(Thethaovanhoa.vn) - Chính phủ Liberia xác nhận, các mẫu thuốc thử nghiệm Zmapp, được cho là có thể ngăn chặn đại dịch Ebola, sẽ được gửi tới đây để điều trị cho các bác sĩ bị nhiễm loại virus chết người này.
Nhà Trắng và Cục Quản Lý Dược phẩm và Thực Phẩm Hoa Kỳ đã chấp thuận đề nghị gửi thuốc thử nghiệm Zmapp đến Liberia. Quyết định này chỉ chính thức được thông qua vào thứ 6 tuần trước (8/8) sau khi Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf gửi đề nghị cho Tổng thống Barack Obama. Theo đó, các mẫu thuốc thử nghiệm sẽ được đại diện chính phủ Mỹ mang đến Liberia trong tuần này.
Các bác sĩ làm việc tại Liberia sẽ nhận được thuốc thử nghiệm Zmapp trong tuần này.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triệu tập một ủy ban đạo đức để bàn về vấn đề sử dụng thuốc thử nghiệm điều trị Ebola ở Tây Phi. Theo số liệu mới nhất của WHO, hiện nay, virus “tử thần” đã lây lan sang ít nhất 1.848 người và khiến 1013 nạn nhân trong số này tử vong.
Thực tế vẫn chưa có bất cứ một loại vắc-xin hay thuốc nào được chứng minh là có thể ngăn chặn Ebola. Tuy nhiên đầu tuần trước, ZMapp đã được gửi tới để điều trị 2 nhà truyền giáo người Mỹ bị nhiễm Ebola. Mặc dù ZMapp chưa từng thử nghiệm trên người trước đây, tình trạng của các bệnh nhân được cho là đã có sự cải thiện.
Thứ 7 tuần trước (9/11), Bộ Y tế Tây Ban Nha xác nhận ZMapp cũng đã được chuyển tới cho Miguel Pajares, một linh mục nước này bị nhiễm Ebola trong khi làm việc tại Liberia. Theo tuyên bố, thuốc thử nghiệm đã được gửi từ Geneva (Thụy Sĩ) đến thủ đô Madrid, nơi Pajares đang được điều trị trong một khu vực cách ly đặc biệt tại Bệnh viện Carlos III.
Đến nay, việc sử dụng thuốc chưa được chứng minh vào điều trị Ebola vẫn gây ra tranh cãi lớn.
Việc điều trị cho các bệnh nhân trên đã làm dấy lên những câu hỏi quanh vấn đề sử dụng thuốc chưa được chứng minh là an toàn trên cơ thể người. Dư luận cũng chất vấn vì sao chỉ 3 người phương Tây nói trên được dùng ZMapp, trong khi rất nhiều người khác ở Tây Phi cũng bị nhiễm virus, nhưng không được hỗ trợ.
Ngày 18/8 tới đây, các nhà đạo đức y học và chuyên gia khoa học ở các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Ebola sẽ thảo luận về việc sử dụng thuốc chưa được cấp phép để chống virus này, cũng như các tác dụng phụ mà người ta chưa biết tới khi sử dụng thuốc thử nghiệm để điều trị bệnh.
Người dân Liberia được các nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe trước nguy cơ lây lan cực nhanh của đại dịch Ebola.
Tuần trước, WHO tuyên bố sự bùng phát của đại dịch Ebola là "một tình huống khẩn cấp đối với cộng đồng quốc tế". Kể từ khi Ebola được phát hiện ở Guinea vào tháng 3 vừa qua, dịch bệnh đã nhanh chóng lây lan sang Sierra Leone, Liberia và Nigeria.
Hôm Chủ Nhật, Bờ Biển Ngà đã cấm các chuyến bay đến và đi khỏi những quốc gia bị ảnh hưởng bởi Ebola. Trong tháng này, Emirates là hãng hàng không quốc tế lớn đầu tiên ngừng các chuyến bay từ Guinea, tiếp theo là hãng hàng không Arik Air. Tuần trước, British Airways cũng hủy bỏ các chuyến bay đến Sierra Leone và Liberia.
Virus Ebola gây ảnh hưởng tới nhiều nội tạng trong cơ thể, khiến 90% các bệnh nhân có nguy cơ thiệt mạng. Các triệu chứng ban đầu bao gồm suy nhược cơ thể, đau cơ, đau đầu và đau họng. Tiếp đó, bệnh nhân sẽ bị nôn mửa, tiêu chảy, suy thận và chức năng gan, thậm chí, đôi khi còn chảy máu bên trong và bên ngoài cơ thể. Ebola lây lan qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể như máu, nước bọt, nước tiểu và các chất bài tiết khác của người nhiễm bệnh.
Hải Yến
Theo CNN