Dịch giả Nguyễn Bích Lan - Một hiện tượng văn học như Nguyễn Ngọc Tư?

09/01/2013 10:37 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua (8/1) tại TP.HCM, dịch giả Nguyễn Bích Lan đã có buổi giao lưu với bạn đọc và ra mắt tự truyện Không gục ngã. Rất nhiều người nổi tiếng cũng như đông đảo bạn đọc đã đến chia vui với cô gái không chịu đầu hàng số phận…

Nguyễn Bích Lan bị bệnh loạn dưỡng cơ vô phương cứu chữa vào năm 13 tuổi khi đang học lớp 8 khiến cô phải từ bỏ rất nhiều giấc mơ cuộc đời. Để thoát khỏi căn phòng gần như “giam cầm” đời mình, Nguyễn Bích Lan đã tự học tiếng Anh, mở lớp dạy cho trẻ em trong làng. Từ khi có internet, thế giới dường như mở rộng hơn với cô. Năm 2002, Bích Lan bắt đầu dịch cuốn sách đầu tay và sau 10 năm đã dịch được hơn 20 đầu sách. Năm 2010, Bích Lan nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn VN cho tác phẩm Triệu phú ổ chuột và trở thành hội viên của Hội này.

Từ nghị lực phi thường

Đến chung vui với Nguyễn Bích Lan có nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký - người viết chữ bằng chân trở thành bài học trong SGK, vợ chồng nhà văn Nguyễn Quang Thân - Dạ Ngân, nhà thơ Trương Nam Hương, chị Huỳnh Tiểu Hương - người mẹ của hàng trăm đứa trẻ khuyết tật, mồ côi, bác sĩ Lương Lễ Hoàng… Những nhân vật nổi tiếng này đến dự buổi ra mắt tự truyện của Nguyễn Bích Lan cũng là vì thán phục cô gái chỉ cân nặng 30kg và sức khỏe chỉ bằng 15% người thường đã làm nên nhiều điều kỳ diệu.

Nguyễn Bích Lan cho biết: “Tôi vốn không định viết cuốn tự truyện về mình nhưng anh Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty First News - gọi điện nói với tôi rằng, nếu tôi kể một cách đầy đủ bằng cách nào tôi dịch được sách tiếng Anh, bằng cách nào tôi vượt được qua sự tuyệt vọng để sống có ích, thì nhiều độc giả sẽ có động lực để vươn lên trong cuộc sống của họ. Tôi nghĩ tự kể câu chuyện của mình cũng giúp ích cho nhiều người nên bắt tay vào viết”.

Dịch giả Nguyễn Bích Lan và ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc First News, đơn vị đặt hàng và ấn hành Không gục ngã

Với một cô bé 13 tuổi mà bị cắt đứt con đường đến trường do bệnh tật, cái bệnh mà bác sĩ nói là không thể chữa được, Bích Lan phải đương đầu với số phận như thế nào thì bạn đọc phần nào đã có thể hình dung. “Nhà thơ Trương Nam Hương có một câu thơ tôi rất thích: Tay không lấm đất đồng nhà/ Dễ vô tâm mỗi khi và miếng cơm. Gia đình rèn cho tôi thói quen lao động từ bé và tôi đặt tên cho một chương trong tự truyện của mình là Lời của cánh đồng. Tôi muốn bạn đọc biết là Nguyễn Bích Lan ốm yếu, sức khỏe chỉ bằng 15% người bình thường cùng lứa tuổi mà lại lao động miệt mài như vậy” – chị nói thêm.

Nhà thơ Trương Nam Hương, chia sẻ: “Tôi biết Bích Lan qua từng trang viết và Bích Lan biết đến thơ tôi qua bài Tạ lỗi cánh đồng, từ đó anh em thường xuyên gửi e-mail, điện thoại. Hôm nay là lần đầu tiên gặp Bích Lan, tôi thấy một cô bé mỏng mảnh như thế mà có nghị lực phi thường và sức làm việc của em đã trở thành bài học, một gương rất lớn cho những người cầm bút các thế hệ”.

Bìa tự truyện Không gục ngã

Tài năng gây kinh ngạc

Ngoài dịch sách, Nguyễn Bích Lan còn viết truyện, làm thơ và nhà văn Dạ Ngân so sánh với hiện tượng Nguyễn Ngọc Tư, chị cho biết: “Tôi biết Bích Lan từ năm 2009. Khi ấy tôi đọc một truyện ngắn tên Vườn chuối mà chưa hề biết Bích Lan là ai. Sau đó báo Tuổi trẻ nhờ tôi giới thiệu một truyện khác đó là Người cha điếc, truyện đó được giải Văn hóa hòa bình của Israel. Bích Lan sinh năm 1976 không biết chiến tranh là gì mà viết được về chiến tranh như thế thì tôi phục quá, một sức viết bằng tưởng tượng và lời kể của người lớn”.

“Tôi nghĩ Bích Lan là một tài năng. Cũng rất nhiều người bị tàn tật, khiếm khuyết nhưng phải nói rằng trời đã cho Bích Lan một tài năng lớn. Đây là một hiện tượng kiểu như Nguyễn Ngọc Tư vậy. Bích Lan vừa viết văn vừa làm thơ như Nguyễn Ngọc Tư và còn có các tác phẩm dịch thuật đồ sộ. Tôi nghĩ cuốn sách này của Bích Lan là một trong những hiện tượng văn học năm nay” - nhà văn Dạ Ngân khẳng định.

Trao đổi riêng với TT&VH, nhà thơ Lê Minh Quốc, cho rằng: “Trong xã hội có những người bị khiếm khuyết nhưng họ biết tự vươn lên để cống hiến trí tuệ, tài năng ngang bằng với người bình thường. Ngoài Bích Lan trong giới viết văn có anh Đỗ Trọng Khơi người Thái Bình, anh Nguyễn Ngọc Hưng ở Quảng Ngãi… Đó là những người không thể sinh hoạt như chúng ta nhưng tác phẩm của họ đã đánh động tâm hồn nhiều người đọc. Có cô gái ở Cà Mau quá yêu Đỗ Trọng Khơi đã đến Thái Bình và chọn anh làm chồng, sẵn sàng nâng khăn sửa túi cho anh - một người khuyết tật”.

Với trường hợp Nguyễn Bích Lan, Lê Minh Quốc nhận xét: “Từ hiện tượng Nguyễn Bích Lan, đừng bao giờ nhìn một người khuyết tật như người không có ích cho cộng đồng. Khi đánh giá, chúng ta hãy so sánh với những người bình thường, đừng vì sự thương hại mà đọc tác phẩm hay tán dương việc làm của người bị khiếm khuyết, hãy coi đó là sự cống hiến trí tuệ của họ cho xã hội”.

Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm