Hồ nước bị “chôn sống” 1 triệu năm dưới băng

12/02/2012 13:46 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Tuần này, các nhà khoa học Nga thông báo họ đã khoan thành công xuống hồ Vostok, vốn bị chôn vùi dưới hàng cây số băng tuyết ở Nam Cực trong hàng triệu năm trời.

Việc khai thông hồ nước biệt lập này với thế giới bên ngoài sẽ giúp các nhà khoa học tìm xem liệu có sự sống nào tồn tại trong nó, và qua đó rất có thể sẽ mang tới đáp án cho một câu hỏi khác: có hay không sự sống trên các hành tinh ngoài Trái đất?

Món quà hơn 1 triệu năm tuổi

Hôm 10/2, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã cất lời ca ngợi các nhà khoa học Nga vừa khoan tới hồ Vostok, vốn nằm ngầm dưới lớp băng dày 3,7km ở Nam Cực, khi ông nhận được một hộp nhỏ đựng nước hồ.

Đích thân Bộ trưởng Khoáng sản tự nhiên và Môi trường Yury Trutnev đã trao cho Putin hộp đựng nước nhỏ, chứa thứ chất lỏng màu vàng, với dòng chữ ghi cụ thể ở bên ngoài: "Hồ Vostok, hơn 1 triệu năm tuổi".

Ông Putin bên cạnh món quà gửi về từ hồ Vostok

Với vẻ hóm hỉnh thường thấy, Putin hỏi Trutnev rằng ông đã uống nước hồ chưa và khi ngài bộ trưởng lắc đầu, ông lại pha trò thêm: "Tôi hơi tò mò một chút, bởi khủng long từng uống nước ở hồ đấy". Tiếp đó Putin ca ngợi thành tích khoan xuống hồ Vostok "là sự kiện vĩ đại" và nói rằng các thành viên nhóm nghiên cứu sẽ được trao tặng phần thưởng đặc biệt từ nhà nước.

Thứ nước trong chiếc hộp mà người ta tặng cho Putin đã chỉ lấy được sau hơn 2 thập kỷ khoan liên tục. Các nhà khoa học Nga cuối cùng đã chọc thủng lớp băng dày 3.769 mét ở một địa điểm nằm cách phía Đông Nam Cực 1.300km.

Trước đó, dự án này đã nhiều lần bị đình trệ, vì người ta lo ngại hoạt động khoan có thể thay đổi môi trường sống dưới lòng hồ Vostok.

Để khoan qua băng tuyết và chống không cho nước dưới hố khoan đóng băng trở lại, các nhà khoa học đã đổ vào đó một lượng lớn kerosene. Nhưng kerosene nuôi dưỡng vi khuẩn và trong hố đã có 65 tấn kerosene. Sẽ là thảm họa nếu kerosene làm ô nhiễm lòng hồ nguyên thủy. Song các nhà khoa học Nga đã tìm ra cách thông minh để khiến chuyện này không xảy ra. Sử dụng các cảm biến đặc biệt, họ khoan cho tới khi nó báo rằng có nước lỏng ở phía dưới thì dừng lại. Tới đây, họ hút kerosene ra, cho mũi khoan xuyên qua vách băng cuối cùng, kết hợp điều chỉnh áp lực, để sao cho nước hồ sẽ bị đẩy lên bề mặt qua miệng hố khoan. Cách này đã khiến tính nguyên thủy của hồ được bảo đảm.

Việc khoan tới mặt hồ Vostok, hồ lớn nhất trong gần 400 hồ nước nằm dưới băng ở Nam Cực, là một phát hiện lớn đã được giới khoa học thế giới trông đợi từ lâu. Hồ nước này được cho là chứa các cơ thể sống đã bị nhốt chặt trong băng giá và bóng tối suốt 20 triệu năm qua, cũng như mang tới đáp án cho sự sống trong Thái dương hệ.

Sự sống tồn tại ở khắp nơi

Nếu các nhà khoa học tìm thấy dù chỉ là tế bào ở hồ Vostok, nó sẽ củng cố thêm hy vọng rất lớn của nhân loại rằng sự sống có tồn tại đâu đó trong Thái dương hệ của chúng ta, nơi người ta tưởng như chẳng có gì sống nổi.

Thực tế đã có rất nhiều ví dụ cho thấy sự sống có tồn tại ở những nơi tưởng chừng như không thể. Hồi năm 2010 Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) từng trưng ra một đoạn video cho thấy một con Lyssianasid, sinh vật là "bà con xa" của loài tôm, đang nhởn nhơ bơi lội ở vùng nước nằm sâu 183 mét dưới băng Nam Cực, nơi ánh sáng mặt trời không thể rọi đến.

Các nhà khoa học Nga chụp ảnh kỷ niệm sau khi
khoan xuống lòng hồ ở độ sâu 3.769 mét

Tương tự, những con giun ống khổng lồ lại thích nghi để phát triển mạnh ở các miệng phun thủy nhiệt dưới đáy biển, tại độ sâu lên tới hàng ngàn mét, nơi điều kiện áp suất cao, nhiệt độ thay đổi liên tục và không có ánh sáng chẳng hề đe dọa tới sự sinh tồn của chúng.

Sách kỷ lục Guinness từng ghi nhận Deinococcus radiodurans là loài vi khuẩn "sống dai nhất thế giới”. Được tìm thấy tình cờ cách đây 55 năm trong một hộp thịt, vi khuẩn này có thể chịu được lượng phóng xạ i ốt mạnh tới 5,000 Gy, trong khi chỉ cần 5Gy là đủ để giết một người trưởng thành. Thậm chí vi khuẩn trên còn tự chữa thương do tác động phóng xạ gây nên.

Tại sông axít Rio Tinto ở Tây Ban Nha, nơi người ta không dám nhúng tay xuống nước, vẫn có những vi khuẩn sinh sôi rất mạnh. Do các điều kiện ở Rio Tinto rất giống với các địa điểm khác trong Thái dương hệ được cho là có chứa nước lỏng với lượng axít cao như dưới lớp đất của mặt trăng Europa của sao Mộc, người ta tin rằng sự sống cũng có thể tồn tại ở nơi này.

Ngoài ra còn phải kể tới việc sự sống có tồn tại ở sa mạc Atacama của Chile, nơi khô cằn tới mức giới khoa học vẫn dùng nó để mô phỏng điều kiện của sao Hỏa. Bên cạnh đó là một vi khuẩn được phát hiện sống nhờ chất phóng xạ thoát ra từ một mỏ vàng ở Nam Phi.

“Mọi thứ tôi biết cho tới nay đều cho thấy sự sống sinh sôi nảy nở một cách kỳ lạ. Khả năng thích nghi của sự sống thật tuyệt vời" - ông Carl Pilcher, lãnh đạo bộ phận nghiên cứu các sự sống kỳ lạ của NASA nói.

Ông chỉ ra rằng dường như chẳng nơi nào trên Trái đất lại không có sự hiện diện của sự sống. Chung quan điểm, khoa học gia Ted Scambos ở Đại học Colorado bày tỏ tin tưởng rằng sự sống chắc chắn sẽ được tìm thấy ở hồ Vostok, ngay khi người Nga bắt đầu thử phân tích nước của hồ, vốn có thể diễn ra sau vài tháng tới. Ông chỉ ra rằng lớp băng trên hồ Vostok có vi khuẩn nên chẳng có lý nào để vi khuẩn không tồn tại dưới hồ.

Đáp án cho sự sống ngoài hành tinh

Tuy nhiên, điều khiến hồ Vostok trở nên quan trọng hơn các môi trường sống khắc nghiệt khác, chính là sự cô lập tuyệt đối của nó. Ví dụ như tại Atacama, sự sống có thể được đem từ nơi khác tới. Nhưng ở hồ Vostok, chẳng thứ gì có thể đưa sự sống từ bên ngoài vào với nó, nếu các sinh vật không có sẵn ở trong lòng hồ.

Giới khoa học chỉ ra rằng cách đây hơn 10 triệu năm, có rất ít băng tuyết hoặc chẳng có băng nên sự sống tồn tại dễ dàng ở hồ Vostok. Nhưng sau khi băng tuyết đóng dày, trong điều kiện không có nhiệt hoặc ánh sáng mặt trời, muốn tồn tại các sinh vật dưới đó phải tìm ra cách để lấy năng lượng. Và đó là chìa khóa của sự sống.

Nếu sự sống trong lòng hồ Vostok tìm cách thích nghi với các điều kiện khác lạ, ở một nơi khủng khiếp như vậy, chúng cũng có thể tồn tại trên mặt trăng Europa của sao Mộc, hay mặt trăng Enceladus của sao Thổ. Cả hai vệ tinh này đều được cho là có nước dưới lớp vỏ băng của nó, giống như hồ Vostok, và đều là mục tiêu tìm kiếm sự sống ngoài trái đất của giới khoa học.

Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm