07/04/2023 16:06 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Người Việt ở Phần Lan kể chuyện đi chợ thời "bão giá", cứ chợ nào bán rẻ là đi, phải cân đối chi tiêu để đảm bảo ổn định cuộc sống.
Lạm phát, bão giá là những cụm từ mà chúng ta có thể nghe thấy ở bất kỳ đâu và ở nhiều quốc gia trên thế giới trong giai đoạn này. Khi mà tiền lương thì chẳng tăng mấy, thậm chí còn giảm, thì giá lương thực thực phẩm cứ tăng ào ào như thể chạy đua với sức chịu đựng và khả năng hoạch định, tính toán chi tiêu của mọi người.
Ở đất nước 6 năm liền giữ danh hiệu "quốc gia hạnh phúc nhất thế giới" là Phần Lan, người dân cũng không nằm ngoài "cuộc chiến" với lạm phát. Cộng đồng người Việt ở Phần Lan cũng ít nhiều chịu tác động. Bài toán đặt ra là mỗi người đều phải cân đối chi tiêu để đảm bảo cuộc sống ổn định.
Mới đây, bạn Quế Thanh (quê thành phố Hồ Chí Minh), người đã có thời gian 6 năm học tập và làm việc ở Phần Lan, đã dựng hẳn một video chia sẻ lên Youtube về cách gia đình mình (gồm 2 vợ chồng trẻ) chi tiêu để đảm bảo cân đối giữa thời "bão giá".
Bạn Thanh sang Phần Lan vào năm 2015 theo diện du học ngành Kinh doanh Quốc tế (International Business) ở Turku, cố đô Phần Lan. Chồng của cô cũng là du học sinh. Sau khi tốt nghiệp chồng Thanh xin việc và đi làm ở Phần Lan còn cô về Việt Nam vào năm 2020 khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Khi dịch lắng xuống, cô được chồng bảo lãnh sang theo diện đoàn tụ gia đình. Hiện tại gia đình cô đang sống ở thủ đô Helsinki.
Thanh tâm sự: "Thật ra nếu sống ở Phần Lan trong một thời gian dài, sẽ cảm thấy Phần Lan như nhà của mình vậy đó. Lúc về Việt Nam, mình cũng thấy nhớ Phần Lan. Ngoài việc chính phủ luôn có nhiều chính sách hỗ trợ dân nhập cư, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại đây, hay du học sinh như mình, thì việc người Phần Lan cực kỳ thân thiện, môi trường sống an toàn cũng là thứ khiến mình thấy sống ở đất nước này rất lý tưởng".
"Tuy nhiên, mùa đông Phần Lan kéo dài quá, trời tối và lạnh, nên thông thường mình sẽ không thể ở Phần Lan xuyên suốt được mà luôn phải di chuyển, du lịch.
Mình đã đi du lịch châu Âu rất nhiều rồi, tầm gần 20 nước. Theo mình, sự khác biệt lớn nhất của Phần Lan so với các nước khác vẫn là an sinh xã hội", Thanh cho biết thêm.
Chia sẻ về câu chuyện giá cả tăng vọt thời lạm phát, Thanh cho biết Phần Lan cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều. Bản thân cô thấy so với hồi năm 2020, giá cả lương thực thực phẩm có vẻ tăng 5 - 10% tuỳ mặt hàng. Tất nhiên, dù giá cả tăng cao nhưng không thể không mua ăn được.
Hình ảnh chợ ở Phần Lan mà Thanh thường đi mua sắm.
Bên cạnh đó, vì điều kiện thời tiết không thể trồng nhiều loại rau nên đa số các loại rau ở Phần Lan đều phải nhập khẩu, chẳng hạn như từ Tây Ban Nha, Nam Mỹ... Nông dân ở đây chỉ có thể trồng được các loại củ như khoai tây, cà rốt... Vì thế mà giá nhập khẩu cũng cao hơn so với tự sản xuất.
Mỗi tháng đi chợ, vợ chồng cô tiêu hết khoảng 500-600 euro (tương đương 12-15 triệu đồng). Đó là còn chưa kể cô được hỗ trợ ăn trưa ở công ty. Thanh nói: "Mình thấy mức chi tiêu cho riêng đồ ăn thức uống như vậy so với ở Việt Nam thì khá cao, nhưng còn tùy thuộc vào mức lương của từng gia đình và điều kiện riêng. Bản thân mình thấy vợ chồng mình chi tiêu như vậy là hợp lý. Đấy là bọn mình còn ít khi ra ngoài ăn hàng".
Trong video chia sẻ trên kênh Youtube cá nhân, Thanh cho biết vợ chồng cô thường đi chợ theo tuần. Mỗi tháng đi khoảng 4 lần để mua đồ ăn. Cả 2 phải đi tổng cộng 3 chợ cho 1 lần: chợ địa phương (tức chợ của người Phần Lan), chợ Lidl (chợ Đức), và chợ châu Á. Nếu ai là du học sinh có lẽ sẽ biết chợ Lidl vì ở đây bán đồ khá rẻ. Nó được xem là chợ rẻ nhất tại Phần Lan.
Cô thường mua rau củ quả trong chợ địa phương vì đồ ở đó rất tươi, sạch, thậm chí về chỉ cần rửa sơ qua cũng có thể ăn luôn được.
Sau thời gian 6 năm sống ở Phần Lan, Thanh nhận thấy người dân bản địa cũng có thói quen đi chợ khá giống ở Việt Nam. Việc đi chợ thường xuyên hay không sẽ tuỳ thuộc vào từng nhà. Thanh cũng để ý thấy rằng người lớn tuổi bên này họ rất thích đi chợ, nó như kiểu một hoạt động trong ngày của họ vậy.
Cô nói: "Mình thấy đi chợ ở Phần Lan khá dễ dàng với mình, vì mọi thứ nó rõ ràng. Hầu hết ở đây mọi người sẽ đi siêu thị vì siêu thị ở bên đây cũng khá giống chợ. Ở mỗi khu vực đều có siêu thị, nhỏ lớn đều đủ cả, nên cũng tiện lợi.
Tuy nhiên, họ vẫn cũng có chợ truyền thống, và chợ thì thông thường giá sẽ đắt hơn siêu thị, có thể vì đồ tươi hơn".
Một số món ăn châu Á do chính tay Thanh nấu.
Còn chợ châu Á, Thanh nhận thấy hàng hóa cũng khá đầy đủ để cô có thể nấu những bữa cơm gia đình như ở Việt Nam. Các mặt hàng đa dạng, tuy nhiên sẽ giá cả sẽ đắt hơn ở Việt Nam. Thanh thường vào chợ châu Á để mua gia vị, còn lại nếu mua được ở siêu thị thì cô sẽ mua luôn.
Ảnh: NVCC
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất