Cựu “Trưởng giải” Trần Duy Ly: “Trưởng giải bị ghét mới mừng”

29/07/2011 06:19 GMT+7 | V-League

(TT&VH Cuối tuần) - Sau câu chuyện với ông Ngô Tử Hà (TT&VH Cuối tuần số 16 ra ngày 15/4/2011), chuyên mục Cận cảnh tiếp tục có cuộc trò chuyện với ông Trần Duy Ly, một cựu Trưởng ban tổ chức V-League khác, để bạn đọc hiểu thêm về công tác tổ chức, điều hành các giải đấu trong nước cũng như một góc nhìn về bóng đá chuyên nghiệp qua 11 năm phát triển.

Dư luận rất tinh tường

* Vài vòng gần đây, V-League nổi sóng với những trận đấu sặc mùi tiêu cực. Ông nghĩ sao về vấn nạn đó, đặc biệt từ việc Thanh Hóa để thua ngược trên sân nhà trước SLNA?

- Tôi không trực tiếp xem qua trận đấu này, nhưng qua thông tin báo chí, dư luận phản ánh, tôi thấy nhiều vấn đề. Đầu tiên là không thể coi thường khán giả xem truyền hình cả nước. Nhìn cách đội nhà đang chơi tưng bừng rồi ỉu xìu trong ít phút, họ không bức xúc hô đội nhà bán độ mới lạ. Phương diện thứ hai, HLV Lê Thụy Hải không phải là tay mơ trong nghề. Ấy thế mà, anh Hải có những thay đổi nhân sự và tuyên bố rất khó hiểu về quyền thay người, chiến thuật theo ý mình. Tôi thấy lối chơi của đội Thanh Hóa có vấn đề và phản ứng của CĐV có cơ sở. Ban tổ chức (BTC) giải cần xem xét và kỷ luật nặng đội bóng Thanh Hóa để làm gương cho các đội khác.

* Trong mỗi trận đấu có vấn đề, BTC giải thường kêu ca thiếu chứng cứ. Chúng tôi nhớ năm 2003, thời ông làm trưởng BTC giải, đã từng xử Thể Công vì cái tội thả lộ liễu Cảng Sài Gòn trên sân Hàng Đẫy, mà không cần bằng chứng cụ thể?

- Xét tính chất qua mỗi thời kỳ, có những cái dễ, cái khó khác nhau. Nhưng thời tôi làm trưởng giải, bóng đá bao cấp với đặc thù ban ngành, địa phương còn rõ nét. Phạt Thể Công thực sự không dễ. Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều, bởi cũng gốc từ lính mà ra. Chúng tôi không có bằng chứng cụ thể. Nhưng nhìn các cầu thủ đá dưới sức, sự bất bình của khán giả, và ngay cách thua của Thể Công có tính chất làm thay đổi cục diện ở cuộc đua trụ hạng, BTC buộc phải xử. Thể Công cũng có phản ứng nhiều đâu. CLB vẫn nộp tiền và có những xử phạt nội bộ sau quyết định từ BTC giải. Đó là sự tôn trọng và hiểu được hành động của BTC giải.

BTC và Ban kỷ luật cần có sự hợp tác cao

* Bây giờ ông thấy làm bóng đá chuyên nghiệp có khác với thời ông nhiều không?

- Khác nhiều. Tôi với vai trò trưởng giải chịu quá nhiều áp lực mỗi quyết định kỷ luật đưa ra. Không chỉ lãnh đạo trong ngành TDTT, mà đôi khi còn từ lãnh đạo cấp cao khác. Tôi nhớ có lần Đà Nẵng muốn BTC giải chiếu cố cho đội nhà đưa thủ môn ngoại bị treo giò được ra sân sớm. Tuy nhiên, tôi không chấp nhận vì nó chưa đúng luật và đội bóng Đà Nẵng phải chấp nhận ý kiến trên. Lãnh đạo thành phố gọi điện với ý muốn ép BTC nếu không du di họ sẽ bỏ giải đấu.


Thời còn làm trưởng giải, ông Trần Duy Ly từng mạnh tay xử lý tiêu cực mà không cần bằng chứng.

Không khí trước trận Đà Nẵng - Cảng Sài Gòn diễn ra nóng bỏng từ 9h sáng tới tận 16h45 vẫn chưa hạ nhiệt. Riêng tôi vẫn nhắc nhở giám sát, ban điều hành, đội khách cũng ra sân chuẩn bị như bình thường. Trong trường hợp xấu nhất, giám sát lập biên bản hủy trận đấu với đội chủ nhà. Thấy chúng tôi vẫn cứng rắn bảo lưu quyết định trên, đội Đà Nẵng cuối cùng ra sân và thi đấu đúng 17h. Tôi chỉ lấy minh chứng như thế để thấy cái khó của BTC thời đó. Theo tôi, trưởng giải bị ghét, xét góc độ nào đó, là tín hiệu tích cực và nên mừng, vì anh xử án không dĩ hòa vi quý, công tâm và sẵn sáng đối đầu với tiêu cực, thì bị ghét là điều dễ hiểu. BTC phải đứng đầu sóng ngọn gió chứ không đùn đẩy trách nhiệm.

* Còn BTC bây giờ có đầy đủ ban bệ, nhưng lại bị coi thiếu cá tính lẫn bản lĩnh?

- Tôi hiểu cái khó của BTC giải là thường không có bằng chứng cụ thể khi tiêu cực xảy ra. Nhưng đã là BTC giải, anh phải thể hiện được cái uy của mình, nếu không các đội sẽ coi thường. Khi thấy trận đấu có tiêu cực thì BTC sẵn sàng đối đầu để làm ra vấn đề. Điều quan trọng hơn nữa là các trọng tài, giám sát - những cánh tay nối dài của BTC - cũng phải tuyên chiến với tiêu cực.

V-League đã “sạch” hơn trước, nhưng những trận đấu có mùi không phải là không còn. Mấy vòng cuối sẽ rất phức tạp, VFF nếu không xử nghiêm “hiện tượng lạ” trên sân Thanh Hóa sẽ dung dưỡng những nguy cơ ở 4 vòng cuối. Khi các đội bóng cũng học theo Thanh Hóa mà đá láo, thì giải có thể vỡ bất cứ lúc nào.

* Phải chăng mối liên kết giữa BTC giải, Ban kỷ luật và Ban giải quyết khiếu nại vẫn thiếu sự đồng nhất?

- So với thời chúng tôi, VFF giờ đây đã có được hệ thống luật chặt chẽ hơn, cấp quản lý và điều hành được tách bạch. Đấy là bước tiến lớn về mặt cơ cấu tổ chức. Nhưng nhìn cách vận hành giữa các ban bệ trong vài năm qua tôi thấy chưa ổn. Ban kỷ luật thường xử án tại hồ sơ, quá dựa vào BTC mà chưa bám sát cục diện từng vòng. Tôi giả sử tuần rồi V-League đá tới 3 trận liên tục, áp lực lên tận đỉnh. Vậy mà, Ban kỷ luật vẫn không thể bám sát tính chất nóng bỏng của từng vòng và quá phụ thuộc vào BTC giải thì khó chấp nhận. Họ cần cập nhật thông tin ngay trong 1 ngày và xử lý rốt ráo các vụ việc khi có mùi tiêu cực, thì mới ổn.

Bóng đá Việt Nam vẫn xây nhà từ nóc

* Riêng 10 năm chuyên nghiệp, ông đánh giá chung về mặt bằng chất lượng của giải đấu chúng ta ra sao?

- Giải chuyên nghiệp của chúng ta đã có bước tiến lớn so với thời tôi còn làm việc. Nhưng bây giờ, các đội bóng leo thang giá cả chóng mặt quá. Nếu một ngoại binh chất lượng khá thời năm 2000 chỉ tầm 1.000 USD, thì bây giờ đẩy giá lên cả trăm ngàn USD. Mà sự thực, chất lượng nội - ngoại binh mới chỉ tốt hơn có vài phần so với trước. Việc lạm phát giá cả đang làm nguồn kinh phí chi tiêu của các CLB bị đẩy lên chóng mặt. Các khoản tiền thưởng cả tỷ đồng, lẫn mức lót tay cỡ cả chục tỷ, V-League đang có dấu hiệu mất cân đối về mặt tài chính. Đó là cái mầm họa mà chúng ta không thể không lo.

* Nhiều luồng dư luận kêu ca BTC giải chưa sắp xếp lịch thi đấu khoa học, còn dàn trải...

- Về quan điểm này, tôi đánh giá lãnh đạo giải đấu đã có những nỗ lực nhất định. Như anh Dương Nghiệp Khôi đã gần 30 năm kinh nghiệm đầy mình. Nhưng trong đặc thù công việc, có nhiều bất cập mà mỗi thời điểm lại phát sinh vấn đề. Có lẽ, thời gian tới, chúng ta cần xây dựng lại lịch thi đấu và trở lại với mô hình tách riêng BTC giải khỏi cơ cấu của liên đoàn. Đây là bản đề án được trình lên VFF từ rất lâu nhưng vẫn bị bỏ ngỏ suốt thời gian qua. Theo tôi, hết mùa giải này, VFF, BTC giải cũng như các CLB cần ngồi lại để xem xét bản đề án mà anh Dương Nghiệp Khôi đã từng trình lên.

* Ông thấy sao khi những ông bầu một thời như Đoàn Nguyên Đức (HA.GL), Võ Quốc Thắng (ĐT.LA) đều tuyên bố không đua tiền trong bóng đá. Tuy nhiên, không ít ông bầu vẫn ném tiền ra sàn chuyển nhượng để có bất kỳ cầu thủ nào mình thích?

- V-League đang thiếu đi nền tảng trong việc xây dựng mô hình bền vững. Ngay việc bóng đá trẻ bị bỏ bê và những trung tâm đào tạo hàng đầu như Nam Định, Khánh Hòa, Bình Định, Đồng Tháp... bị lép vế đã nói lên tác dụng ngược của bóng đá “kim tiền”. Tôi thấy việc bầu Đức chuyển qua xây dựng học viện, chăm lo đào tạo trẻ là điều đáng mừng, góp phần làm chuyển hướng xây dựng bóng đá chuyên nghiệp. Các ông bầu đã bỏ qua những kiểu đánh bóng thương hiệu tầm thường mà chuyển qua làm bóng đá có căn cơ. Song tấm gương như anh Đức còn ít quá, và bóng đá Việt bị thương mại hóa theo kiểu thị trường.

* Ông nghĩ rồi các ông bầu sẽ bỏ bóng đá trong tương lai gần?

- Đó là điều tôi đã mường tượng tới. Bởi lúc này, chúng ta đang bơm tiền để bóng đá phát triển. Các đầu tư ấy sớm muộn cũng phản tác dụng khi V-League chưa tự nuôi sống mình. Giá cầu thủ tăng chóng mặt, còn CLB chưa kiếm lợi từ truyền hình, tiền vé và quảng cáo. Các ông bầu bóng đá đầu tư mạnh cỡ nào, cũng không thể trụ nổi sau thời gian ném tiền như thế. Họ sẽ trụ được bao lâu trong cuộc bão giá khủng khiếp về tiền lương, tiền thưởng như đang xảy ra ở Việt Nam?

* Vậy điều ông mong mỏi nhất ở giải V-League trong vài năm tới?

- Hơn 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, thành công - thất bại và cả sai sót thế nào người lãnh đạo bóng đá ta đều hiểu hết. Việc kiện toàn tổ chức và nâng cao khả năng quản lý - điều hành từ cấp vĩ mô cần được hoàn thiện gấp. Tôi chỉ mong các trung tâm đào tạo trẻ một thời đều lấy lại vị thế. Bóng đá cần một sự đầu tư từ gốc. Ngay việc mời những ông bầu có tâm huyết như bầu Đức, bầu Hiển, bầu Thắng... vào tham dự vai trò chủ chốt ở liên đoàn cũng cần thiết. Tôi biết họ lo việc kinh doanh, nhưng sự góp mặt của họ giúp liên đoàn xã hội hóa giải đấu và tăng cường mối quan hệ, tài chính để biến giải đấu ở ta chuyên nghiệp theo đúng nghĩa. Làm được thế V-League mới có thể gọi là giải đấu hấp dẫn nhất khu vực được.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Mộc Miên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm