Người Thái 'cười', Việt Nam 'khóc' vì thủ môn

17/09/2017 13:43 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Thủ môn được ví von như một nửa sức mạnh của đội bóng. Quả thật, một nửa sức mạnh ấy tác động quá lớn đến những chiến dịch của bóng đá Việt Nam trong gần 1 năm qua.

Người Thái thì khác. Họ đủng đỉnh và yên tâm. Sau kỷ lục của Nont Muangngam ở SEA Games 29, Kantaphat Manpati cũng vừa ghi dấu ấn với 3 pha cản phá thành công trong loạt sút luân lưu, giúp U18 Thái Lan đánh bại U18 Indonesia ở bán kết U18 Đông Nam Á 2017.

Kantaphat Manpati sinh năm 1999 và như nhiều thủ môn khác, anh bắt đầu chơi bóng từ nhỏ với vai trò của một tiền vệ hoặc tiền đạo trước khi trở thành một chốt chặn ở khung gỗ.

Năm 2014, cha của Manpati đã thúc đẩy và tạo nên bước ngoặt lớn đầu tiên trong cuộc đời của cậu. Ông đọc báo và thấy Leicester City đang cử những tuyển trạch viên đến Thái Lan. Cha Manpati cố gắng để con trai mình được ra nước ngoài và ông đã thành công. “Tham vọng của tôi là được ra nước ngoài dù gia đình tôi có tài chính chỉ ở mức khá. Vì vậy, việc tôi được ra nước ngoài không phải điều dễ dàng”, Manpati chia sẻ.

Highlights U18 Thái Lan - U18 Indonesia (Pen: 3-2).

6 tháng đầu tiên là khoảng thời gian khó khăn với Manpati, cậu nghe tiếng Anh không hiểu, giao tiếp với đồng đội khó khăn. Thủ môn trẻ này nhớ lại: “Tôi trở về Thái Lan và coi 6 tháng đầu tiên như một kỳ nghỉ. Thế nhưng, sau đó tôi trở lại và thích ứng tốt hơn. Gần 3 năm ở Học viện bóng đá Leicester City là khoảng thời gian tuyệt vời”.

Giá trị lớn nhất mà Manpati nhận ra khi du học ở nước ngoài được cậu lý giải chi tiết: “Tôi thu nhận được nhiều kinh nghiệm cả trong bóng đá và những lĩnh vực khác. Tôi biết cách tự chăm sóc bản thân, trong đó có dinh dưỡng để làm mình trở nên hoàn hảo nhất. Tôi đã không lãng phí tuổi trẻ ở đấy. Đó là một cơ hội và tôi dường như chẳng mất mát điều gì cả”.

Ngay sau khi trở về nước, Manpati được BEC Tero Sasana ký hợp đồng và sau đó là một suất thi đấu chính thức trên đội tuyển U18 Thái Lan. Anh chơi 5/6 trận tại Giải U18 Đông Nam Á 2017 đang diễn ra ở Myanmar, mới để lọt lưới 2 bàn, tất cả đều là những cú sút quá khó.

Thế nhưng, trận bán kết với U18 Indonesia mới thật sự đưa tên tuổi Manpati đến gần với người hâm mộ. Thủ môn 18 tuổi cản phá thành công 3 lượt sút luân lưu và trực tiếp đưa U18 Thái Lan vào chung kết. Sau trận đấu ngày 15/9/2017, Manpati lần đầu tiên được gọi là “người hùng” trên các mặt báo của xứ sở chùa vàng.

Chú thích ảnh
Bóng đá Thái Lan và Việt Nam đang có sự đối lập lớn ở vị trí thủ môn. Ảnh: Hiếu Lương.
Bóng đá Việt Nam: 1 năm, 6 thủ môn sai lầm, 3 chiến dịch thất bại

Bóng đá Việt Nam: 1 năm, 6 thủ môn sai lầm, 3 chiến dịch thất bại

Sai lầm của Y Êli Niê trong trận đấu quyết định giữa U18 Việt Nam và U18 Myanmar đánh dầu sai lầm thứ 6 của các thủ môn đội tuyển quốc gia Việt Nam trong gần một năm qua.

Sự tỏa sáng của Manpati khiến ký ức SEA Games 29 một lần nữa ùa về. Thủ môn số 1 của U22 Thái Lan, Nont Muangngam chỉ để thủng lưới duy nhất 1 lần trong 7 trận đấu, xác lập kỷ lục 6 trận liên tiếp không thủng lưới trong lịch sử SEA Games. Và đừng quên, Nont Muangngam có cả một thời niên thiếu ăn tập ở lò đào tạo Nancy (Pháp).

Người Thái đang dần phải thích ứng tốt hơn với những gì các đội tuyển trẻ đang trình diễn. Lứa 1993 của Chanathip Songkrasin là đỉnh cao trong tấn công, còn lứa 1995, 1997, 1999 đã không còn hoa mỹ, phối hợp đẹp mắt. U18 Thái Lan hay U22 Thái Lan đều đặt yếu tốt phòng ngự chắc chắn lên hàng đầu, trong đó bao gồm cả sự vững chãi ở vị trí gác đền.

Chú thích ảnh
Nont Muangngam cũng tạo nên hình ảnh đối lập với Phí Minh Long tại SEA Games 29. Ảnh: Four Four Two.

Người Thái vẫn có quyền tự hào vì thành công vẫn đang đến với họ. Soi chiếu sang Việt Nam, cả 4 thủ môn chính thức của đội U22 và U18 đều mắc sai lầm. Người hâm mộ ngao ngán vì tần suất sai lầm diễn ra liên tục trong thời gian qua. Những sự chia sẻ dành cho những thủ môn trẻ vẫn xuất hiện nhưng nếu người Thái tiếp tục an tâm với vị trí này trong tương lai thì với Việt Nam dù muốn hay không, sự lo lắng vẫn là cảm giác chủ đạo.

Trong một bài viết mới đây của tờ Thanh niên, VFF đang tính đến phương án thuê HLV thủ môn người nước ngoài cho các đội tuyển quốc gia. Soi xét kỹ, đó chắc chắn không phải biện pháp gốc rễ mà mang nhiều tính xoa dịu dư luận. Thủ môn là vị trí đặc thù và cần những quá trình tập luyện tính theo năm, không phải lúc lên tuyển tập với thầy ngoại, về CLB lại tập với thầy nội.

Bóng đá Thái Lan thừa hưởng thành quả từ những quyết định như của cha Manpati khi cho con sang Anh du học. Khi chưa thể tự tạo nên những sản phẩm tốt, ra nước ngoài để học hỏi là một giải pháp. Phương án ấy mang tính rủi ro nhưng cũng đem lại những giá trị sâu xa như hiểu tầm quan trọng của dinh dưỡng và sự chuyên nghiệp trong tập luyện.

Hiếu Lương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm