18/09/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Họa sĩ Thành Chương có tặng tôi một vài họa phẩm, trong đó có bức ông vẽ ngay khuôn mặt mình lên ngực áo phông của tôi. Một khuôn mặt tròn như cái kẹo bột, hiền như cái kẹo bột.
Không biết nhờ độ khéo của bố cục “tranh - áo” hay nhờ độ phẳng của vồng ngực tôi mà mỗi khi mặc áo, cái kẹo bột ấy áp mặt mình vào trái tim người mặc. Nếu nhìn theo lối lập thể, thấy khuôn mặt và trái tim lồng nhau.
1. Về những “cái kẹo” chân dung tự họa ấy, họa sĩ Thành Chương kể trên một tờ báo: “… có khoảng 500 bức”.
“Có 2 nguyên nhân khiến tôi theo đuổi đề tài này. Tôi đã vẽ chân dung cho rất nhiều người, nhưng chưa bao giờ thực sự thoải mái và thú vị. Bởi ngoài việc tôi thích bức chân dung ấy, tôi còn muốn người được vẽ thích nữa. Nhưng đa phần đều tỏ ra không hài lòng. Ngay cả khi vẽ cho người thoải mái nhất, tôi cũng đã phải tự lựa xem ông này chịu được [cách tôi vẽ] tới mức nào. Đó chính là sự hạn chế sáng tạo. Mà vẽ thế nào cũng bị chê, bị thắc mắc. Tôi nảy ra ý định vẽ quách mình cho đỡ mệt! Thế rồi một hôm ông bạn thân của tôi, nhà thơ Bế Kiến Quốc ngứa tay vẽ cho tôi một bức chân dung, tôi chợt nhận ra, nhưng đường nét trên khuôn mặt mình qua con mắt Bế Kiến Quốc rất có tính cách. Đấy là giọt nước làm tràn ly!”.
Và từ đấy họa sĩ Thành Chương say mê vẽ chính mình. Con số 500 ông kể trên kia là kể vào mùa Xuân năm 1997. Từ bấy đến nay số trăm đã tăng thành nghìn. Ngày 1/9/2021 thành chương tâm sự trên trang cá nhân: “Nhiều người hỏi: Ông đã vẽ rất nhiều tự họa, ông thấy khó nhất là cái gì? Khó nhất là vẽ hàng nghìn bức mà không bị lặp lại”.
2. Khi họa sĩ Lưu Công Nhân tìm được cô người mẫu mới, báo chí đưa tin và dẫn lời ông: “Tôi vẫn thích vẽ một cô gái nông thôn khỏa thân. Thật trong sáng, tinh khiết và… quê mùa! Những ngày ở Vĩnh Yên, trong căn phòng vẽ bé xíu, tôi đã vẽ khoảng 200 bức khỏa thân mà người mẫu là một cô gái nông thôn còn nói ngọng “n” thành “l”. Vẽ tả thực cái điều tôi thấy, tôi cảm nghĩ thật khó. Càng vẽ càng thấy khó. Tôi tự nhủ: Phải cố lên”.
Vì khó, Lưu Công Nhân rất trân trọng nguyên mẫu. Họa sĩ tự kể trên báo Văn nghệ, một lần đang vẽ, ông mạnh dạn “ý kiến” với một nguyên mẫu khác: “Thưa quý nương, chắc phu quân của quý nương phải là người hạnh phúc nhất trần đời!”. “Vì sao thưa ông?”. “… Lẽ đơn giản. Ông xã nhà đã là người chủ của một nhan sắc tuyệt đẹp như bà”. “Trời ơi! Ông là họa sĩ mà còn lầm to đến thế. Cái đẹp bao giờ cũng là… của chung!”.
3. Hay chọn các chính khách làm nguyên mẫu là cách của họa sĩ Chóe. Ông đã nhiều lần vẽ ngài tiến sĩ Kissinger, cố vấn một thời của nước Mỹ! Bút vẽ sắc bén, bày ra trần trụi cái âm mưu bá chủ hoàn cầu. Vì thế, khi ông lấy tranh vẽ Kissinger để tham gia cuộc thi hí họa tổ chức năm 1972 ngay bên Mỹ thì bức tranh ấy được báo chí xứ cờ hoa, bình chọn là tranh độc đáo nhất cuộc thi!
4. Nguyên mẫu các bức lụa Cô gái bên cành đào, Cô gái dưới giàn hoa thiên lý của Nguyễn Phan Chánh là một cô gái câm. Bà Nguyệt Tú, con gái họa sĩ kể: Vào một buổi chiều, tôi cố nhìn… một gương mặt thiếu nữ bất động sau lưng cha tôi… Tiếng cha nói “con chào dì đi”. Người thiếu nữ khoảng mười chín, đôi mươi, đôi mắt hơi ngượng ngùng, ánh mắt như muốn nói nhiều điều mà miệng không thốt ra được một lời nào”.
Đó không phải em của mẹ nhà văn Nguyệt Tú mà chỉ là “Cô gái đã đứng nhìn cha tôi vẽ cả buổi sáng. Cha tôi nói vui “Có đi về nhà xem tôi vẽ không?”. Cô gái mỉm cười ngượng nghịu”. Nhưng cô chạy vào trong xóm một lát, trở ra với cái tay nải nâu nhỏ, lặng lẽ đi theo ông họa sĩ tài hoa, để rồi bước vào và sống mãi trong những bức tranh kia.
Còn nguyên mẫu trong các bức Tiên Dung tắm, Kiều tắm lại là các cô gái khác, những người đẹp này, chính bà mẹ của nhà văn Nguyệt Tú đi tìm, làm quen, mời về nhà làm người mẫu cho chồng, để rồi lẳng lẽ bỏ đi khi chồng bắt đầu các bức khỏa thân.
5. Chuyện họa sĩ thành nàng thơ nguyên mẫu để thi sĩ… tác nghiệp thì tìm trong thơ Lưu Trọng Lư. “Con nai vàng ngơ ngác” từng viết: “Ai bảo em là giai nhân/ Cho đời anh đau khổ/ Ai bảo em ngồi bên cửa sổ/ Cho vướng víu nợ thi nhân”...
Cửa sổ ấy thuộc nhà số 18 Phạm Phú Thứ, Hà Nội. Ngồi bên cửa sổ là thiếu nữ Phùng Thị Cúc, từ Huế ra Hà Thành trọ học, khiến nhà thơ của chúng ta phải tìm cách trọ ở một cửa sổ đối diện bên số lẻ, cùng phố, để nhìn hình, để lắng tiếng, để lấy chất liệu làm bài thơ dài 4 đoạn Một mùa Đông in trong tập Tiếng Thu. Chỉ một bài ấy mà nhạc sĩ Y Vân đã phổ 3 tình khúc Một mùa Đông, Người em sầu mộng, U hoài.
Cách một mặt đường nhựa phố cổ mà thi sĩ trẻ chẳng dám bước qua, để rồi xa cách mãi. Mấy mươi năm sau, từ Pháp trở về Hà Nội thì cô nguyên mẫu đã thành bà, thành điêu khắc gia nổi tiếng Điềm Phùng Thị. Tại trụ sở Hội Nhà Văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Tuân cầm tay Điềm Phùng Thị dẫn tới gặp vợ chồng Lưu Trọng Lư - Tôn Nữ Lệ Minh mà rằng “Đây rồi! Đối mặt, ngâm gì thì ngâm đi”.
6. Chế Lan Viên từng viết bằng nước mắt bài thơ tình tuyệt đẹp và vô cùng giản dị: “Người mang lại ái tình không ở cùng tôi nữa/ Nhưng hương em còn quẩn mỗi câu thơ/ Trời xanh của sông Hàn nay đã vỡ/ Mỗi câu thơ là một mảng trời xưa/ Hạnh phúc em đong cho ta bằng đôi mắt nhỏ/ Đôi chén đắng cay làm lòng ta nức nở/ Mỗi bức thư như gạch lở đầu tường/ Như đạn xé vào ngực non không lấp nổi/ Thơ anh viết những lời anh chẳng sống/ Chiếu nay anh viết: Yêu em…”.
Đó là tình yêu dành cho người 6 tháng liền đi khắp các tỉnh của miền Bắc Việt Nam, vào từng hiệu sách nhân dân (tên chung của tất cả các hiệu sách quốc doanh ngày ấy) để tự tay cầm bút, viết lại cho đúng, cho đẹp câu thơ của chồng trên hàng vạn trang sách mà nhà in đã trót in sai.
Cuối tuần mở sách đọc chầm chậm, bỗng nhìn ra nhiều là lạ, đèm đẹp sau hàng ngàn những con chữ!
Trần Quốc Toàn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất