10 giờ 50 phút sáng ngày 29/10, chuyến bay cuối của Công ty Trực thăng miền Bắc (Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Bộ Quốc phòng) đã hạ cánh an toàn tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng), kết thúc thành công “chiến dịch” giải cứu 35 người trên một giàn khoan (trong đó có 21 người Việt Nam và 14 người nước ngoài) đang trôi dạt giữa bão Sơn Tinh...
Thức cùng giàn khoan
“Trong lúc chờ các anh đến giải cứu, chúng tôi luôn cầu nguyện để mình được bảo toàn tính mạng”, lời một công nhân trên giàn khoan GSF KEY HAWAI vẫn văng vẳng trong tâm thức Đại tá Đỗ Xuân Hòa, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty Trực thăng miền Bắc.
Khi được dự báo mức độ nguy hiểm của cơn bão số 8-bão Sơn Tinh, cán bộ, phi công và nhân viên Công ty Trực thăng miền Bắc vừa tập trung chằng chống nhà cửa, bảo đảm an toàn cho máy bay, vừa sẵn sàng bảo đảm lực lượng, máy bay, sẵn sàng cất cánh thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Và thêm một lần nữa, sự an nguy tính mạng của nhiều người lại trông chờ vào sự điêu luyện, tinh thông của những cánh bay Công ty Trực thăng miền Bắc.
Giàn khoan GSF KEY HAWAI. Ảnh Internet
“Đúng 19 giờ ngày 28-10, Công ty nhận được đề nghị cấp cứu từ giàn khoan GSF KEY HAWAI. Lúc này giàn khoan đang nằm trong khu vực bão Sơn Tinh quét qua. Thêm nữa, giàn khoan đã bị đứt dây kéo với tàu lai dắt, trôi dạt tự do, và mắc cạn cách Bắc đảo Bạch Long Vĩ khoảng 14 hải lý. Ngay lập tức, Công ty đã triệu tập các thành phần để xác định phương án cứu hộ cứu nạn”, Đại tá Trần Xuân Dinh, Giám đốc Công ty Trực thăng miền Bắc nhớ lại.
Vào thời điểm này, Hà Nội đang chịu ảnh hưởng lớn do bão Sơn Tinh; gió giật mạnh, trời mưa nặng hạt. Cùng với đó, thời tiết tại khu vực giàn khoan vượt quá giới hạn cho phép đối với máy bay trực thăng. Vì thế, cùng với việc giữ vững liên lạc với giàn khoan, nhằm nắm bắt kịp thời diễn biến khí tượng, Công ty Trực thăng miền Bắc khẩn trương triển khai công tác bảo đảm các mặt cho hoạt động bay ngay trong đêm, để sẵn sàng cất cánh khi điều kiện thời tiết cho phép.
Hoạt động bay cứu hộ cứu nạn luôn có sự chỉ huy liên tục từ Trung tâm điều hành bay của Công ty Trực thăng miền Bắc. |
Nhiều phương án bay cứu hộ cứu nạn đã được vạch ra. Cuối cùng, theo đề xuất của Đại tá Trần Xuân Dinh, phương án cơ động máy bay xuống sân bay Cát Bi, và từ đó bay ra giàn khoan đưa người về đất liền, đã được lựa chọn. Bởi với phương án này, việc đưa người rời khỏi giàn khoan sẽ bảo đảm nhanh nhất nhờ tiết kiệm tối đa thời gian.
Trong đêm 28/10, giàn khoan tiếp tục bị trôi dạt do gió lớn, khiến tinh thần của hơn ba chục con người đang ở trên đó hoang mang cực độ. Toàn bộ hệ thống điện và thông tin liên lạc trên giàn khoan đều bị tê liệt; thiết bị nối liền giàn khoan với Công ty Trực thăng miền Bắc là chiếc điện thoại di động của một công nhân trên giàn. Từ chiếc điện thoại này luôn lục phát ra lời đề nghị cứu giúp. Điều đó càng thôi thúc những cán bộ, nhân viên Công ty Trực thăng miền Bắc nỗ lực làm mọi công tác chuẩn bị cần thiết, tổ chức ứng trực suốt đêm, sẵn sàng cất cánh hướng về phía biển…
Bay trong mưa bão
Rạng sáng ngày 29-10, thông tin từ sân bay Cát Bi báo về, điều kiện khí tượng đang có xu hướng tốt dần lên. 3 giờ 30 phút, Công ty Trực thăng miền Bắc nhanh chóng triển khai bay. 5 giờ 30 phút, tổ bay thứ nhất của Đại tá Trần Xuân Dinh và Đại tá Đỗ Xuân Hòa cùng chiếc trực thăng EC-155B1 cất cánh rời sân bay Gia Lâm; ít phút sau, tổ bay của Thượng tá Trần Quang Tuấn và Thượng tá Chu Quang Minh cũng cất cánh trên chiếc EC-155B1 thứ hai, hướng về phía Hải Phòng.
Sau khi hạ cánh tại Cát Bi, nắm tình hình khí tượng tại khu vực giàn khoan và diễn biến khí tượng trên đường bay, các tổ bay hạ quyết tâm bay và báo cáo lên Tổng công ty Trực thăng Việt Nam. Kế hoạch bay đã được Tổng công ty phê chuẩn.
Chiếc EC-155B1 hạ cánh tại sân bay Gia Lâm, kết thúc thành công các chuyến bay cứu hộ cứu nạn trong bão Sơn Tinh. |
Đại tá Trần Xuân Dinh cho biết, ngay sau khi cất cánh từ Gia Lâm, hệ thống điều khiển tự động trên máy bay của tổ bay Dinh-Hòa đã không hoạt động, nên phi công phải điều khiển máy bay hoàn toàn bằng tay, rất phức tạp và nguy hiểm trong điều kiện mưa bão. Trong khi đó, khu vực máy bay hoạt động cứu hộ cứu nạn có nhiều đảo nhỏ; thậm chí có đảo có độ cao 300 mét, chỉ cánh vị trí giàn khoan chừng 600 mét, nên vô cùng nguy hiểm đối với hoạt động bay cứu hộ cứu nạn.
Trên đường bay, còn nhiều thách thức khác đặt ra đối với các tổ bay như gió luôn duy trì tốc độ khoảng 80km/giờ, mưa lớn, đáy mây thấp nên phải bay hoàn toàn trong mây và hạ cánh bằng phương pháp xuyên mây. Trong khi đó, giàn khoan đã bị trôi dạt cách vị trí ban đầu gần 100km và mắc vào đá ngầm, dẫn đến nghiêng từ 2 đến 4 độ; tháp của giàn khoan (cao trên 150m) nghiêng về phía đĩa hạ cánh, ảnh hưởng đến tĩnh không; hướng gió hoàn toàn bất lợi cho máy bay tiếp cận và hạ cánh; điều kiện giàn khoan vừa bị nghiêng, vừa bị tác động của sóng biển (cao từ 5 đến 7m) lắc nghiêng và dao động lên xuống…
Một trong hai tổ bay tham gia bay cứu hộ cứu nạn, sau khi hạ cánh. |
Tuy nhiên, với năng định có được của phi công, cộng với sự lựa chọn phương thức bay chính xác và chấp hành nghiêm các quy tắc bảo đảm an toàn bay, với 4 chuyến bay “con thoi”, hai tổ bay của Công ty Trực thăng miền Bắc đã sơ tán 35 người, trong đó có một người bị thương, về đất liền an toàn.
“Bởi tính chất phức tạp và yêu cầu khẩn trương của các chuyến bay, nên chúng tôi không có điều kiện trò chuyện nhiều với các nhân viên. Song những ánh mắt hoảng loạn của họ khi máy bay đáp xuống giàn khoan, và ánh mắt vui mừng khi trực thăng hạ cánh xuống Cát Bi, chính là sự động viên không lời đối với những người lính bay làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn như chúng tôi”, Đại tá Đỗ Xuân Hòa bộc bạch.
Một đêm bão bùng thức cùng những tiếng kêu cứu từ giàn khoan; một ngày bay trong mưa giông, gió giật…với mục tiêu lớn nhất, duy nhất là cứu vớt tính mạng của những con người đang trong tình thế “chỉ mành treo chuông”. Những cố gắng ấy đã thêm một lần nữa làm rạng ngời thêm hình ảnh của những người lính bay, của Bộ đội Cụ Hồ…
Bài, ảnh: PHẠM HOÀNG HÀ
Quân đội Nhân dân