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng – nơi được mệnh danh là “ngã tư tử thần” với rất nhiều tai nạn. Từ năm 2009 đến nay, ông Xá vẫn chống nạng “gác tàu tự nguyện”. Năm 2012, ông được nhận huy hiệu Hiệp sĩ giao thông.


Lật xe chở bia, người dân giúp nhặt lại tài sản

Ngày 21/9/2014, trên tỉnh lộ DT 640, đoạn qua đường tránh để xây cầu vượt lũ Huỳnh Mai, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, một xe tải chở bia bị lật nghiêng. Khi thấy chiếc xe gặp nạn, một số người dân đã nhiệt tình giúp tài xế và chủ hàng nhặt nhạnh, thu gom những tài sản còn sót lại để chuyển lên một chiếc xe tải khác.


Bé bị văng ra khỏi bụng mẹ được bảo trợ lâu dài

Ngày 25/10, anh Nguyễn Văn Nam ở xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn (An Giang) chở vợ Nguyễn Thị Kim Ngọc bằng xe máy đến bệnh viện sinh. Trên đường đi, xe của anh Nam gặp tai nạn. Chị Ngọc tử vong tại chỗ, thai nhi văng ra ngoài… Sau 25 ngày điều trị tích cực, bé Nguyễn Quốc Huy đã được xuất viện. Được sự chấp thuận của gia đình cháu Huy, báo điện tử Gia đình Việt Nam đã nhận bảo trợ cho cháu Huy đến khi đủ 18 tuổi.


Bốn năm nhặt rác Hồ Gươm

Suốt bốn năm ròng, lúc 15 giờ, mỗi chiều Chủ nhật, bất kể mưa nắng, những người trẻ của Nhóm Nhặt rác Hồ Gươm (thuộc CLB Tình nguyện Trẻ) đều cùng nhau nhặt rác thải quanh hồ. Túi ni- lông, chai lọ, que kem hay cả những cành hồng dập nát... đều được các bạn thu gom và phân loại. Nhóm Nhặt rác Hồ Gươm được đề cử giải “Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội 2014” hạng mục Việc làm của báo Thể thao & Văn hóa. 

Huyền My
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi 2015

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm