13/06/2022 08:05 GMT+7 | Bóng đá Việt
Năm 2009, nước Anh tiến hành một cuộc khảo sát xã hội về quan niệm của mọi người đối với năng lực và trật tự xã hội, thì có đến 84% những người tham gia khảo sát trả lời rằng nỗ lực chăm chỉ là “vô cùng quan trọng”, thậm chí là phẩm chất không thể thiếu để vươn lên dẫn đầu.
Vào năm 2016, Viện Brookings (Mỹ) phát hiện ra rằng 69% người Mỹ tin rằng, địa vị mỗi người đang có hoàn toàn dựa vào trí thông minh và kỹ năng. Những người được phỏng vấn ở cả hai quốc gia đều cho rằng các yếu tố ngoại cảnh, chẳng hạn như may mắn và xuất thân giàu có, không quan trọng lắm đối với thành công của một người.
Thành công dựa trên sự cố gắng và chăm chỉ
Thái độ này phổ biến ở đa số các quốc gia, được khái niệm hóa thành “trọng dụng nhân tài” (meritocracy), thuật ngữ cho rằng bất kỳ ai cũng đang ở vị trí xứng đáng với nỗ lực của họ. Diễn ngôn của nó phủ nhận ngoại cảnh, rằng nếu anh chưa thành công, đơn giản là anh không cố gắng đủ nhiều. May mắn hay xuất phát điểm chẳng có nhiều ý nghĩa, bởi với thế giới quan của thể chế nhân tài, những ngoại cảnh là vô giá trị. Bất kỳ ai cũng có thể vươn lên đỉnh cao bằng tài năng và nỗ lực đơn thuần.
Bạn có thể thấy điều này quen thuộc, mỗi khi một đội tuyển thể thao, đặc biệt là bóng đá, đứng trước một thời điểm quan trọng, như là các trận bán kết hay chung kết, hoặc vượt qua một vòng loại khắc nghiệt. Khi đội thất bại, một số vỗ tay và khen ngợi các cầu thủ vì đã cố gắng đi đến tận đây. Một số chỉ nhìn vào kết quả, và nói rằng điều này là xứng đáng. Đội bóng thất bại đơn giản là nó chưa đủ tốt, thậm chí là tệ.
Ba năm trước, ông Park Hang Seo, trong một khoảnh khắc dằn dỗi cay đắng, đã phê phán thái độ này: “Người Việt yêu bóng đá, nhưng chỉ là bóng đá chiến thắng”. Ông là một trong những HLV thành công nhất trong lịch sử các đội tuyển Việt Nam, nhưng không thoát khỏi sự cay nghiệt này. Phong cách của ông một phần bị ám thị bởi sự cưỡng bách phải ứng phó với bối cảnh: Ông và các cầu thủ đang phải thi đấu dưới áp lực của những người sẽ luôn phải chiến thắng, nếu không muốn các giá trị của họ bị phủ nhận, thậm chí chà đạp, sau một trận thua.
Một người mới đến đang cố thách thức lại thái độ này. Trước trận đấu quan trọng với đối thủ mạnh Ả Rập Saudi, HLV Gong Oh Kyun tuyên bố với các cầu thủ U23 Việt Nam rằng “ưu tiên hàng đầu là giữ vị trí và chiến thuật”, rằng họ cần “giữ tinh thần thật thoải mái, lỗi cũng không sao hết, tất cả sẽ cùng sửa chữa”. Bên ngoài sân, ông đã cố để cho cầu thủ trẻ chơi một thứ bóng đá có phần vô tư hơn, trước hết là tạo ra một phong cách, rồi sau mới đến chiến thắng.
Người hâm mộ luôn cực kỳ khó chiều
Nhưng sự vô tư này vẫn sẽ phải đi qua nhiều nghi ngờ, và bão táp dư luận hơn nữa. Chúng ta đã quá quen với chuyện này. Những người hâm mộ Việt Nam, không cần đến sự vào cuộc của thống kê, đã làm nản lòng những nỗ lực duy trì phong cách của rất nhiều HLV đã đến đây. Một người cũng rất thành công khác, HLV Henrique Calisto, đã xin nghỉ sau AFF Cup 2010 vì không chịu nổi áp lực dư luận, đã phải nổi đóa lên: “Ngoài VFF, tất cả không chia sẻ với tôi. Tôi đã gắn bó với bóng đá Việt Nam hơn 10 năm, cùng đội tuyển vô địch Đông Nam Á, nhưng chỉ sau một trận thua là tất cả quay lưng với tôi”.
Bạn có thể tập trung vào cách các cầu thủ thi đấu hơn một chút, nếu biết rằng trong bóng đá, sự may rủi hóa ra quan trọng hơn ta tưởng. Chris Anderson và David Sally, hai tác giả của cuốn sách nổi tiếng về bóng đá The Numbers Game, đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện ra rằng “vì ít bàn thắng hơn, tỉ số thấp và nhiều trận đấu kết thúc với kết quả hòa, bóng đá khó dự đoán hơn các môn khác”.
Khảo sát của họ dựa trên tập mẫu là một lượng lớn các trận đấu bóng đá, trên thực tế, một đội mạnh hơn chỉ có khoảng một nửa thời gian chiến thắng, trong khi đó con số này ở bóng chày là 3/5 và 2/3 ở bóng đá Mỹ và bóng rổ. Các tác giả này đã xem xét một cách có hệ thống các tài liệu đã xuất bản khác về vận may trong bóng đá và rút ra kết luận rằng, “kết quả của một trận đấu bóng đá tạo ra từ một nửa là kỹ năng và một nửa là may mắn”.
Những gì đang diễn ra ở đội U23 Việt Nam cho thấy rằng, có một phong cách đẹp mắt là điều quý giá đến thế nào, ngoài chiến thắng. Nhưng bất kỳ một CĐV nào cũng nên tự hỏi mình khi khen ngợi lối chơi mới mẻ ấy, rằng họ có thể chấp nhận cho nó tung cánh bay xa đến đâu. Đấy là một nỗ lực thay đổi không dễ dàng. Như đã nói, chuyện đánh giá luôn một con người chỉ nhờ thành quả của anh ta đã trở thành một thái độ xã hội phổ biến, không chỉ trong thể thao.
Phạm An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất