Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký: Nửa thế kỷ "Em Ký đi học"

20/11/2011 10:02 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Trước đây trong sách giáo khoa lớp 3 có bài Em Ký đi học, sau đó sách giáo khoa lớp 4 sửa thành Anh Ký đi học. Sách giáo khoa lớp 4 hiện nay thì có bài Bàn chân kỳ diệu cũng viết về tấm gương vượt qua tật nguyền, học giỏi Nguyễn Ngọc Ký. Từ ngày đầu tiên cậu học trò Nguyễn Ngọc Ký được “phát hiện” đến nay vừa tròn 50 năm.

Bây giờ, người có “bàn chân kỳ diệu” Nguyễn Ngọc Ký còn gắn liền với danh hiệu Nhà giáo ưu tú, nhà văn viết rất nhiều cho thiếu nhi, kỷ lục gia Việt Nam... Tuy đã về hưu, nhưng hàng ngày Nguyễn Ngọc Ký vẫn làm việc liên tục. Ông cộng tác làm chuyên gia tư vấn cho đài 1080, viết văn bằng chân mỗi năm in vài cuốn sách, đi giao lưu với học sinh ở khắp nơi, sáng tác câu đố cho học trò nhiều vô kể...

Đi lên từ tật nguyền, nỗ lực không ngừng để khẳng định giá trị của mình, nhưng Nguyễn Ngọc Ký chưa bao giờ khỏe mạnh theo đúng nghĩa đen của từ này. Hôm tôi đến thăm thầy Nguyễn Ngọc Ký trong một ngôi nhà nhỏ ở Q. Gò Vấp, TP.HCM, được biết ông đang điều trị bệnh hiểm nghèo, mỗi tuần phải chạy thận đến 3 lần. Dù đau yếu, khó khăn là vậy, nhưng Nguyễn Ngọc Ký lúc nào cũng sống lạc quan với cuộc đời.

Viết văn nhờ “Thép đã tôi thế đấy”

Hiện nay, với mạng Intenet phổ biến rộng và báo chí “trăm hoa đua nở”, thì gần như không có gì xuất hiện trên mặt đất này mà thiên hạ không biết. Nhưng ở vào những năm thời chiến tranh thì sao? Và số phận cậu học trò Nguyễn Ngọc Ký bị liệt hai tay, học giỏi ở một miền quê Nam Định sẽ như thế nào nếu rất ít người biết đến cậu?

Nguyễn Ngọc Ký kể rằng bài báo đầu tiên viết về ông do phóng viên báo Sông Đào (Nam Định) thực hiện vào năm 1961. Cùng năm đó, báo Thiếu niên tiền phong rồi TTXVN cũng có bài viết về ông. Từ những thông tin trên báo, Bác Hồ đọc được về Nguyễn Ngọc Ký và Bác đã gửi huy hiệu tặng ông.



Nhà thơ - nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký tại nhà riêng, ông viết văn, làm thơ, tư vấn tâm lý qua điện thoại trên chiếc giường này

Số phận của Nguyễn Ngọc Ký bắt đầu sang trang mới từ những bài báo và tiếp tục trên những trang sách giáo khoa như một tấm gương sáng về nghị lực vượt khó vươn lên, đến nay vừa tròn 50 năm. Bây giờ ở tuổi ngoài 60, nhưng hình ảnh cậu học trò Nguyễn Ngọc Ký hì hụi tập viết bằng chân, bị chuột rút đau co rúm cả người, vẫn còn đọng lại trong tâm trí bao thế hệ. Nhiều người thắc mắc là đi học Ký viết bằng chân, sau này thành thầy giáo Ký làm sao để viết bảng? Năm 1970, Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp Văn khoa ĐH Tổng hợp Hà Nội rồi về dạy văn ở trường Năng khiếu Hải Hậu - Nam Định. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký cho rằng dạy văn không cần thiết phải viết lên bảng nhiều chữ, dạy văn quan trọng là gieo được niềm yêu thích văn chương vào tâm hồn học sinh. Phương pháp “viết bảng” vắn tắt của thầy Ký là viết sẵn trên một tờ giấy gồm gạch đầu dòng các ý chính của bài giảng, rồi dùng một tờ giấy trắng khác che lên. Đến lớp, thầy Ký nhờ học trò dán bài giảng lên bảng, dạy đến phần nào thầy Ký cho gỡ tờ giấy trắng che bên ngoài để nội dung từ từ hiện lên.

Năm 2005, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký xin về hưu sớm ở tuổi 57 do sức khỏe yếu. Như vậy, trong 35 năm đứng trên bục giảng, dạy học từ tỉnh Nam Định, rồi TP.HCM, cùng cả ngàn cuộc giao lưu khác... Nguyễn Ngọc Ký đã gieo vào lòng biết bao người về tình yêu văn chương.

Vậy ai là người đã khiến cậu học trò giỏi toán Nguyễn Ngọc Ký trở thành thầy giáo dạy văn và thành nhà văn như hôm nay? Nguyễn Ngọc Ký nhớ lại: “Đang là học sinh giỏi toán cấp quốc gia, một lần tôi đọc được Thép đã tôi thế đấy, càng đọc càng say mê và chính tác phẩm này cùng nhân vật Paven đã khiến tôi gắn bó với văn chương”.

Người đạt nhiều kỷ lục nhờ nghị lực

Hiện nay, Nguyễn Ngọc Ký đang viết hồi ký Tôi dạy học, vì dù thế nào chăng nữa, giáo dục vẫn luôn là mối quan tâm lớn của ông. Ông cũng vừa được NXB Đại học Sư phạm TP.HCM ấn hành cuốn Giáo dục những vấn đề tâm huyết dày 450 trang khổ A4.

Năm 2006, Nguyễn Ngọc Ký được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam ở Ban Văn học thiếu nhi. Sau khi nhận thẻ hội viên, Trung tâm Kỷ lục Việt Nam công nhận ông là nhà văn Việt Nam viết bằng chân. Trước đó, cũng trung tâm này công nhận ông là nhà giáo Việt Nam viết bằng chân. Tôi hỏi ông, nếu thầy được lên phi thuyền bay vào không gian, không khéo cái trung tâm kỷ lục này sẽ công nhận thầy là người đầu tiên của nhân loại viết bằng chân trên vũ trụ?

Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký cười: “Kỷ lục là do người ta tặng mình, nếu đăng ký để nhận kỷ lục thì mình có lẽ còn là người đi giao lưu nhiều nhất Việt Nam với hơn 1.000 lần và là người sáng tác nhiều câu đố nhất với hơn 15.000 câu”.

Các câu đố do Nguyễn Ngọc Ký sáng tác được in thành sách khá nhiều và rất được học trò đón nhận. Chẳng hạn ông đố về thầy giáo Chu Văn An: “Ai người thầy giáo tuyệt vời/ Trò ông bao đấng nên người tài danh/ Thương dân, căm lũ nịnh thần/ Dâng “Thất trảm sớ” chẳng cần lợi danh”.

Trong năm 2011 này, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký in cùng lúc 6 cuốn sách, trong đó có 3 tuyển tập Những câu đố vui tâm đắc dành cho tuổi học trò (190 câu đố/tập, NXB Trẻ). Ông cũng là người có nhiều tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa dạy cho học trò. NXB Trẻ vừa xuất bản tập thơ Điểm 10 tung tăng tuyển chọn 120 bài thơ của ông, thì có 3 bài trong tập thơ này được đưa vào sách giáo khoa: Nặn đồ chơi (lớp 1), Con đường làng (lớp 2), Em thương (lớp 3).

Viết văn với Nguyễn Ngọc Ký không đơn thuần là thể hiện tình cảm, suy nghĩ của mình. Ông cho biết: “Nhờ viết sách tôi mới có tiền để nuôi các con khôn lớn”. Thật vậy, sách của Nguyễn Ngọc Ký chẳng những được in với số lượng lớn mà còn được tái bản đều đặn.

Năm 1970, khi vừa tốt nghiệp đại học, Nguyễn Ngọc Ký có tự truyện Những năm tháng không quên sau đổi tên thành Tôi đi học tái bản hơn 10 lần. Tập thơ Chú nhện chơi đu của ông in 150 ngàn bản và được các trường học nhiệt tình đón đọc, phát hành thơ hiện nay mà được như ông thật khiến các nhà thơ khác nằm mơ cũng không dám.

Nói về kỷ lục của Nguyễn Ngọc Ký so với những gì ông đã làm được, không đánh giá nào chính xác hơn là hai từ “nghị lực” phi thường của con người ông. Nếu không có nghị lực, chưa chắc ông đã viết được chữ, chứ đừng nói chuyện viết văn. Vậy nên, trao danh hiệu kỷ lục này nọ với ông, tức là cái trung tâm kỷ lục ấy được thơm lây nhờ ông, chứ bản thân Nguyễn Ngọc Ký đã là một kỷ lục mà không cần thêm vào hay bớt đi bất cứ cái bằng chứng nhận nào.

Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm